11:10, 31/10/2017

Các phòng khám quá tải

Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, mỗi bác sĩ phải khám gần 100 bệnh nhân/ngày, cao gần gấp 3 lần so với quy định đang là thực trạng diễn ra nhiều năm nay tại các phòng khám đa khoa khu vực TP. Nha Trang.

 

Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, mỗi bác sĩ (BS) phải khám gần 100 bệnh nhân (BN)/ngày, cao gần gấp 3 lần so với quy định đang là thực trạng diễn ra nhiều năm nay tại các phòng khám đa khoa khu vực TP. Nha Trang.

 

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát tại Phòng khám Đa khoa khu vực số 2

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát tại Phòng khám Đa khoa khu vực số 2


Chật cứng bệnh nhân


Sáng 30-10, các ghế chờ của Phòng khám Đa khoa khu vực số 3 (phường Phương Sài) đã chật cứng, nhiều người phải đứng ở cả hành lang, lối đi và ngay tại cửa buồng khám. Trên khuôn mặt mỗi BN đều hiện rõ sự mệt mỏi do phải chờ đợi lâu. Lấy số thứ tự từ 7 giờ, nhưng đến 9 giờ vẫn chưa tới lượt khám, bà Lê Thị Hồng (phường Vạn Thạnh) bức xúc: “Tôi năm nay 65 tuổi, bị vôi hóa cột sống lâu năm nên ngồi lâu là đau nhức cả người, tê cứng hết chân tay. Tôi nghĩ phòng khám nên điều chỉnh sao cho hợp lý, tránh việc BN phải chờ đợi quá lâu, nhất là những người cao tuổi”.  

 

Bệnh nhân chờ đợi khám bệnh tại Phòng khám số 3

Bệnh nhân chờ đợi khám bệnh tại Phòng khám số 3


BS Lương Quang Thạch - Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực số 3 cho biết, phòng khám có 6 BS, nhưng hàng ngày chỉ có 4 BS khám bệnh. Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận khám, điều trị cho khoảng 400 người. Trung bình, mỗi BS phải khám 100 người/ngày, cao gần gấp 3 lần so với quy định (mỗi BS chỉ được khám 35 người/ngày). Chính vì BN đông đã khiến cho phòng khám lúc nào cũng quá tải. “Do phải chờ đợi lâu, nên có không ít lần BN và người nhà tỏ ra bức xúc, la lối. Chúng tôi chỉ biết lắng nghe và giải thích cho họ hiểu và thông cảm”, BS Thạch cho biết.

 

Tại Phòng khám số 4 (nằm trên đường Võ Trứ), đã gần 15 giờ nhưng BN vẫn còn khá đông. BS Lê Thị Phương Diệp - Trưởng Phòng khám số 4 cho biết: “ Bình quân mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận khoảng 230 BN, ngày cao điểm lên đến 300 BN. Phòng khám có 6 BS, trong đó có 2 BS đang đi học, 2 BS ở xã, phường được tăng cường chỉ làm nửa buổi. Bình quân, mỗi BS khám khoảng 80 người bệnh/ngày, hơn gấp đôi so với quy định. Để giải quyết tình trạng trên, chúng tôi phải vận động BS ra trực (theo quy định được nghỉ ngày hôm sau) ở lại khám bệnh”.


Tại Phòng khám số 5 (phường Phước Long), BS còn thiếu trầm trọng hơn. BS Hoàng Thị Vui - Trưởng phòng khám lo lắng: “Theo biên chế phòng khám có 5 BS. Tuy nhiên, hiện nay, 2 BS đang đi học, cuối năm có 1 BS về hưu, 1 BS sẽ đi học chuyên khoa 1, đến thời điểm đó chỉ còn có 1 BS. Không biết lúc đó phòng khám sẽ hoạt động ra sao?”. Bình quân mỗi ngày, Phòng khám số 5 khám cho khoảng 250 người, có lúc lên đến 360 người. Phòng khám luôn trong tình trạng BN phải chờ đợi lâu nên khó chịu, phản ứng, BS bị áp lực, căng thẳng.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự quá tải còn do thủ tục hành chính rườm rà. Ngoài ra, do quá tải thường trực khiến thời gian lắng nghe, thăm khám, tư vấn của các BS chưa được nhiều. Đó là chưa kể, công việc triền miên cũng thu hẹp cơ hội của họ được tham dự các khóa học nâng cao về chuyên môn hay nghiên cứu khoa học.

 

Xuống cấp và lạc hậu


Không chỉ quá tải, cơ sở vật chất ở hầu hết 5 phòng khám đều đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng.  Phòng khám Đa khoa khu vực số 3 được xây dựng cách đây 17 năm đến nay chưa được nâng cấp, sửa chữa. Nhiều phòng bị bong tróc vôi vữa, rêu mốc nham nhở, sập la phông. Tại các phòng khám, diện tích phòng được thiết kế quá nhỏ. BS Lương Quang Thạch cho biết: “Cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị thì thiếu thốn, lạc hậu nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, điều trị bệnh. Chúng tôi vẫn dùng chiếc máy siêu âm đen trắng hơn 10 năm nay, chưa có máy siêu âm màu”.

 

Tại Phòng khám số 4, ngoài các thiết bị quá lạc hậu được đầu tư hơn 10 năm, nơi đây còn không có máy X-quang. BS Lê Thị Phương Diệp chia sẻ: “Mỗi khi có chỉ định chụp X-quang, chúng tôi phải giới thiệu BN qua các phòng khám khác để thực hiện. BN rất bất tiện, nhưng không có cách nào khác vì có máy cũng chẳng biết để đâu do các phòng quá nhỏ”. Tại Phòng khám số 2 (phường Vĩnh Thọ), cũng do thiết kế không phù hợp, phòng khám phải tận dụng lối vào làm phòng đợi. Đã vậy, diện tích nhỏ quá nên chỉ kê được khoảng 40 ghế, nhiều BN phải ra ghế đá ngoài sân, lối đi vào khuôn viên phòng khám để ngồi chờ.

 

Một phòng khám bệnh ở Phòng khám số 3 xuống cấp, rêu mốc

Một phòng khám bệnh ở Phòng khám số 3 xuống cấp, rêu mốc

 

Cần một bệnh viện cho thành phố


BS Lê Phán - Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Nha Trang cho biết, đa số các phòng khám được xây dựng cách đây hơn 10 năm, hầu hết đã xuống cấp, thiết kế phòng không hợp lý, chật hẹp, nhiều tầng nên BN di chuyển khó khăn. Các trang thiết bị cận lâm sàng tuy được trang bị đủ để hoạt động nhưng đều đã cũ, lạc hậu. Việc thiếu các máy hiện đại như: siêu âm màu, CT scanner, máy nội soi dạ dày - đại tràng, máy xét nghiệm miễn dịch... nên khó có thể phát triển đều các chuyên khoa.


Về nguồn nhân lực, hiện nay, trung tâm có 35 BS, không đủ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân thành phố. Ngoài ra, số y, BS có trình độ có chuyên môn sâu chưa nhiều. Trung tâm không có bệnh viện nên tỷ lệ chuyển tuyến điều trị cao, BN tự đi khám tại các bệnh viện tư nhân cùng tuyến nhiều (do đã thông tuyến) dẫn đến tỷ lệ khám chữa đa tuyến chiếm 150% quỹ bảo hiểm y tế được giao. Vì thế, trung tâm luôn trong tình trạng âm quỹ bảo hiểm y tế, dẫn đến thiếu nguồn tái đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực. “Sớm xây dựng bệnh viện là nhu cầu cấp thiết hiện nay tại TP. Nha Trang”, BS Lê Phán kiến nghị.


Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: “Có xây dựng bệnh viện thành phố được thì mới giải tỏa tình trạng quá tải hiện nay ở các phòng khám, đáp ứng được nhu cầu điều trị của người dân. Đặc biệt, có bệnh viện mới, trang thiết bị hiện đại sẽ nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh. Từ đó, mới giữ chân và thu hút được BS ở lại địa phương công tác. Đồng thời, thu hút được người dân tham gia bảo hiểm y tế”.


GIANG LY


 



Trong đợt giám sát mới đây của HĐND tỉnh Khánh Hòa về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khám, chữa bệnh trên địa bàn TP. Nha Trang, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, thời gian tới, UBND tỉnh cần cân đối nguồn kinh phí, sớm trình HĐND tỉnh để xem xét thông qua việc xây dựng Bệnh viện TP. Nha Trang.

 

__________________________________________

 

BS Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế: Theo quy hoạch, Bệnh viện TP. Nha Trang sẽ xây dựng thành bệnh viện hạng 2, đặt tại Khu đô thị Mỹ Gia. Cuối năm 2016, Sở Y tế đã hoàn thiện phần thiết kế, chuẩn bị thủ tục đấu thầu thi công. Tuy nhiên, do UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch tại Khu đô thị Mỹ Gia và vướng mục đích chuyển đổi sử dụng các phòng khám nên chưa có kinh phí để triển khai xây dựng. Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh ứng kinh phí để đầu tư xây dựng trước nhưng vẫn chưa có văn bản trả lời.