Việc cộng điểm vốn không phải là mục đích của việc dạy và học nghề phổ thông, mà chỉ là biện pháp khuyến khích HS học nghề theo mục tiêu giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS. Nhưng không biết từ bao giờ, việc cộng điểm lại trở thành mục đích chính để HS đăng ký học nghề.
Việc cộng điểm vốn không phải là mục đích của việc dạy và học nghề phổ thông, mà chỉ là biện pháp khuyến khích HS học nghề theo mục tiêu giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS. Nhưng không biết từ bao giờ, việc cộng điểm lại trở thành mục đích chính để HS đăng ký học nghề. Học không đi đôi với hành, nhiều HS chọn học nghề không theo sở thích mà chọn nghề nào dễ đạt điểm cao. Có thể thấy lâu nay, việc đạt loại khá, giỏi khi thi nghề phổ thông và được cộng 1 đến 1,5 điểm khi vào lớp 10 dễ dàng hơn nhiều so với việc đạt giải trong cuộc thi HS giỏi các môn văn hóa nhưng cũng chỉ nhận được mức điểm cộng từ 0,5 đến 2 điểm. Sự dễ dãi, coi nhẹ việc học nghề ở trong cả người dạy và người học. Nhưng điều này không thể đổ lỗi cho HS. Những giờ học đơn điệu, khuôn mẫu, không gắn với thực tiễn thì làm sao có thể thu hút các em? Dần dần, việc học nghề trở nên lãng phí về cả thời gian và tiền bạc của HS và các bậc cha mẹ.
Tôi cho rằng, việc bỏ cộng điểm khuyến khích cho HS có chứng nhận nghề phổ thông khi tuyển sinh vào lớp 10 là cần thiết để tạo sự công bằng hơn giữa các HS. Đây cũng là một trong những bước đi đầu tiên để đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường ngay từ cấp THCS. Các nhà quản lý giáo dục cần có những biện pháp để đưa việc dạy và học nghề phổ thông trở về đúng ý nghĩa ban đầu.
Ngọc Linh