08:09, 30/09/2017

Tăng thu bảo hiểm, nhìn từ nhiều phía

Theo quy định của Bảo hiểm xã hội, từ năm 2018, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác của người lao động.

Theo quy định của Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ năm 2018, tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân phải đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác của người lao động. Có thể hiểu quy định mức đóng bảo hiểm cho người lao động là tổng thu nhập của người lao động. Trước thông tin này, có rất nhiều người lo ngại, vì xét ở nhiều góc độ vấn đề này không hề đơn giản.


Trước hết, xét về độ ảnh hưởng đến những đối tượng mà nó tác động đến. Có thể thấy, quy định trên hẳn sẽ không ảnh hưởng mấy đối với những đối tượng xưa nay hưởng lương từ ngân sách nhưng nó tác động trực tiếp đến các DN. DN sử dụng công nhân nhiều tức là tạo được công ăn việc làm, đóng góp cho xã hội sẽ gặp áp lực không nhỏ. Lý do là mức lương công nhân của cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng là còn thấp, công nhân phải tăng ca mới đủ trang trải chi phí cuộc sống. Cho nên, nếu tính bảo hiểm trên tổng thu nhập, các DN và cả người lao động phải gánh thêm một chi phí không nhỏ. Ví dụ ở một DN, một công nhân có mức lương 5 triệu đồng/tháng, tăng ca và nhận phụ cấp, bổ sung thu nhập, lương kinh doanh… là 3 triệu đồng/tháng. Vậy tổng thu nhập là 8 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện nay, trong tổng mức đóng bảo hiểm 32%, thì công ty đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%. Như vậy, công ty phải đóng bảo hiểm 12,9 triệu đồng/năm, công nhân thì đóng 6,9 triệu đồng/năm. Nhưng nếu tính bảo hiểm theo thu nhập, thì mỗi năm DN phải đóng đến 20,64 triệu đồng/năm. Nếu DN sử dụng càng nhiều công nhân thì mức đóng này sẽ là một sức ép khủng khiếp về sự tồn tại, phát triển DN. Người lao động đã rất vất vả để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống cũng phải chi trả bảo hiểm đến gần 10,08 triệu đồng/năm so với 6,9 triệu đồng như cách cũ. Bản thân con số này đã tự nói lên nhiều vấn đề.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Với mức đóng như hiện nay, tình trạng DN trốn, chây ỳ đóng BHXH đã đến mức báo động. Theo số liệu của BHXH tỉnh, đến tháng 8-2017, tổng nợ BHXH (kể cả lãi chậm nộp) của các đơn vị, DN tại Khánh Hòa đang là gần 206 tỷ đồng. Đến khi tính theo cách mới, tình trạng này sẽ như thế nào? Điều đó ảnh hưởng thế nào đối với sự tồn tại của DN thì các nhà hoạch định chính sách vĩ mô phải tiên liệu được.


Những vấn đề khi đưa ra sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế như: tăng thuế suất VAT, tăng giá điện, xăng dầu, thu BHXH trên cơ sở tổng thu nhập… mong được cấp điều hành thận trọng, có sự thăm dò từ các chuyên gia và từ xã hội kỹ lưỡng trước khi quyết định.


LÊ MINH