08:01, 17/01/2018

Nét đặc sắc của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn-Gia Định

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã đánh dấu một bước phát triển mới trong học thuyết quân sự Việt Nam.
 

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã đánh dấu một bước phát triển mới trong học thuyết quân sự Việt Nam.
 
Lần đầu tiên, ta tổ chức và phát động một cuộc tiến công đồng loạt trên chiến trường rộng lớn, tập trung vào các đô thị, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế mà vẫn giữ được yếu tố bất ngờ tới giờ nổ súng, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của địch trên toàn miền Nam.
 
Nét đặc sắc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn - Gia Định biểu hiện ở sự độc lập, sáng tạo, tài mưu lược của Đảng ta trong nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; đồng thời là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân ta. Thắng lợi này đã để lại những bài học vô giá, in đậm trong lịch sử như những dấu son chói lọi về một thời kỳ oanh liệt của Đảng trong nghệ thuật chỉ đạo; của dân tộc, quân đội và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và thống nhất đất nước.
 
Đảng ta đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo
 
Ở miền Nam, hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ - chính quyền Sài Gòn không những không đạt được kết quả gì đáng kể, trái lại còn bị thiệt hại nặng nề. Ở miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta cũng bị trừng trị đích đáng. Nội bộ chính quyền Mỹ bị chia rẽ sâu sắc. Phong trào phản đối chiến tranh dâng cao khắp nước Mỹ... Hơn nữa, năm 1968 lại là năm bầu cử Tổng thống Mỹ - thời điểm rất nhạy cảm về chính trị. Điều này buộc Tổng thống đương nhiệm Giônxơn phải tính toán, thận trọng để đưa ra các quyết sách, nhất là đường lối chiến tranh Việt Nam nhằm tạo sự ủng hộ của cử tri trong cuộc chạy đua vận động tranh cử. Tình hình trên cho thấy, mặc dù lực lượng quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn rất đông, tiềm lực chiến tranh còn mạnh, nhưng thực tế chiến trường đã đẩy đế quốc Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan.

 

Quân giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích Tổng tấn công Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu:baoapbac.vn.
Quân giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích Tổng tấn công Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu:baoapbac.vn.
 
Trong khi đó, mặc dù còn một số hạn chế, song ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi. Lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh, các lực lượng vũ trang đã có những bước tiến vượt bậc, vận dụng những phương thức tác chiến chiến lược độc đáo, linh hoạt, diệt được nhiều sinh lực địch. Ta giữ vững và mở rộng quyền làm chủ, hình thành thế bao vây xung quanh các căn cứ, thị xã, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở các đô thị.
 
Trên cơ sở đánh giá cụ thể so sánh tương quan lực lượng địch - ta, Hội nghị Bộ Chính trị (12-1967) nhận định: "Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Tình hình đó cho phép chúng ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định"(1).
 
Chủ trương của Bộ Chính trị được cụ thể hóa trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (1-1968) với việc xác định mục tiêu chiến lược của tổng công kích, tổng khởi nghĩa là: Tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam; trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc"(2).
 
Đây là một chủ trương táo bạo, đúng đắn và kịp thời của Đảng, thể hiện sự nhạy bén nắm bắt thời cơ chiến lược trong chỉ đạo chiến tranh, bởi năm 1968 đã hội tụ đủ các điều kiện về chính trị, quân sự, ngoại giao để ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi lớn. Nếu quá sớm, ta chưa đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược của địch vào năm 1965-1966 và 1966-1967 thì đế quốc Mỹ không chịu thua vì còn quỹ thời gian để triển khai đầy đủ chiến lược "chiến tranh cục bộ". Nếu để muộn cuộc tiến công sau năm bầu cử tổng thống Mỹ thì áp lực quân sự khó làm rung chuyển nước Mỹ, buộc Giônxơn phải thay đổi chính sách về Việt Nam.
 
Đặc sắc hơn, Đảng ta chọn thời điểm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Nguyên đán - đúng vào đêm Giao thừa, là lúc địch dễ sơ hở, chủ quan. Thực tế cho thấy, vào những ngày này, lực lượng quân đội chính quyền Sài Gòn chỉ còn khoảng 50% quân số có mặt tại đơn vị. Điều đó rất thuận lợi cho ta đánh chiếm các mục tiêu.
 
Chọn hướng, mục tiêu táo bạo, bất ngờ và hình thức, phương pháp tiến công phù hợp, hiệu quả
 
Khác với các hoạt động tác chiến trước đó, khi ta thường nhằm vào các vùng nông thôn, đồng bằng và rừng núi (nơi địch tương đối yếu), trong đợt tổng tiến công này, ta chọn hướng công kích chủ yếu là các thành thị, nhất là các thành phố lớn (trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế) - nơi tập trung bộ máy quân sự và hành chính của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ta đã thực hiện một đòn đánh hiểm, đánh đau, đánh vào yết hầu, vào "trung ương thần kinh địch". Bằng đòn đánh này, ta đã phơi bày đầy đủ sự thất bại về quân sự và sự yếu kém trong tiến hành chiến tranh của địch. Chính Oétmolen, Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam lúc đó đã thừa nhận: "Việt cộng đã đưa chiến tranh đến các thành phố, các đô thị, đã gây thương vong thiệt hại và nền kinh tế bị phá hoại... các trung tâm huấn luyện bị đóng cửa. Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta phải công nhận đối phương đã giáng cho chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề"(3).
 
Ở Sài Gòn - Gia Định, các mục tiêu trọng yếu được xác định là Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát... Đó là những nơi tập trung sinh lực mạnh và khá nhạy cảm trong bộ máy chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam. Đánh được các mục tiêu này chắc chắn sẽ gây tiếng vang, tạo ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến tranh. Vì thế, đây là một quyết định táo bạo của ta và chưa từng được thực hiện kể từ khi Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam. Chỉ tính riêng việc ta đánh và chiếm giữ Tòa Đại sứ Mỹ trong nhiều giờ đã tạo hiệu ứng lớn. Đôn Ơbơcđoiphơ đã nhận xét trong tác phẩm Tết: "Xem ra toàn thế giới đang hướng về sứ quán và phán xét hành động này như thể toàn bộ cuộc chiến tranh sẽ được quyết định"(4).
 
Cùng với việc chọn mục tiêu bất ngờ, Đảng ta còn chọn hình thức và phương pháp tiến công độc đáo, đặc sắc. Sau khi cân nhắc, tính toán kỹ các khả năng, Bộ Chính trị quyết định chọn phương thức tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt dưới nhiều hình thức, bằng nhiều lực lượng, trên khắp các địa bàn chiến lược, buộc địch phải căng kéo lực lượng đối phó ở khắp nơi. Tại Sài Gòn - Gia Định, chia thành 6 phân khu, bố trí lực lượng thành 5 mũi tiến công vào nội đô Sài Gòn. Đặc biệt, phân khu 6 (các quận nội thành) có 11 đội đặc công, biệt động, tổ chức thành 3 cụm (Đông, Nam, Bắc). Các phân khu khác có từ 4 đến 6 tiểu đoàn bộ binh, tổ chức thành những tiểu đoàn mũi nhọn hướng vào nội đô để phối hợp và tiếp ứng cho các đội đặc công, biệt động. Nhiều cán bộ, đảng viên được bí mật tăng cường vào Sài Gòn nhằm nghiên cứu mục tiêu, gây dựng cơ sở, cất giấu vũ khí... gần 400 cơ sở cách mạng, "lõm chính trị", kho vũ khí bí mật được hình thành ngay trong lòng nội đô Sài Gòn.
 
Sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 thực sự đã sáng tạo ra một hình thức tiến công chiến lược mới, đồng loạt, với một lực lượng không nhiều, bằng sự phối hợp giữa các chiến trường trên quy mô toàn miền, ta đã tạo hiệu ứng mang tính chiến lược, làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ - một đế quốc "siêu cường". Mắcxoen Taylo, cựu đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã từng viết trong hồi ký của mình: "Những điều bất ngờ thực sự mà cuộc tiến công Tết 1968 đã gây cho tôi không phải là việc đối phương đã mở được một cuộc tiến công lớn mà chính là việc họ đã mở cùng một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt đến như thế” (5).
 
Từ phân tích trên, chúng ta thấy rằng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng ta đã phát hiện thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, kịp thời, xác định mục tiêu tiến công chủ yếu một cách táo bạo và tìm ra phương thức tiến công mới. Đây thực sự là một sáng tạo độc đáo trong tư duy chiến lược của Đảng, một điển hình về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng Việt Nam.
 
Dùng lực lượng tinh nhuệ thực hiện đòn đánh bất ngờ vào các cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh Mỹ, chính quyền Sài Gòn
 
Sự kiện Mậu Thân được tiến hành trong điều kiện lực lượng quân sự địch vẫn còn hơn một triệu tên, bộ máy chiến tranh của địch vẫn còn hiệu lực và tiềm lực chiến tranh của chúng còn mạnh. Để đạt được mục tiêu chiến lược đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, Đảng ta chủ trương sử dụng một cách tốt nhất lực lượng tinh nhuệ của ta, dùng binh lực và hỏa lực mạnh đánh vào các binh đoàn chủ lực địch, đánh mạnh vào thành phố, tạo điều kiện cho hàng triệu quần chúng ở thành thị và các vùng ven bị tạm chiếm nổi dậy khởi nghĩa; phối hợp với lực lượng quân sự của ta tiêu diệt, đánh sập bộ máy đầu não của chính quyền Sài Gòn, làm tê liệt tận gốc bộ máy chiến tranh Mỹ, chính quyền Sài Gòn, biến hậu phương và nơi dự trữ chiến tranh của địch thành hậu phương và nơi dự trữ chiến tranh của ta, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta.
 
Để đáp ứng nhiệm vụ đó, Quân khu Sài Gòn - Gia Định được giao nhiệm vụ xây dựng một lực lượng đặc công, biệt động mạnh, có tổ chức thống nhất, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, có thể cùng một lúc bất ngờ tiến công chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch khi có thời cơ chiến lược.
 
Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, quân dân miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố lớn, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định. Ta sử dụng một số đơn vị bộ đội chủ lực đánh chiếm các mục tiêu, kìm chân các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn chủ lực địch, tạo điều kiện cho lực lượng đặc biệt tinh nhuệ là các đội đặc công, biệt động, bất ngờ đánh chiếm một số cơ quan đầu não trung ương của địch.
 
Phối hợp với lực lượng đặc công, biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu vượt qua hệ thống đồn bốt dày đặc của địch vào thành phố tiến công địch. Điển hình như: Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn (Tiểu đoàn 2 Gò Môn); căn cứ Cổ Loa, Phù Đổng (Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng); doanh trại của địch ở Quận 5, Quận 10, Quận 11, Sư Vạn Hạnh, Vườn Lài, cư xá Hỏa Xa (Tiểu đoàn 6 Bình Tân)... Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị chủ lực, dân quân du kích địa phương quy mô cấp tiểu đội, trung đội, đại đội đã kết hợp vớ bộ đội các phân khu tiến công vào hệ thống đồn bốt của địch. Các sư đoàn, trung đoàn chủ lực của ta ở vòng ngoài đón đánh không cho các đơn vị chủ lực địch tăng viện vào vùng ven và nội thành, giữ phía sau cho các tiểu đoàn mũi nhọn.
 
Trước đòn tiến công mạnh mẽ, bất ngờ và rộng khắp của ta, địch buộc phải rút lực lượng ở các nơi về cứu nguy cho đô thị, bỏ hở vùng nông thôn rộng lớn. Nắm vững thời cơ, lực lượng vũ trang giải phóng đã hỗ trợ cho nhân dân các địa phương đồng loạt nổi dậy đánh vào bộ máy kìm kẹp của địch ở khắp các vùng nông thôn, đồng bằng, miền núi; tiêu diệt và phá hủy một bộ phận lớn sinh lực, phương tiện chiến tranh, làm đảo lộn chiến lược quân sự của Mỹ, chính quyền Sài Gòn.
 
Phát huy “thế trận lòng dân”, tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tạo nguồn sức mạnh trên quy mô rộng lớn
 
Tại Sài Gòn - Gia Định, "thế trận lòng dân" đã được triển khai rộng khắp, vừa có diện rộng vừa có chiều sâu. Quần chúng đã tham gia tích cực vào sự chuẩn bị cho chiến dịch. Sự tham gia đông đảo và hăng hái của mọi tầng lớp nhân dân, già, trẻ, thanh niên, phụ nữ, các tôn giáo... phản ánh sâu sắc "thế trận lòng dân". Ý chí quyết tâm cao, lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, cùng với khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước của quần chúng nhân dân là nguồn sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.
 
Trước đó, thành phố đã xây dựng được 19 "lõm chính trị", "lõm" căn cứ gồm 325 gia đình công nhân và lao động. Lực lượng phụ nữ Sài Gòn - Gia Định tham gia nhiều trong các đội biệt động, lực lượng vũ trang địa phương, giao liên, dân công và cứu thương; đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ sở chính trị trong lòng thành phố, xây dựng thế căn cứ "nhân tâm" vững chắc trong các khu dân cư, các chợ... Đồng thời, nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh đã cầm vũ khí sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ Quân giải phóng. Lực lượng Thành đoàn hoạt động mạnh ở khu xóm Bàn Cờ, Vườn Chuối, Nguyễn Thông, Lê Văn Duyệt, khu vực chùa Ấn Quang... Sau những tuần đầu của Tết Mậu Thân, Tổng hội Sinh viên được thành lập, tập hợp hơn 500 người cứu trợ đồng bào bị nạn. Các tầng lớp khác như: Giáo chức, văn nghệ sĩ và nông dân ở các vùng ven đã tham gia tích cực hỗ trợ cho lực lượng vũ trang, lực lượng đấu tranh chính trị của công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh. Đồng bào các giới đã cùng lực lượng vũ trang đánh chiếm Tòa hành chính ở Quận 5, Quận 4, thị trấn Hóc Môn...
 
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cho thấy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong việc phối hợp với các lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ. Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã tạo ra một thế trận tiến công thường xuyên và hiểm hóc trên cả chính diện và sau lưng địch, thực hiện bám trụ tại chỗ, "một tấc không đi, một ly không rời”, đánh địch khắp nơi, vây hãm chúng vào thế bị động, lúng túng, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiến công địch. Sự nổi dậy, chiến đấu rộng khắp của nhân dân thực sự là chỗ dựa vững chắc để các đơn vị chủ lực của ta đánh những đòn quyết định. Nhiều đơn vị chủ lực bí mật đứng vững được ngay tại cửa ngõ Sài Gòn là bởi ta có chỗ dựa chắc vào dân, vào các tổ chức đảng và cơ sở cách mạng ở địa phương. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho các đơn vị chủ lực hoàn thành nhiệm vụ tiến công địch. Không có nhân dân thì ta không thể nắm tình hình, bộ đội khó có thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch để vào, ém quân bí mật trong lòng thành phố - nơi gần sát các cơ quan đầu não của địch, cũng không thể có khối lượng lớn vũ khí để chiến đấu. Nhân dân còn trực tiếp tham gia chiến đấu, tiếp tế lương thực, che chở và nuôi dưỡng bộ đội.
 
Đây thực sự là một cuộc phát động cách mạng trong quần chúng với quy mô khá lớn ngay ở sào huyệt quan trọng nhất của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài có sự tham gia của đông đảo quần chúng, xây dựng lực lượng cơ sở chính trị song song với lực lượng vũ trang theo phương châm đánh địch trên cả ba vùng chiến lược của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
 
Nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng độ lùi thời gian ấy càng làm cho chúng ta nhìn nhận, đánh giá khách quan, sâu sắc và toàn diện hơn vị thế của chiến thắng Mậu Thân 1968 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Chiến thắng Mậu Thân 1968 là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử như một mắt xích quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc đế quốc Mỹ phải thừa nhận đã thất bại trong chiến lược "chiến tranh cục bộ" và đưa quân Mỹ về nước.
 
Sự kiện Mậu Thân mãi mãi là trang sử oanh liệt của quân và dân ta, ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc bằng chiến thắng vẻ vang với vai trò lãnh đạo của Đảng, nổi bật nhất là năng lực vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chọn thời cơ, trong đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo; chiến thắng Mậu Thân 1968 còn là sự sáng suốt trong lựa chọn mục tiêu, phương pháp tiến công phù hợp, hiệu quả; là tinh thần dũng cảm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng toàn dân để làm nên chiến thắng với khát vọng hòa bình và ý chí thống nhất đất nước.
 
Ngày nay, những nét đặc sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị. Những kinh nghiệm ấy rất cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
----------------------
 
(1). Bộ Quốc phòng-Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2008, trang.79.
 
(2). Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđđ, t29, trang.20.
 
(3). Bộ Quốc phòng-Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sđđ, trang.85.
 
(4). Don Oberdorfer. Tết, Nxb Tổng hợp An Giang, 1998, tr.25.
 
(5). Bộ Quốc phòng-Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Sđđ, trang.83.
 
Trung tướng VÕ MINH LƯƠNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7
 
Theo QĐND online