10:06, 24/06/2018

Những quy định về quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài

Hiện nay, việc thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài trong kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng lên. Kéo theo đó là tình trạng doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài vi phạm quy định pháp luật liên quan về xuất nhập cảnh, tổ chức các hoạt động kinh doanh cũng tăng theo.

Hiện nay, việc thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và các DN nước ngoài trong kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng lên. Kéo theo đó là tình trạng DN sử dụng lao động người nước ngoài vi phạm quy định pháp luật liên quan về xuất nhập cảnh, tổ chức các hoạt động kinh doanh cũng tăng theo. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an tỉnh triển khai đợt kiểm tra các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh có sử dụng lao động là người nước ngoài. Qua kiểm tra cho thấy, các DN thường vi phạm pháp luật trong sử dụng lao động người nước ngoài như: làm việc ở vị trí chuyên gia, lao động kỹ thuật có thời gian làm việc quá 30 ngày nhưng không làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp phép nhưng không xuất trình được văn bản do công ty bảo lãnh cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định.

 

Bên cạnh nhiều DN ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch cố tình lách luật, tự ý cấp giấy phép lao động và ký kết hợp đồng lao động không đúng với thời gian người lao động nước ngoài đến làm việc tại công ty, có DN còn đăng ký với các ngành chức năng sử dụng lao động nước ngoài vào làm việc ở vị trí chăm sóc khách hàng nhưng lại điều họ sang làm hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra, DN chỉ đăng ký xin cấp giấy phép một vài người, còn những lao động làm chế biến thực phẩm, buôn bán thì không đăng ký, hoặc đứng xen lẫn vào bán hàng, làm cho cơ quan chức năng khó phát hiện. Một số DN còn kết nối với nhau điều lao động nước ngoài qua lại nhằm tránh sự kiểm tra của ngành chức năng; người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch để làm việc. Nhiều lao động nước ngoài còn tự liên hệ với các DN để làm thêm ngoài giờ…


Từ thực tế kiểm tra, các ngành chức năng sẽ đối chiếu với những quy định của Nghị định số 88 ngày 7-10-2015 của Chính phủ để đưa ra các hình thức xử phạt. Theo đó, lao động nước ngoài có một trong các hành vi sau đây sẽ bị trục xuất: làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp không thuộc diện cấp phép lao động; sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn. Đồng thời, phạt tiền người sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động với các mức: phạt từ 30 đến 45 triệu đồng khi sử dụng từ 1 người đến 10 người; phạt từ 45 đến 60 triệu đồng khi sử dụng từ 11 người đến 20 người; phạt từ 60 đến 75 triệu đồng khi sử dụng từ 21 người trở lên. Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi và bị đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng.

 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch sử dụng lao động người nước ngoài chưa đúng quy định.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch sử dụng lao động người nước ngoài chưa đúng quy định.

 

Do vậy, các DN khi có sử dụng người nước ngoài làm việc tại tỉnh cần phải tuân thủ đúng theo luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, sử dụng, quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, theo Nghị định số 11 ngày 3-2-2016 của Chính phủ, DN chỉ sử dụng lao động nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Chuyên gia là lao động nước ngoài phải có văn bản xác nhận là chuyên gia của DN tại nước ngoài, có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc tại Việt Nam. Đối với chuyên gia lao động kỹ thuật là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất một năm và làm việc ít nhất 3 năm trong chuyên ngành đào tạo.


Trước khi sử dụng lao động nước ngoài, DN cần giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đối với từng vị trí mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo với UBND tỉnh nơi lao động nước ngoài sẽ làm việc. Đối với những trường hợp người lao động nước ngoài vào Việt Nam dưới 3 tháng để chào bán dịch vụ hoặc để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam hoặc người nước ngoài đang ở Việt Nam không xử lý được, UBND tỉnh sẽ có văn bản chấp thuận cho DN về việc sử dụng lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc.


Người lao động nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện như: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với công việc; không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước ngoài; có giấy phép lao động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam cấp.


Để hiểu rõ và thực hiện theo đúng quy định trong sử dụng lao động người nước ngoài, các DN cần liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn thực hiện.


Nguyễn Thị Thanh Hoa
(Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)