E-Magazine: Nghề sửa chữa quần áo cũ
.
23:00, 25/07/2023

E-Magazine: Nghề sửa chữa quần áo cũ

T.TRÚC - L.NA
 

Trên các tuyến đường Bạch Đằng, đường Thái Nguyên… (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ làm công việc sửa chữa quần áo cũ. Chỉ với một chiếc máy may, một chiếc máy vắt sổ và phấn, chỉ, cúc…, thợ sửa quần áo mưu sinh, bám trụ với nghề qua năm tháng.

 

Ngồi nép mình trên đường Thái Nguyên, với diện tích nhỏ chưa tới 5m2, bà Trần Thị Minh Cả (67 tuổi) vẫn miệt mài với công việc của người thợ sửa chữa quần áo. Trò chuyện một lúc, chúng tôi được biết bà Cả đã làm nghề hơn 50 năm.

 

Nhiều thợ sửa đồ cho biết, may đồ mới đã khó, sửa đồ cho vừa ý khách còn khó hơn, cũng như nghề thợ may, nghề sửa quần áo đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Để cái áo, cái quần khi sửa được đẹp, làm khách hài lòng người thợ phải có kiến thức về thời trang, may mặc để tư vấn thêm cho khách hàng. Có cái chỉ sửa năm, mười phút là xong, nhưng có cái chả khác gì may lại hoàn toàn, phải mất vài ngày mới hoàn thành.
 

Vừa lắp ráp 2 chiếc đầm thành 1 chiếc theo ý khách hàng, bà Cảnh nói: “Có những cái áo quần nếu nhận sửa thì tiền sửa còn đắt hơn tiền mua mà sửa lại thì đồ cũng không đẹp hơn nên tôi hay thường nói với khách đừng sửa kẻo tốn tiền. Mặc dù làm để kiếm sống, nhưng làm nghề gì cũng phải có tâm, mình kiếm được đồng tiền nhưng khách hàng cũng phải nhận lại được điều tốt nhất. Có như thế, khách đi rồi vẫn nhớ tới mình để quay lại”, bà Cả bộc bạch.

 

Đa phần giờ mở cửa hàng của những người thợ may vỉa hè giống nhau từ 7 giờ đến 18 giờ. Trung bình mỗi người thợ đón từ 20 đến 30 lượt khách đến sửa trong ngày. Qua tìm hiểu, những hàng sửa quần áo ở đây đều có giá chung như nhuộm 35.000 đồng đến 40.000 đồng, thay dây kéo, mở hoặc thu lưng quần từ 10.000 đến 20.000 đồng, cắt ống, lên lai 15.000-20.000 đồng tùy vào từng loại quần.
 

 
 


Với chị Phạm Đình Phượng (41 tuổi, quê ở Hải Phòng) nghề sửa quần áo tuy thu nhập không cao nhưng nó cũng là công việc ổn định, giúp chị có thu nhập để nuôi con ăn học. Chị Phượng cho biết, trước đây, chị từng làm công nhân may tại xí nghiệp ở quê, mặc dù lương cũng khá nhưng vì lý do cá nhân, chị rời quê vào Nha Trang mở tiệm sửa quần áo ngay trên đường Bạch Đằng. Vốn khéo tay, sáng tạo nên những chiếc áo, quần chị Phượng nhận sửa đều sửa rất đẹp, trả đúng hẹn, giá cả lại phải chăng, nhất là khi nhận hàng phải nói rõ giá để khách cân nhắc, nên luôn được lòng khách hàng.

 

Ngày lại ngày, những người thợ may trên vỉa hè gò lưng với chiếc bàn máy may, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ để đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Những ngày lễ, tết, các anh, các chị thợ sửa quần áo phải tự giác trả lại vỉa hè cho xã hội. Như bao nghề khác trên phố, nó đem lại cuộc sống ổn định cho những người theo nghiệp kim chỉ, góp phần tạo nên một nét văn hóa đặc trưng đáng yêu của cuộc sống nhộn nhịp ở TP.Nha Trang hôm nay.
 


 

Bài viết, video và hình ảnh: T.TRÚC - L.NA

Thiết kế E-Magazine: CAO DUY

Xem thêm bình luận