12:10, 14/10/2017

Vượt lên số phận

Dù tật nguyền, hai nhân vật ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) mà chúng tôi gặp dưới đây vẫn ngày ngày âm thầm nỗ lực để sống, làm việc, khẳng định mình và tìm được bến bờ hạnh phúc…

 

Dù tật nguyền, hai nhân vật ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) mà chúng tôi gặp dưới đây vẫn ngày ngày âm thầm nỗ lực để sống, làm việc, khẳng định mình và tìm được bến bờ hạnh phúc…


26 năm sửa chữa điện tử nuôi con ăn học


12 giờ trưa, khi mọi người đang nghỉ ngơi thì ông Nguyễn Văn Sinh (thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam) vẫn cặm cụi sửa bình xe đạp điện. Dưới nền nhà, nhiều thiết bị điện tử bị hỏng nằm xếp hàng chờ sửa. “Nghe tiếng ông Sinh sửa điện tử có chất lượng, giá lại rẻ nên dù nhà ở xã Cam An Bắc tôi vẫn mang xe ra đây sửa”, một vị khách cho biết.

 

Những nếp nhăn trên khuôn mặt và bàn tay chai sạn khiến ông Sinh trông già hơn so với tuổi 48. Khi sinh ra, ông cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm lên 5 tuổi, cơn sốt ác tính khiến đôi chân ông cứ teo dần, co quắp lại, không đi đứng được. Tuy gia đình chạy vạy khắp nơi để chữa nhưng bệnh của ông vẫn không cải thiện. Suốt những năm tháng đi học, con đường đến trường là cực hình đối với ông. Đầu gối luôn bị trầy xước, rướm máu do phải thường xuyên lê lết. Tuy nhiên, không chịu đầu hàng số phận, hàng ngày ông vẫn cố gắng phụ bố mẹ làm việc nhà và đi học. Năm lên lớp 10, do sức khỏe không đảm bảo nên ông nghỉ học giữa chừng dù niềm đam mê con chữ chưa bao giờ tắt.  


Năm 16 tuổi, ông quyết định tìm nghề kiếm sống. Do không có tiền nên ông chọn học nghề mộc, vừa không phải đóng học phí lại được thầy nuôi cơm. Nhờ chịu khó học tập nên chưa đầy 1 năm, thầy đã cho ông về nhà lập nghiệp. Qua thời gian, thấy sức khỏe ngày càng kém nên ông chuyển sang học nghề sửa đồng hồ. Sau đó, ông theo anh trai ra Nha Trang học nghề sửa chữa điện tử và trở thành chủ tiệm đầu tiên của làng. Như con ong cần mẫn, hễ có thời gian rảnh là ông miệt mài đọc sách, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người để nâng dần tay nghề. Từ việc chủ yếu sửa ti vi trắng đen, đến nay, ông đã sửa thành thục hầu hết các thiết bị điện tử như: ti vi thế hệ mới, máy quạt, nồi cơm điện, xe đạp điện… Bình quân mỗi ngày, ông kiếm khoảng 120.000 đồng. “Cuộc đời tôi có lúc tưởng chừng rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc không lối thoát nhưng rồi giai đoạn khó khăn cũng qua đi. Tôi luôn tự nhủ tuy bị khiếm khuyết cơ thể nhưng không được để khuyết tật về tâm hồn; muốn bù đắp những gì thua thiệt phải cố gắng nhiều hơn nữa”, ông Sinh giãi bày.

 

Ông Nguyễn Văn Sinh đang sửa đồ cho khách

Ông Nguyễn Văn Sinh đang sửa đồ cho khách

 

Cảm phục trước ý chí, nghị lực của ông Sinh, bà Cao Thị Phương Thảo (sống cùng xã) đã đem lòng yêu thương ông. Khi quyết định tiến tới hôn nhân, họ đã gặp không ít rào cản từ phía gia đình, nhưng cuối cùng mọi người cũng nhận ra tình cảm chân thành của họ. Cuộc mưu sinh hàng ngày khó khăn nên nhiều năm gia đình ông phải sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát. Để có tiền trang trải, ông còn đến nhà nhiều người để sửa chữa điện tử, lắp chảo vệ tinh thuê; còn vợ thì chăm sóc 3 sào mì, 6 sào mía của gia đình và làm thuê làm mướn. Người dân trong làng không khỏi chạnh lòng khi thấy ông Sinh thường đu mình trên cần ăng-ten, mái nhà để lắp chảo vệ tinh cho người dân. “Cách đây 2 năm, trong một lần đi lắp chảo thuê, chồng tôi không may bị rơi từ mái nhà xuống phải khâu 6 mũi ở đầu, 4 mũi ở tay. Sau lần đó, anh mới chịu bỏ nghề lắp chảo thuê. Ngoài sửa chữa điện tử, vào mùa, anh còn phụ tôi ra đồng bấm ngọn mía, bẻ củ mì… Nhờ cần mẫn làm ăn, năm 2013, vợ chồng tôi đã tích góp tiền xây được nhà mới”, bà Thảo kể.  


Điều đáng mừng, thương bố mẹ vất vả, 5 người con của ông đều chăm ngoan, học giỏi. Con trai đầu của ông là Nguyễn Công Minh hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Vừa qua, Minh được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh khen thưởng học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Noi gương anh, nhiều năm liền, các em của Minh cũng đạt học sinh khá, giỏi. Năm 2016, gia đình ông được Hội Khuyến học tỉnh tặng giấy khen gia đình học tập xuất sắc tiêu biểu. Ông Sinh tâm sự: “Tôi không muốn các con phải gác ước mơ đến trường như bố mẹ chỉ vì nghèo khó. Vì vậy, mong ước lớn nhất của tôi là kiếm được nhiều tiền hơn nữa để lo cho các con ăn học thành tài”.


Hơn 30 năm sửa xe đạp lo cho gia đình  


Đến chợ Cam Tân, hỏi thăm ông Huỳnh Văn Ngọc (57 tuổi, thôn Vinh Bình, xã Cam Tân) hầu như ai cũng biết. “Có phải ông Lượm sửa xe đạp bị khuyết tật đôi chân không? Người dân quanh vùng đều khâm phục ý chí, nghị lực của ông, lúc nào cũng lạc quan, niềm nở với mọi người. Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa dầm, gió rét, ông đều lặn lội ra tiệm sửa xe mong kiếm tiền lo gia đình”, bà Võ Thị Hương - một người dân sống ở đây không ngớt lời khen.

 

Chiều muộn, bên góc đường vắng vẻ, ông Lượm gắng sức lật chiếc xe đạp của khách để sửa. Thấy nặng, tôi đưa tay phụ nhưng ông liền ngăn lại: “Cô đừng phụ, việc nhỏ mà, tôi làm quen rồi”. Hỏi chuyện mới biết, cái tên “Lượm” gắn liền với tuổi thơ đượm buồn của ông. Chào đời được vài ngày, ông đã bị bỏ rơi trong bệnh viện và được một người mẹ nuôi mang về cưu mang. Và càng bất hạnh hơn khi lên 3 tuổi, cơn sốt thập tử nhất sinh đã làm chân ông vĩnh viễn bị tàn phế. Mọi sinh hoạt thường ngày trở nên khó khăn. “Khi bắt đầu ý thức được cuộc sống xung quanh, tôi thấy rất mặc cảm, tự ti. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu mãi đau buồn thì chân cũng không trở lại bình thường được, phải mạnh mẽ sống có ích để không làm khổ gia đình”, ông Ngọc tâm sự.


Với quyết tâm vượt lên số phận, hàng ngày, ông tập tành phụ mẹ nấu ăn, làm việc nhà, học vẽ và làm thuê cho một người thầy… Năm 20 tuổi, thấy nghề vẽ không thịnh nên ông xin mẹ đi học nghề sửa xe đạp để phụ gia đình. Không có tiền thuê mặt bằng, ông xin ké vỉa hè người quen để mưu sinh. Buổi sáng, ông lết bộ gần 1km từ nhà đến khu vực gần chợ Cam Tân để hành nghề và kết thúc ngày làm việc khi trời sẩm tối. Trầy xước, té ngã đối với ông là chuyện cơm bữa. Trung bình mỗi ngày, ông kiếm khoảng 100.000 - 120.000 đồng.

 

Ông Huỳnh Văn Ngọc đang sửa xe đạp

Ông Huỳnh Văn Ngọc đang sửa xe đạp

 

Năm 37 tuổi, được người quen giới thiệu, ông đã gặp và sánh duyên cùng bà Nguyễn Thị Ngạnh (quê ở xã Diên Điền, huyện Diên Khánh). Niềm vui của đôi vợ chồng được nhân lên với sự chào đời của cô con gái kháu khỉnh. Gia đình nội ngoại đều khó khăn nên suốt thời gian dài vợ chồng ông phải sống nhờ trong trại tạm bợ của một người dân ở xã Cam Tân. “Mỗi lần nghĩ đến cảnh đói nghèo, tôi lại muốn lao vào làm việc để thay đổi cuộc sống. Hàng ngày, tôi sửa xe, vợ làm thuê làm mướn. Nhờ cần mẫn làm ăn, cộng với Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng tôi cũng tích góp tiền mua một lô đất và xây nhà cách đây hơn 10 năm”, ông Ngọc chia sẻ.


Theo chân ông Ngọc về nhà trên con hẻm nhỏ, nhìn căn nhà cấp 4 khá ấm cúng, chúng tôi cảm nhận được phần nào hạnh phúc đơn sơ của vợ chồng ông. Ngồi cạnh chồng, bà Ngạnh cười: “Với tôi, có được người chồng luôn biết quan tâm, lo lắng cho gia đình như anh Ngọc là hạnh phúc lắm rồi. Tuy sức khỏe không tốt, nhưng ngày nào anh cũng ráng đi làm chứ không đành nhìn con nhịn đói, thất học”. Cảm phục nghị lực của ông, một người quen đã tặng ông chiếc xe máy cũ để tiện đi lại. “Càng ngày, nghề sửa xe đạp sẽ không còn chuộng. Tôi chỉ sợ không lo cho con cuộc sống tươm tất như bạn bè cùng trang lứa. Còn sức thì phải cố hết mình”, ông Ngọc nói.


Chia tay gia đình ông Ngọc, ông Sinh khi trời nhá nhem tối, chúng tôi chợt nhớ câu nói của ông Sinh: “Thành công không phải là điểm dừng, thất bại cũng không phải là hồi kết; lòng can đảm để bước tiếp mới là điều quan trọng nhất. Tôi luôn tin qua cơn mưa, trời lại sáng”. Trên muôn nẻo cuộc sống, có lẽ hình ảnh những người khuyết tật biết vượt khó vươn lên như ông Ngọc, ông Sinh sẽ mãi là những tấm gương sáng để nhiều người  noi theo.  


KIM THAO

 



Ông Võ Ngọc Trung - Chủ tịch UBND xã Cam Tân: Ông Huỳnh Văn Ngọc là một người khuyết tật điển hình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy bị tật từ nhỏ, nhưng ông luôn chịu khó học nghề, mở tiệm làm ăn, lo cho gia đình, được người dân quý mến. Trước đây, gia đình ông thuộc hộ nghèo của xã nhưng nhờ ý chí của bản thân cộng với sự giúp đỡ của Nhà nước, đến nay, cuộc sống gia đình ông cũng ổn định…

___________________________________________
 


Ông Nguyễn Hữu Công - Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Nam: Ông Nguyễn Văn Sinh là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó. Tuy bị khuyết tật nhưng ông luôn vượt lên chính mình, không bao giờ ỷ lại, lo làm ăn, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, học giỏi…