08:01, 17/01/2018

Lực lượng điệp báo an ninh miền Nam góp phần quan trọng vào thắng lợi phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Cuối năm 1967, cục diện chiến trường có những chuyển biến tích cực, có lợi cho cách mạng miền Nam, ngụy quyền lâm vào thế khủng hoảng, vùng kiểm soát bị thu hẹp.
 

Cuối năm 1967, cục diện chiến trường có những chuyển biến tích cực, có lợi cho cách mạng miền Nam, ngụy quyền lâm vào thế khủng hoảng, vùng kiểm soát bị thu hẹp.
 
Về phía Mỹ, thất bại nặng nề sau hai cuộc phản công mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 khiến giới cầm quyền Mỹ lúng túng, dao động. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đề ra chủ trương chiến lược: Tổng công kích, tổng khởi nghĩa, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.  
 
Trong suốt thời kỳ trước đó, thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, Đảng đoàn Bộ Công an và Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tăng cường chỉ đạo công tác an ninh miền Nam, đặc biệt chú trọng công tác điệp báo, tăng cường củng cố và xây dựng thêm mạng lưới cơ sở bí mật trong lòng địch để nắm tình hình. Đồng thời, Bộ Công an tăng cường hàng trăm cán bộ công an miền Bắc cho An ninh miền Nam, trong đó có nhiều đồng chí là lãnh đạo cấp cục, cấp phòng của Cục Sưu tập, cùng nhiều phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác an ninh, điệp báo trong tình hình mới. Đảng đoàn Bộ Công an cũng có nhiều điện văn gửi Ban An ninh Trung ương Cục hướng dẫn cụ thể các mặt công tác an ninh, trong đó lưu ý các cấp An ninh miền Nam trong khi dồn sức cho phía trước cần đẩy mạnh công tác điệp báo để nắm tình hình và chuẩn bị sẵn sàng khi thời cơ lớn nổ ra.

 

Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân. Ảnh tư liệu
Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân. Ảnh tư liệu
 
Tại miền Nam, để phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, Ban An ninh Trung ương Cục đã chỉ đạo ban an ninh các khu, phân khu, tỉnh có kế hoạch toàn diện về công tác của lực lượng an ninh, trong đó chú trọng công tác điệp báo. Yêu cầu công tác nắm tình hình địch phải được tiến hành khẩn trương nhưng kỹ lưỡng, tập trung nắm về diễn biến nội bộ địch, điều tra hệ thống bố phòng các mục tiêu quan trọng, lập danh sách các đối tượng tình báo, ác ôn cần bắt, khai thác… Các kế hoạch được cấp ủy địa phương thông qua và được coi là nghị quyết công tác an ninh phục vụ tổng tiến công và nổi dậy.
 
Tại các thành phố, thị xã lớn, như: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn…, lực lượng điệp báo an ninh tích cực xây dựng thêm nhiều cơ sở mới đi sâu vào các cơ quan, tổ chức địch. Ở các vùng ven, số cơ sở bí mật của an ninh huyện, xã cũng được phát triển giúp cho điệp báo an ninh địa phương nắm tình hình các ấp chiến lược, khu dồn dân, phục vụ tốt cho mạng lưới cơ sở bí mật ở những nơi đông dân, giáp ranh vùng địch. Cho đến trước tổng tiến công, trên toàn miền Nam, lực lượng điệp báo đã xây dựng được hàng trăm cơ sở mới và rà soát hàng nghìn cơ sở bí mật được xây dựng từ trước. Thông qua cơ sở bí mật, lực lượng điệp báo an ninh đã thu được nhiều tin tức, tài liệu có giá trị về tình hình di biến động của địch, sơ đồ hệ thống bố phòng các mục tiêu quan trọng, các đối tượng tình báo, cảnh sát, bọn đầu sỏ, ác ôn trong các tổ chức phản động… giúp an ninh các cấp kịp thời tham mưu cho Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền có hướng chỉ đạo đúng về mục tiêu và đối tượng cần tiến công chiếm lĩnh, trấn áp.
 
Về công tác giao liên, lực lượng điệp báo đã chủ động tăng cường, củng cố mạng lưới giao liên đảm trách việc đưa đón cán bộ ra vào nội đô tuyệt đối an toàn, bí mật. Hệ thống điện đài, cơ yếu được trang bị cơ bản bảo đảm giữ vững thông tin liên lạc giữa điệp báo an ninh các khu, tỉnh với Ban An ninh Trung ương Cục, kịp thời phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Tại các địa phương, lực lượng điệp báo đã phối hợp với trinh sát vũ trang bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược vào nội đô bằng nhiều hình thức linh hoạt và sáng tạo, huy động được quần chúng cơ sở cung cấp lương thực, phương tiện tàu, thuyền tham gia phục vụ tổng tiến công và nổi dậy trong nội đô.
 
Về công tác “phòng gian bảo mật”, lực lượng điệp báo và an ninh vũ trang phối hợp các lực lượng quân sự và quần chúng nhân dân tại chỗ có kế hoạch bảo vệ đường hành lang vận chuyển, bảo vệ bí mật các tuyến đường hành quân, bảo vệ kho tàng và kế hoạch nổi dậy của quần chúng bảo đảm yếu tố bất ngờ. Tại Khu 5 và Khu 9, lực lượng điệp báo cùng các lực lượng trinh sát bảo vệ chính trị, bảo vệ nội bộ, tăng cường công tác tổ chức truy quét bọn tình báo, do thám, gián điệp, phản động.
 
Thời điểm quân và dân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, lực lượng điệp báo an ninh được bố trí trong tất cả các cánh, các mũi tiến công đã dẫn đường cho các LLVT thọc sâu tiến đánh các mục tiêu và trực tiếp tham gia chiến đấu chiếm giữ các vị trí quan trọng trong các thành phố, thị xã. Điệp báo An ninh T4 (Sài Gòn-Gia Định) đã chủ động chuẩn bị tuyến đường dẫn các cánh quân áp sát mục tiêu và là bộ phận được Ban An ninh T4 giao nhiệm vụ gây tiếng nổ làm hiệu lệnh tấn công. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ dẫn đường cho các mũi tiến công, điệp báo các địa phương, như: Tây Ninh, Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Dương, Thủ Dầu Một… đã phối hợp chặt chẽ với các LLVT đồng loạt tấn công vào các mục tiêu, như: Ty Cảnh sát quốc gia, Dinh tỉnh trưởng, Đài phát thanh…, kết hợp với quần chúng nhất tề nổi dậy, làm tan rã bộ máy đàn áp của địch từ tỉnh xuống xã, phá rã một số tổ chức kìm kẹp của địch, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở, làm công tác binh vận, truy lùng, trấn áp các tên tình báo, bình định, mở rộng vùng giải phóng; anh dũng đánh địch phản kích, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Bộ chỉ huy tiền phương. Tại Thừa Thiên-Huế, đơn vị Tình báo T65 đã phối hợp với an ninh địa phương thu và kịp thời khai thác nhiều tài liệu của địch, bắt, khai thác nhiều đối tượng tình báo địch; phối hợp với an ninh khu, bảo vệ và tổ chức đưa nhiều tù binh và hồ sơ tài liệu địch ra Hà Nội an toàn.
 
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là chiến thắng hết sức to lớn và có ý nghĩa chiến lược, là mốc son lịch sử trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà của dân tộc ta. Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, các thế lực thù địch không lúc nào từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
 
Thượng tướng BÙI VĂN NAM, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
 
 
Theo QĐND online