[eMagazine] Ở nơi đầu sóng
.
23:51, 12/07/2023

[eMagazine] Ở nơi đầu sóng

 
 

Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi theo tàu Trường Sa 571 ra đảo đón những công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền và đưa công chức, viên chức mới thay thế. Phút gặp gỡ của họ thật cảm động. Người về đất liền chúc người ở lại có thêm nghị lực, người ở lại quyết tâm cống hiến sức mình cho Tổ quốc…

 
Đưa hàng hóa vào đảo.

 

Trong ngôi nhà dành riêng cho các thầy giáo trên đảo Song Tử Tây, sáng hôm đoàn công tác đến đông vui hơn mọi ngày. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Bá Ngọc - những giáo viên của Trường Tiểu học Song Tử Tây chuẩn bị trở về đất liền vui vẻ đón tiếp những đồng nghiệp vừa tới đảo.

 

 

 

 

Các thầy không ngớt hàn huyên, chia sẻ về những năm tháng sống chan hòa trong tình thương yêu, đùm bọc của quân và dân trên đảo. Các thầy nhớ mãi những ngày chống bão vất vả; những kỷ niệm của thầy và trò, cùng các học sinh làm đồ dùng học tập, làm lồng đèn đón Trung thu; cùng cán bộ, chiến sĩ và người dân vui Tết thật cảm động… Tất cả đã thành kỷ niệm không phai nhòa trong ký ức của mỗi người. 

Các thầy mong những đồng nghiệp mới nhanh chóng thích nghi với đời sống trên đảo để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai thầy giáo Lê Thanh Chiến (quê TP. Cam Ranh) và Bùi Tiến Anh (quê huyện Khánh Vĩnh) đều là giáo viên trẻ (dưới 30 tuổi), lần đầu đến Trường Sa sốt sắng hỏi thăm về đời sống, về kinh nghiệm giảng dạy cho học trò nơi đảo xa…

Hôm chúng tôi đến đảo Sinh Tồn cũng chứng kiến cuộc hạnh ngộ đầy xúc động giữa những đồng nghiệp cũ và mới. Thầy giáo Phan Quang Tuấn (quê TP. Nha Trang, 55 tuổi) có 36 năm công tác nhưng vẫn tình nguyện ra đảo để cống hiến. Thầy đã quen gian khổ khi từng đi dạy tại các đảo ở Nha Trang, như: Đầm Bấy, Trí Nguyên nên dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở Trường Sa. Còn thầy giáo Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1993, quê Nha Trang), người vừa hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị về đất liền đã chia sẻ với đồng nghiệp mới đến những trải nghiệm của người giáo viên trên đảo… Phút gặp gỡ và chia tay của họ thật cảm động. Người đến, người đi chẳng mấy chốc thân thiết như người nhà. Sau này, nếu gặp lại, họ sẽ tiếp tục có dịp ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ về những ngày sống và làm việc ở Trường Sa...

 

 

Trên tàu Trường Sa 571, tôi gặp nhóm công chức, viên chức lần đầu đến Trường Sa, với sự háo hức và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Anh Nguyễn Trần Ngọc Hòa (38 tuổi, công chức Văn phòng - Thống kê xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Tuy chưa lập gia đình nhưng tôi vẫn quyết tâm đi Trường Sa bởi đây là cơ hội để đóng góp sức mình cho Tổ quốc, còn chuyện riêng thì tính sau”. Anh Lê Quang Trung (23 tuổi, ở Nha Trang) tốt nghiệp Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, từng làm việc cho một văn phòng thuộc sở tại TP. Hồ Chí Minh. Khi biết tin Khánh Hòa tuyển công chức ra Trường Sa, anh Trung lập tức đăng ký và được chọn. Nói về lý do muốn ra đảo, anh Trung cho biết, từ nhỏ đã ước mơ theo đường binh nghiệp nhưng không thành, nay được ra công tác tại Trường Sa cũng thỏa tâm nguyện.

 

 

 

Thầy Nguyễn Hữu Phú, dạy 5 năm trên đảo Song Tử Tây (ngồi) trao đổi kinh nghiêm cho thầy giáo Lê Thanh Chiến mới tới

 

Trên chuyến tàu ra Trường Sa, chúng tôi còn gặp những viên chức ngành Y tế. Đứng bên mạn tàu nhìn ra xa, anh Bo Bo Ngọc Tùng (32 tuổi, ở thị trấn Tô Hạp, Khánh Sơn) tâm sự, anh đã có vợ và 2 con. Anh có 2 năm công tác ở Trạm Y tế xã Ba Cụm Nam (Khánh Sơn). Lần này anh được phân công về xã đảo Sinh Tồn. Anh phấn khởi lên đường và động viên gia đình yên tâm để anh ra đảo công tác. Tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 2000), anh Võ Trung Quân (quê phường Ninh Đa, Ninh Hòa) xung phong đi Trường Sa với khát vọng cống hiến tuổi trẻ cho quê hương. Anh Quân vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, làm việc chỉ vài tháng tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa (cơ sở 2), nhưng tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ y tế trên đảo. Chia sẻ với phóng viên, anh Quân tiết lộ, hành trang mang ra đảo ngoài tư trang còn có sách, tài liệu ngành y để củng cố thêm kiến thức. Đồng thời, anh cũng nghiên cứu, tìm hiểu nơi công tác mới - đảo Đá Tây - để có thể đảm đương tốt nhiệm vụ trên đảo.

Giây phút chia tay bịn rịn, những công chức, viên chức mới ra Trường Sa đợt này thầm hứa sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những người đi trước.

 

 

 

 

 

Đã nhiều lần ra đảo, tôi vẫn cảm thấy người ở Trường Sa có tố chất rất riêng, không lẫn vào đâu được. Quân và dân sống chân chất, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, trên dưới đồng lòng, chung một ý chí xây dựng cuộc sống vui tươi, lạc quan nơi đảo xa…

 
Thăm người dân trên đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa.

 

 

 

 

Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc (Trường Tiểu học Song Tử Tây) nhớ mãi những cái Tết vui vẻ cùng quân và dân trên đảo. “Ngày Tết ở đây rất đặc biệt, tất cả quân và dân đều ăn Tết chung. Mọi người đều chung tay gói bánh chưng, nếu có lá dong từ đất liền gửi ra thì gói bằng lá dong, nếu không thì sử dụng lá bàng vuông. Có năm, lá bàng vuông rất to, bằng 2 bàn tay xòe. Bánh gói lá bàng có hương vị riêng… mằn mặn, chát chát rất lạ... Từ đêm giao thừa cho đến sáng là các hoạt động được tổ chức xuyên suốt, như: hái hoa dân chủ, chúc Tết, đi chùa, chào cờ đầu năm; hoạt động văn hóa - văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, như: Kéo co, đẩy gậy..., có năm còn tổ chức bơi thuyền thúng bắt vịt ở âu tàu trong không khí vui tươi, phấn khởi” - thầy Ngọc kể.

 

Bộ đội hỗ trợ người dân vận chuyển hàng hóa, dọn nhà cửa.
Bộ đội hỗ trợ người dân vận chuyển hàng hóa, dọn nhà cửa.

 

 
 

Gặp gỡ, trao đổi với những chỉ huy đảo về tình quân dân gắn bó keo sơn, Trung tá Trần Văn Trình - Chính trị viên đảo, Chủ tịch HĐND xã Sinh Tồn cho biết, xã rất quan tâm xây dựng tình đoàn kết quân dân gắn bó máu thịt. Lãnh đạo, chỉ huy đảo quan tâm thăm hỏi, chăm lo đời sống nhân dân. Chỉ huy đảo tổ chức kết nghĩa giữa hộ dân với các cụm phòng thủ. Người dân thiếu thốn điện, nước, chỉ huy đảo ưu tiên điện nước cho dân; thường xuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thăm hỏi, tặng quà, động viên… Ngày Tết, bộ đội coi hộ dân như chiến sĩ, xây dựng kế hoạch để dân tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao…

Cùng với đó, Trường Sa luôn là điểm tựa cho những ngư dân trên các tàu đánh bắt xa bờ. Thượng tá Trần Văn Hùng - Chính trị viên đảo, kiêm Chủ tịch HĐND xã Song Tử Tây cho biết, những năm qua, xã luôn làm tốt công tác dân vận, xây dựng mối đoàn kết thân ái giữa quân và dân trên đảo; cung cấp điện, nước và hỗ trợ, vận động người dân tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, xã tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền từ đất liền ra khai thác thủy sản tránh trú bão; cung cấp nước ngọt; sửa chữa tàu thuyền hư hỏng miễn phí; khám, chữa bệnh, cấp cứu ngư dân bị tai nạn; cung cấp nhiên liệu theo giá đất liền…

 

 
 

Trường Sa hôm nay đổi thay từng ngày, mang đến diện mạo mới; đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngày càng tốt hơn. Quân và dân huyện đảo đồng lòng, quyết tâm xây dựng Trường Sa trở thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Đã 10 năm tôi mới trở lại Trường Sa. Dừng chân ở đảo nào, tôi cũng dành một khoảng thời gian để đi thăm quanh đảo. Dạo bước trên con đường bê tông phẳng lì, rợp mát bóng cây xanh với những hàng bàng vuông, mù u, cây tra thẳng tắp, thi thoảng, tôi lại bắt gặp những khẩu hiệu cổ vũ, động viên tinh thần quân và dân trên đảo. Tôi thích hình ảnh những anh lính trẻ đạp xe trên đảo đưa văn thư, gói hàng đến các đơn vị và hộ dân; xúc động với hình ảnh anh lính trẻ bồng súng đứng gác nơi cột mốc chủ quyền. Tôi cũng khâm phục khi bắt gặp những công trình xây dựng kiên cố, hiện đại trên các đảo. Đó là những âu tàu lớn, những ngọn hải đăng hiên ngang, những bệnh xá hiện đại… Hôm đến đảo Song Tử Tây, tôi còn thấy cả phòng tập gym với những thiết bị hiện đại mà không khỏi vui thay cho cuộc sống quân và dân trên đảo đã được cải thiện nhiều… Tôi thấy Trường Sa ngày càng đổi mới với nhiều công trình hiện đại. Tôi nhớ lần đầu đến thăm đảo Đá Tây, lúc đó chỉ có vài công trình giữa bốn bề sóng nước; còn hiện nay, Đá Tây vững chắc như “bức tường thép” kiêu hãnh giữa Biển Đông.

Một góc đảo Đá Tây.

 

Sự vững chãi đó là kết tinh của tinh thần “Cả nước vì Trường Sa”. Đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải Quân dành cho Trường Sa. Đó là sự đóng góp vô tư, trong sáng của hàng ngàn, hàng triệu con tim, khối óc bằng vật chất, tinh thần của người Việt Nam yêu nước, kể cả kiều bào dành cho Trường Sa. Hôm ở đảo Song Tử Tây, Thượng tá Trần Văn Hùng - Chính trị viên đảo giới thiệu với chúng tôi về những bộ bàn ghế bằng đá bóng loáng làm nơi thư giãn cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo, là món quà từ đất liền. Trên các đảo, có nhiều công trình được xây dựng từ tấm lòng của đồng bào cả nước hướng về Trường Sa thân yêu. Như công trình nâng cấp bệnh xá đảo Trường Sa được đầu tư kinh phí từ bạn đọc Báo Tuổi Trẻ; các công trình vui chơi thiếu nhi trên đảo được tài trợ từ Quỹ học bổng Vừ A Dính và Báo Pháp luật…

 

 
 
Cuộc sống bình dị của người dân trên đảo.

 

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hòa trong niềm vui chung của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, quân và dân Trường Sa rất phấn khởi khi nghị quyết định hướng phát triển “huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Trung tá Nguyễn Thiên Hòa - Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Thông tin này làm nức lòng quân và dân Trường Sa. Việc định hướng xây dựng huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước đã khơi dậy ý chí quyết tâm của quân và dân huyện Trường Sa cùng với cả tỉnh, cả nước phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu này. Chúng tôi đã tổ chức quán triệt Nghị quyết số 09 đến toàn quân, toàn dân trên đảo. Đồng thời, mong muốn các cấp, ngành trong tỉnh và cả nước tiếp tục quan tâm để xây dựng Trường Sa ngày càng vững mạnh, trở thành pháo đài vững chắc trên Biển Đông, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. 

 

 

 

Ông Văn Ngọc Sen nhận định, chính quyền cơ sở ở huyện Trường Sa ngày càng được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được các sở, ngành của tỉnh đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đảm bảo đủ kiến thức, năng lực để quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đề ra… Về thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng Đề án phát triển huyện Trường Sa.

Tạm biệt Trường Sa, trong tiếng rúc của còi tàu rời cảng trở về đất liền, tôi luôn vững tin Trường Sa sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, để một ngày không xa, huyện đảo càng gần hơn với đất liền. 

 

 

Bài viết - Hình ảnh: VĨNH LẠC
Thiết kế eMagazine: MINH KHANG

Xem thêm bình luận