01:06, 28/06/2018

Công nghệ VAR, nên hay không nên?

Công nghệ VAR (video assistant referee) là công nghệ sử dụng kỹ thuật video để hỗ trợ trọng tài trong các trận đấu bóng đá. Công nghệ này trước khi được áp dụng tại World Cup 2018 đã dấy lên rất nhiều tranh cãi; hiện tại, những tranh cãi ấy ngày một gay gắt ngay khi World Cup 2018 đang diễn ra.

Công nghệ VAR (video assistant referee) là công nghệ sử dụng kỹ thuật video để hỗ trợ trọng tài trong các trận đấu bóng đá. Công nghệ này trước khi được áp dụng tại World Cup 2018 đã dấy lên rất nhiều tranh cãi; hiện tại, những tranh cãi ấy ngày một gay gắt ngay khi World Cup 2018 đang diễn ra.


Cho tới thời điểm hiện tại, VAR đã ảnh hưởng khá lớn đối với kết quả các trận đấu tại World Cup 2018. Với việc sử dụng VAR, World Cup 2018 còn chưa qua các lượt trận vòng 1 thì đã phá kỷ lục về các pha phạt đền, với 20 lượt phạt đền đã được đưa ra, trong đó có 15 bàn thắng, chiếm tới gần 1/2 tổng số bàn thắng đã được ghi. Có thổi phạt đền, dĩ nhiên cũng sẽ có không ít những pha không thổi phạt đền, thậm chí là “bẻ còi” hủy đi quyết định phạt đền trước đó. Chính vì vậy, những ý kiến tranh cãi trái chiều đã phát sinh ngày một dữ dội, và những ý kiến phản đối áp dụng công nghệ VAR vào bóng đá đều tập trung vào 2 ý chính: VAR đã khiến thời gian chết trong trận đấu tăng lên khá nhiều; khi nào dùng VAR và khi nào không cũng là điều khó nhận định.

 

Công nghệ VAR đã khiến cho trận đấu mất đi nhiều sự kịch tính vốn có của nó.

Công nghệ VAR đã khiến cho trận đấu mất đi nhiều sự kịch tính vốn có của nó.


Thực tế cho thấy, khi chưa sử dụng VAR, thời gian chết của một trận đấu chỉ trung bình từ 1 đến 3 phút, những trường hợp cộng giờ lên tới 5 - 7 phút khá hiếm thấy. Nhưng tại World Cup 2018, với việc áp dụng VAR, thời gian bù giờ cho các trận đấu từ 5 phút trở lên là chuyện… hết sức bình thường. Bởi vậy, những bàn thắng nằm ở phút bù giờ cũng tăng lên khá nhiều, thậm chí có trường hợp ghi bàn ở phút 90+7 của Neymar. Đi kèm với thời gian bù giờ nhiều đó là trận đấu có thể sẽ bị băm nhỏ ra một cách không cần thiết.


Chẳng hạn trong trận Iran - Bồ Đào Nha, có tới 4 trường hợp trọng tài quyết định phải sử dụng VAR mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng, đó là chưa kể rất nhiều lần huấn luyện viên lẫn cầu thủ 2 bên đòi hỏi sử dụng VAR. Hoặc trong trận Brazil - Costa Rica, VAR đã “giúp” trận đấu kéo dài tới phút thứ 90+9. Chưa bàn cãi tới chuyện chính xác hay không, nên hay không nên, thì việc người xem phải chịu cảnh bị cắt ngang để chờ đợi trọng tài xem lại video, sự hưng phấn của cầu thủ bị kìm hãm dễ dẫn tới những cảm xúc không tốt, ảnh hưởng nhiều tới phong độ thi đấu… Tất cả những vấn đề đó đều có thể là lý do để người ta phản đối công nghệ VAR.


Một vấn đề khá quan trọng nữa đó chính là việc khi nào thì trọng tài áp dụng VAR và khi nào không. Dù rằng FIFA đã có quy định khá rõ về vấn đề này, có thể tóm tắt như sau: VAR sẽ được áp dụng trong những trường hợp liên quan tới bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ và nhận diện cầu thủ đúng sai, nhưng vấn đề là, những trường hợp được cho là có thể phạt thẻ đỏ, thổi phạt đền… xảy ra rất nhiều trong trận đấu. Đó là chưa nói tới, vừa trọng tài VAR vừa trọng tài chính, vậy trọng tài nào sẽ ảnh hưởng tới trọng tài nào? Rất nhiều vấn đề gây tranh cãi vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.


Chẳng hạn như, cũng là một pha bóng chạm tay, nhưng pha bóng của Cedric Soares (trong trận Iran - Bồ Đào Nha) bị thổi phạt đền, còn pha bóng của Marcos Rojo (trong trận Nigeria - Argentina) thì lại không? Hoặc pha được cho là đánh nguội của Cristiano Ronaldo trước Morteza Pouraliganji, hoặc pha Aleksandar Mitrovic bị “ôm vật” trong vòng cấm đội tuyển Thụy Sĩ, hoặc pha va chạm giữa Neymar với Gonzalez trong trận Brazil - Costa Rica… đó đều là những pha bóng có thể dẫn tới thẻ đỏ hoặc phạt đền, vậy pha nào sẽ sử dụng VAR và pha nào không? Tình huống nào được nhận định là phạt đền và tình huống nào không? Tất cả vẫn do trọng tài chính quyết định, vậy đồng nghĩa với việc vẫn có tình trạng bỏ qua lỗi hoặc sai lầm. Từ đó dẫn tới tình trạng huấn luyện viên, cầu thủ sẽ không tin tưởng vào trọng tài trên sân, hơi chút sẽ đòi sử dụng VAR, mà bản thân trọng tài cũng sẽ không còn quá tự tin vào chính mình.


Dĩ nhiên, áp dụng công nghệ vào bóng đá cũng có những mặt tốt của nó, chẳng hạn như xác định bóng đã qua vạch vôi thành bàn thắng hay chưa, tránh cầu thủ chơi tiểu xảo ăn vạ qua mắt trọng tài, tránh những bàn thắng do trọng tài không theo kịp hoặc không thể quan sát tình huống việt vị… Nhưng đi kèm đó vẫn còn rất nhiều sự bất cập mà FIFA vẫn chưa thể giải quyết được. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có những sự điều chỉnh phù hợp hơn để có một trận cầu vừa hấp dẫn, kịch tính lại không thiếu sự công bằng.


Trần Khánh