Đến đầu tháng 11-2013, các đơn vị trong tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa hoàn thành việc tuyển dụng giáo viên năm học 2013 - 2014, chậm so với kế hoạch đã công bố hơn 1 tháng.
Đến đầu tháng 11-2013, các đơn vị trong tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa hoàn thành việc tuyển dụng giáo viên (GV) năm học 2013 - 2014, chậm so với kế hoạch đã công bố hơn 1 tháng.
Hàng năm, trước mùa tuyển dụng GV, không chỉ sinh viên mới ra trường phập phồng, lo lắng mà các cơ quan quản lý giáo dục cũng nóng lòng chờ đợi quyết định chính thức về phương thức tuyển dụng. Bởi cứ mỗi lần thay đổi quy định tuyển dụng đều kéo dài thời gian và gây lúng túng cho cả đơn vị tuyển dụng lẫn người dự tuyển.
Thi tuyển hay xét tuyển?
Từ trước đến nay, tỉnh luôn áp dụng đầy đủ các hình thức tuyển dụng GV theo quy định của Nhà nước, thậm chí nhiều tiêu chí sớm đón đầu Nghị định 29/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức mới được ban hành trong năm 2012. Tuy nhiên, trong thực tế, việc tuyển dụng GV theo hình thức thi tuyển hay xét tuyển hàng năm đều tồn tại nhiều khó khăn, bất cập mới.
Nhiều người cho rằng, việc thi tuyển là một giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng đánh giá, xếp loại kết quả học tập của sinh viên khập khiễng và ít tin cậy của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Tuy vậy, việc phủ định toàn bộ kết quả đào tạo của sinh viên trong 3 - 4 năm học tập ở các trường ĐH, CĐ để thay thế bằng các bài thi do hội đồng tuyển dụng của địa phương tổ chức ra đề và chấm thi xem ra vẫn chưa công bằng. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp đỗ thủ khoa, á khoa trong kỳ thi tuyển lại rơi vào những người vốn có kết quả học tập khá thấp trong trường ĐH, CĐ.
Đối với hình thức xét tuyển, ngoài việc xét kết quả học tập (bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp) thì phần kiểm tra, sát hạch bằng cách phỏng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển cũng làm đau đầu cơ quan tuyển dụng. Phỏng vấn ít tốn thời gian, nhưng hiệu quả không cao vì chỉ trong vòng mươi phút khó có thể đánh giá đúng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển. Còn nếu áp dụng thực hành đúng nghĩa thì cần phải tổ chức cho người dự tuyển đứng lớp ít nhất 1 tiết. Tuy nhiên, điều ấy đặt ra nhiều khó khăn cho ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc bố trí lớp học, giám khảo và chắc chắn thời gian tuyển dụng sẽ kéo dài.
Đặc cách xét tuyển theo thứ tự ưu tiên nào?
Nghị định 29/2012 và các văn bản hướng dẫn của cấp trên đã quy định 3 nhóm đối tượng được đặc cách xét tuyển là: Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 3 năm trở lên; tốt nghiệp loại giỏi, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ; người có tài năng, năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Tuy vậy, do các văn bản này không xác định thứ tự ưu tiên của các nhóm đối tượng nên 2 năm nay, mỗi địa phương làm theo mỗi cách khác nhau tùy theo nhận thức chủ quan của đơn vị mình.
Chỉ tính riêng nhóm đối tượng tốt nghiệp loại giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng tốt nghiệp loại giỏi nên ưu tiên hàng đầu, nhưng các trường ĐH “tốp dưới” rất hào phóng trong việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập của sinh viên trong khi các trường “tốp trên” lại khá chặt chẽ, nghiêm ngặt. Trái lại, có người cho rằng thạc sĩ (chưa có tiến sĩ nào dự tuyển) là văn bằng cao hơn, cần được xếp trên nhưng qua kiểm tra hồ sơ cụ thể, nhiều thạc sĩ trước đây tốt nghiệp ĐH (kể cả tại chức, liên thông) vào loại trung bình, không tìm được việc làm nên học tiếp thạc sĩ. Oái ăm là có trường chỉ tuyển dụng 1 GV, nhưng ứng viên thuộc diện đặc cách đến 5 - 6 người, biết xếp ai lên trước nếu rơi vào trường hợp điểm phỏng vấn hoặc thực hành ngang nhau.
Ưu tiên hộ khẩu thường trú tại địa phương hay tuyển chung cả nước?
Năm trước, tỉnh thực hiện tuyển dụng GV không phân biệt đối tượng có hay không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Đó là việc làm theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Cư trú. Tuy vậy, sau khi có kết quả tuyển dụng đã vấp phải phản ứng khá quyết liệt từ nhiều phía vì con em nhân dân sinh sống tại chỗ thất nghiệp, trong khi những người ở các địa phương khác lại trúng tuyển nhưng không chắc sẽ ổn định công tác lâu dài. Riêng đối với GV tiểu học, THCS đã được đào tạo theo “đơn đặt hàng” hàng năm cho Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, khi thực hiện tuyển dụng trong phạm vi cả nước đã dẫn đến vỡ kế hoạch, làm dôi ra một bộ phận sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc làm.
Năm nay, trong thông báo tuyển dụng GV đã chia thành 2 nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên tuyển dụng trước cho người có hộ khẩu tại địa phương (huyện đối với GV tiểu học, THCS; tỉnh đối với GV THPT). Khi việc tuyển dụng chuẩn bị kết thúc, một số địa phương đã công bố kết quả trúng tuyển thì có nhiều đơn thư phản đối cho nên đến giữa tháng 10-2013, UBND tỉnh ban hành văn bản sửa đổi, không phân biệt hộ khẩu thường trú, nghĩa là quay lại y như năm trước.
Tuyển dụng GV là việc làm thường xuyên hàng năm của ngành Giáo dục và Đào tạo, cũng là mối quan tâm lớn của các gia đình có con em học trường sư phạm, hoặc có mong muốn chọn nghề dạy học. Phải chăng tỉnh nên ổn định lâu dài và sớm công bố phương thức tuyển dụng GV để các hội đồng tuyển dụng và các cấp quản lý giáo dục bớt khó khăn, lúng túng. Điều quan trọng là giúp cho người dự tuyển có điều kiện ôn tập, rèn luyện và chuẩn bị tốt hơn nữa việc giành được một chỗ dạy học bằng chính nỗ lực tự thân, không phải phập phồng, chờ đợi “hên - xui” như hiện nay.
LÊ VĂN