Ngày 31-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức gặp mặt, tọa đàm kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Nha Trang - Khánh Hòa. Đã đi qua 50 năm nhưng ý nghĩa và bài học của sự kiện lịch sử này vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Ngày 31-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức gặp mặt, tọa đàm kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Nha Trang - Khánh Hòa. Đã đi qua 50 năm nhưng ý nghĩa và bài học của sự kiện lịch sử này vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Tham dự buổi gặp mặt, tọa đàm có các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các vị lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các vị lão thành cách mạng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trực tiếp tham gia sự kiện Mậu Thân 1968 ở Nha Trang.
Trang sử oanh liệt
Tại buổi gặp, ông Nguyễn Tấn Tuân đã ôn lại sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Nha Trang - Khánh Hòa. Cách đây đúng 50 năm, đêm 30-1-1968, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy, trực tiếp là Tỉnh ủy Khánh Hòa, quân và dân Khánh Hòa đã đồng loạt tiến công và nổi dậy đánh thẳng vào các mục tiêu đầu não của Mỹ - Ngụy tại thị xã Nha Trang và các thị trấn trong toàn tỉnh với tinh thần chiến đấu anh dũng và mưu lược, giáng cho địch một đòn choáng váng, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Nha Trang - Khánh Hòa và các địa phương trong tỉnh là mốc son chói lọi, trang sử oai hùng trong lịch sử đấu tranh vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở miền Nam nói chung và tại Khánh Hòa nói riêng có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã đánh dấu sự thất bại cơ bản của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Từ đó, Mỹ chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường; xuống thang chiến tranh, chuyển hướng sang “phi Mỹ hóa”, “Việt Nam hóa” chiến tranh, bắt đầu rút quân về nước; chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Những kỷ niệm khó quên
Gặp lại nhau, những người lính, cán bộ nội thành năm xưa vui mừng khôn xiết. Những lời hỏi thăm, những lời chúc mừng sức khỏe và sự ngậm ngùi thương nhớ những người đã ngã xuống. Nhiều nhân chứng lịch sử đã kể lại những giờ phút chiến đấu anh dũng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Nha Trang; tấm lòng của người dân Nha Trang đối với Đảng và cách mạng.
Ông Võ Đình Thu - cán bộ hoạt động nội thành thời kỳ ấy kể lại: Nhận được chỉ thị ở trên, lực lượng hoạt động nội thành đã tích cực nghiên cứu để đề xuất chỗ ém quân, đường tiến quân và lực lượng dẫn đường đánh các mục tiêu, chuẩn bị phục trang cho quân ta cải trang... Vì vậy, khi quân ta nổ súng vào Nha Trang, mặc dù địch đã có đề phòng nhưng quân ta vẫn dễ dàng di chuyển trên 3 chiếc xe đánh vào đầu não của địch (Tỉnh đường, Sở Tiếp vận và Tiểu khu). Được phân công nhiệm vụ cảnh giới phía mặt biển đề phòng Hạm đội 7 của Mỹ đổ bộ ứng cứu Nha Trang, dùng xe máy di chuyển để quan sát xem các cánh quân của ta có đánh được mục tiêu hay không để báo về bộ chỉ huy tiền phương, ông Thu đã tận mắt chứng kiến những giờ phút chiến đấu oanh liệt của quân ta. “Khi vào Tiểu khu, quân ta bắn ngay lính gác, rồi dùng thuốc nổ tấn công tiêu diệt địch trong vài phút. Do địch đã đề phòng nên khi quân ta đổ vào Tỉnh đường, địch từ trong bắn ra khiến anh Lê Văn Hạnh - Đại đội trưởng Đặc công K90 hy sinh ngay ở cổng. Với tinh thần cảm tử, quân ta vẫn xông vào chiếm lĩnh Tỉnh đường rất nhanh gọn...”, ông Thu kể.
Ông Nguyễn Thế Sương - Đội trưởng Đội Công binh có nhiệm vụ đánh phá cầu Xóm Bóng nhớ lại: “Chúng tôi tự viết lên ngực áo mình dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” rồi lên đường hướng về Nha Trang”. Vượt cánh đồng Thủy Tú, băng qua đường nhựa đoạn gần cầu Dứa rồi men theo đường sắt đến bến đò ở Xuân Lạc, không có thuyền nên ông Sương cùng đồng đội phải dùng nilon, tăng bọc thuốc nổ, khí tài thả trôi theo sông Cái. “Đến gần cầu Xóm Bóng thì trời đã gần sáng, vừa tiếp cận ra đường để lên cầu thì gặp địch nổ súng. Vì trời sắp sáng, vũ khí lại ít nên chúng tôi đành lui xuống sông, lội qua Cồn Dê sang bên kia sông rồi lên núi Hòn San, trú ẩn ở đó. Trú được một ngày, địch phát hiện nên cho máy bay đến ném bom khiến 3 đồng chí hy sinh”, ông Sương hồi tưởng. Sau trận bom khủng khiếp đó, đơn vị ông Sương được lệnh đánh sập cầu Ông Bộ trên đường Nha Trang - Diên Khánh. “Tiếp cận cầu Ông Bộ mà không gặp trở ngại nào, chúng tôi đã dùng 100kg bộc phá làm sập cầu hoàn toàn. Tiếng nổ lớn đã phản bác luận điệu địch tuyên truyền đã tiêu diệt hết Việt Cộng ở Nha Trang”, ông Sương kể.
Bên cạnh những trận chiến, nhiều cán bộ, chiến sĩ thời kỳ đó còn ca ngợi tấm lòng của người dân đối với cách mạng. Nhiều nhà dân đã che giấu, tiếp tế cho cán bộ trong những ngày sau Tết Mậu Thân 1968. Những gia đình như: ông Trần Văn Cháu, ông Trần Đình Mười... đã trở thành chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Nhiều cơ sở bị bắt bớ, tù đày nhưng người dân vẫn rất kiên trung.
Sự kiện lịch sử này đã đi qua 50 năm nhưng ý nghĩa và bài học vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Đó là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ luôn ghi nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã đóng góp, hy sinh cho cách mạng”, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân khẳng định khi kết thúc buổi tọa đàm.
XUÂN THÀNH