01:07, 19/07/2013

Bao giờ trẻ được tiêm vắc xin trở lại?

Khi đến thời hạn tiêm chủng, con tôi được trạm y tế phường tiêm loại vắc xin Quinvaxem. Vào thời điểm, loại vắc xin này đang bị dư luận nghi ngờ về độ an toàn, tuy nhiên vì cơ quan chức năng chưa có bất kỳ ý kiến gì nên nó vẫn được sử dụng rộng rãi.

Khi đến thời hạn tiêm chủng, con tôi được trạm y tế phường tiêm loại vắc xin Quinvaxem. Vào thời điểm, loại vắc xin này đang bị dư luận nghi ngờ về độ an toàn, tuy nhiên vì cơ quan chức năng chưa có bất kỳ ý kiến gì nên nó vẫn được sử dụng rộng rãi. Đến ngày 4-5, Bộ Y tế chính thức có ý kiến chỉ đạo ngừng việc tiêm vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để kiểm tra lại độ an toàn, tuy nhiên, lại không có một loại vắc xin nào thay thế. Hiện nay, Bộ Y tế đã có công văn cho phép sử dụng lại loại vắc xin trên nhưng cho đến thời điểm này, các điểm tiêm chủng mà vẫn phải chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng. Điều này khiến nhiều người rất lo lắng.


Hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Thủy ở Vĩnh Ngọc, chị rất lo lắng vì con chị nay đã hơn 6 tháng vẫn chưa được tiêm chủng. Chị cho biết: “Khi con tôi được 4 tháng tuổi, tôi mới cho cháu đi tiêm vắc xin. Đúng lúc đó, trạm y tế cho biết ngừng tiêm vắc xin Quinvaxem. Nhiều người đã đưa con đi tiêm thuốc tại Viện Pasteur nhưng giá thuốc rất đắt, hơn 600.000 đồng/mũi. Tôi cũng muốn đưa cháu đi tiêm nhưng gia đình tôi khá khó khăn, thu nhập, lấy đâu ra từng ấy tiền”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Tâm trạng chung của nhiều người dân khi thông tin ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem là lo lắng. Người có tiền thì đưa con đi đến Phòng tiêm Safpo (đường Pasteur, TP. Nha Trang) hoặc Viện Pasteur để tiêm vắc xin, còn người khó khăn thì đành phải chờ phương án của Bộ Y tế. Trên thực tế, số lượng người phải chờ đợi là rất lớn vì số tiền đó không phải là nhỏ so với thu nhập của gia đình họ. Phần lớn là những gia đình nghèo, sống ở các vùng nông thôn.


Gặp chị Nguyễn Thị Bảy (Ngọc Hiệp) tại Phòng tiêm Safpo, câu chuyện của chị lại khác. Con chị được tiêm một mũi vắc xin Quinvaxem trước khi loại thuốc này bị ngưng sử dụng. Vì thế đến đúng lịch tiêm mũi 2, chị rất bối rối. Chị lo lắng: “Nhân viên trung tâm y tế có giải thích cho tôi rằng, nếu tiêm trễ hơn cũng không ảnh hưởng gì, hoặc là tôi chờ, hoặc là có thể tiêm dịch vụ. Tôi không biết là chờ đến bao giờ nên quyết định tiêm dịch vụ. Giá có đắt nhưng cũng phải ráng. Tôi chỉ băn khoăn là không biết loại thuốc mới có đồng bộ với Quinvaxem mũi 1 và có tác dụng phụ gì hay không?”.


Cho đến thời điểm này, đã gần 1 tháng kể từ ngày Bộ Y tế cho phép tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem, tại các điểm tiêm chủng vẫn chưa triển khai. Chị M., nhân viên tiêm chủng tại phường Tân Lập, cho biết: “Hiện tại điểm tiêm chủng của phường chưa thực hiện tiêm chủng đại trà vắc xin Quinvaxem mà chỉ tiêm các loại vắc xin cho các bệnh riêng lẻ”. Như vậy, gần 2 tháng rưỡi kể từ khi vắc xin này bị ngưng sử dụng, nhiều bậc cha mẹ vẫn tiếp tục phải chờ hoặc lựa chọn tiêm thuốc dịch vụ cho con mình.


Được biết, loại vắc xin này được sử dụng từ 5 năm nay với số lượng rất lớn. Tuy nhiên cho đến khi có một số ca biến chứng xảy ra ở một số địa phương, nó đã bị dư luận nghi ngờ. Nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế đến mức Bộ phải tạm ngưng sử dụng để kiểm tra trong khi vẫn chưa có một loại vắc xin nào thay thế. Kết quả kiểm định của Tổ chức Y tế thế giới đã cho thấy vắc xin này vẫn an toàn cho người sử dụng. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, tỷ lệ phản ứng với thuốc so với số liều dùng là khá thấp, nằm trong giới hạn cho phép. Vì thế những nghi ngờ về nó là hơi thái quá.


Tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem cũng đã ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều trẻ, đặc biệt là những trẻ ở các gia đình nghèo. Khi vắc xin được sử dụng miễn phí, trẻ dễ dàng có được cơ hội chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh mong muốn ngành Y tế sớm có biện pháp triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ.


Quang Vũ