11:06, 28/06/2018

Điều gì đã dẫn đến thất bại đau đớn của đội tuyển Đức?

World Cup 2018 lại tiếp tục có thêm một thất bại mang tính "địa chấn" với trận thua của đội tuyển Đức trước đội tuyển Hàn Quốc. Đó không chỉ là lần thứ 4 có một nhà đương kim vô địch bị loại ngay từ vòng 1 trong lịch sử World Cup, mà còn là nỗi đau khó có thể phai nhòa trong lịch sử bóng đá đầy vinh quang của đội tuyển Đức. Vậy điều gì đã dẫn đến thất bại đau đớn của đội tuyển Đức?

World Cup 2018 lại tiếp tục có thêm một thất bại mang tính “địa chấn” với trận thua của đội tuyển Đức trước đội tuyển Hàn Quốc. Đó không chỉ là lần thứ 4 có một nhà đương kim vô địch bị loại ngay từ vòng 1 trong lịch sử World Cup, mà còn là nỗi đau khó có thể phai nhòa trong lịch sử bóng đá đầy vinh quang của đội tuyển Đức. Vậy điều gì đã dẫn đến thất bại đau đớn của đội tuyển Đức?


1. Sai lầm trong việc sử dụng nhân sự của Huấn luyện viên (HLV) Joachim Loew. Có lẽ ông Loew vẫn còn sống trong dư âm của chức vô địch World Cup 2014, bởi vậy ông vẫn tin tưởng vào những cựu binh, kinh nghiệm cũng như bản lĩnh của một nhà vô địch. Bởi vậy, ông vẫn sử dụng một Manuel Neuer chỉ vừa mới bình phục chấn thương, thay vì Ter Stegen đang có phong độ rất cao tại Barcelona trong khung gỗ; Mario Gomez đã 32 tuổi, Thomas Muller đang không có phong độ tốt vẫn được trọng dụng, trong khi những cái tên trẻ trung hơn như: Julian Brandt, Timo Werner được sử dụng khá dè dặt, thậm chí là tiền đạo đang có phong độ tốt như Sandro Wagner cũng bị để ở nhà.


Nhìn những Leon Goretska, Marvin Plattenhardt, thậm chí là Thomas Muller mất hút ở hai cánh, người ta lại nhớ tới những Leroy Sane, Philipp Max cũng là những cầu thủ đang có phong độ rất tốt, nhưng lại không được Joachim Loew gọi vào đội tuyển. Rồi những Mesut Ozil, Sami Khedira, Toni Kroos tỏ ra quá mệt mỏi, nặng nề sau một mùa giải căng thẳng, đặc biệt là Ozil và Khedira hầu như mất hút trong trận đấu với Mexico, lại vẫn như “mặc định” có 1 suất trong đội tuyển, vẫn được sử dụng trong trận cầu sinh tử với Hàn Quốc. Chính vì sự tự tin thái quá, quá tin tưởng vào cựu binh của ông Loew mà đã hình thành một “cỗ xe tăng” nặng nề trì trệ, để rồi “tuột xích” sớm rời khỏi World Cup.

 


2. Đội tuyển Đức thiếu những thủ lĩnh tinh thần thực thụ. Những gì mà người ta thấy rõ ràng nhất ở đội tuyển Đức hiện tại đó là những cầu thủ có tố chất thủ lĩnh, có tinh thần thép cùng bản lĩnh thi đấu có thể vực dậy tinh thần của cả đội. Joshua Kimmich được xem là “truyền nhân” của Philipp Lahm, nhưng rõ ràng cầu thủ này còn xa mới có những tố chất cũng như tầm ảnh hưởng của Philipp Lahm nơi hàng phòng ngự. Toni Kroos, Mesut Ozil… được kỳ vọng sẽ là thủ lĩnh ở khu vực giữa sân, thủ lĩnh lĩnh xướng hàng công của đội tuyển Đức. Nhưng trên thực tế, Kroos lại chỉ là cái bóng của chính mình ở Real Madrid, Ozil chưa bao giờ được đánh giá cao ở tinh thần thi đấu. Còn Muller rõ ràng đã qua thời kỳ đỉnh cao từ lâu rồi.


Nhìn đội tuyển Đức hiện tại, người ta vẫn phải nuối tiếc một Philipp Lahm luôn ra sân với ngọn lửa chiến đấu hừng hực, là một người đội trưởng mẫu mực biết cách khơi dậy bản lĩnh thi đấu, một “thương hiệu” của người Đức. Thậm chí những trung vệ được xem là tốt nhất của đội tuyển Đức hiện tại như: Mats Hummels, Jerome Boateng… cũng thiếu đi tố chất thủ lĩnh, bản lĩnh thi đấu. Người ta cũng nuối tiếc Bastian Schweinsteiger, một “tòa pháo đài” thực thụ ở khu vực giữa sân, luôn thi đấu với sự lạnh lùng quyết đoán, sẵn sàng đè bẹp mọi đối thủ, chính là biểu tượng cho sức mạnh hủy diệt của một “Cỗ xe tăng” Đức đã từng làm rung chuyển cả thế giới bóng đá. Thiếu đi những thủ lĩnh tinh thần, bản lĩnh của người Đức đã ngày một phai nhạt, để rồi gục ngã trước những đối thủ được đánh giá thấp hơn nhiều.


3. Một đội tuyển Đức đã từng thừa thãi “sát thủ” trong vòng cấm địa, nay lại đang thể hiện sự thiếu hụt một cách khá rõ ràng. Không chỉ đơn giản là HLV Joachim Loew vẫn còn tin tưởng vào 2 cái tên đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ là Mario Gomez và Thomas Muller, chứ không tin cậy hoặc không quá tin tưởng vào những cái tên trẻ trung hơn, đang có phong độ cao như: Timo Werner, Julian Brandt, Marco Reus, Sandro Wagner… Bởi lẽ, chính những cái tên trẻ trung được kỳ vọng cao như: Werner, Reus… cũng không thể hiện được quá nhiều trong trận đấu với đội tuyển Hàn Quốc.


Điều mà Đức đang thiếu đó là một tiền đạo “sát thủ” thực thụ trong vòng cấm, một địa chỉ đáng tin cậy không bỏ qua những cơ hội rõ ràng. Người ta vẫn phải nhớ tới một Miroslav Klose với lối chơi đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Với Klose, một khi đội tuyển Đức đã chiếm ưu thế thì bàn thắng đến chỉ là vấn đề sớm muộn. Nhưng đội tuyển Đức hiện tại, mẫu tiền đạo như vậy đã không còn. Nhưng vấn đề là, nếu như HLV Loew vẫn tin tưởng vào các cựu binh, thì lấy đâu ra không gian để các chân sút mới thể hiện và trưởng thành, lấy đâu ra những Klose phiên bản 2.0, 3.0? Một sự thay máu triệt để nơi hàng công của đội tuyển Đức là điều chắc chắn phải làm.


4. Có vẻ như, cả đội tuyển Đức lẫn HLV Joachim Loew đã quá chủ quan, vẫn sống trong ánh hào quang của chức vô địch World Cup 2014. Nhưng có lẽ, chu kỳ chiến thắng của đội tuyển Đức đã chấm dứt, và thời kỳ của một thế hệ già nua đã đến điểm cuối. Thất bại nhục nhã ở World Cup 2018 chính là tiền đề tốt nhất để đội tuyển Đức thay đổi triệt để.


Cứ nhìn lại những tấm gương trong quá khứ, đội tuyển Pháp sau khi bị loại sớm tại World Cup 2002 đã thay đổi và trình diện một thế hệ mới đầy tài năng và trẻ trung, là nòng cốt cho một đội tuyển Pháp cực mạnh tại World Cup 2018. Đội tuyển Tây Ban Nha sau cú sốc tại World Cup 2014 đã thay máu với hàng loạt ngôi sao trẻ tuổi, và đã nhanh chóng trở lại. Brazil với cú sốc thua 1-7 trước đội tuyển Đức tại World Cup 2014 đã trở lại World Cup 2018 với những dòng máu mới đầy sức mạnh. Do đó, tuy là một nỗi nhục khó tẩy trong lịch sử bóng đá Đức, nhưng đây chắc chắn sẽ là cơ hội để có một đội tuyển Đức mạnh mẽ hơn trong tương lai.


Trần Khánh