05:09, 13/09/2017

Đầu tư rồi... để đó

Tiêu chí cơ sở vật chất về văn hóa - thể thao (VH-TT) là một trong những tiêu chí quan trọng để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Thời gian qua, nhiều xã đã dành tiền tỷ đầu tư. Thế nhưng ở nhiều địa phương, các nhà VH-TT cấp xã được đầu tư khang trang thì chẳng ai vào chơi, còn nhiều nơi lại quá xập xệ, thậm chí bỏ hoang…

 

Tiêu chí cơ sở vật chất về văn hóa - thể thao (VH-TT) là một trong những tiêu chí quan trọng để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Thời gian qua, nhiều xã đã dành tiền tỷ đầu tư. Thế nhưng ở nhiều địa phương, các nhà VH-TT cấp xã được đầu tư khang trang thì chẳng ai vào chơi, còn nhiều nơi lại quá xập xệ, thậm chí bỏ hoang…


Khi nói đến trung tâm VH-TT, chắc hẳn mọi người đều liên tưởng đây là nơi vui chơi rất nhộn nhịp. Bởi chức năng của các trung tâm là phục vụ người dân hoạt động VH-TT, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, các giá trị văn hóa dân gian. Thế nhưng, thực tế ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh, các trung tâm đều không có gì ngoại trừ một khu đất trống được gắn biển trung tâm VH-TT xã, thậm chí có nơi bên trong ngổn ngang các hoạt động phơi lúa, chăn thả gia súc của những hộ sinh sống xung quanh.

 

Phía trước cổng Trung tâm Văn hóa thể thao xã Vĩnh Ngọc

Phía trước cổng Trung tâm Văn hóa thể thao xã Vĩnh Ngọc


Đìu hiu trung tâm văn hóa thể thao xã


Tọa lạc trên vị trí khá đẹp, ngay trung tâm của xã trên tuyến Quốc lộ 26, Trung tâm VH-TT xã Ninh Phụng được đầu tư xây dựng năm 2014 với diện tích 2.000m2, tổng mức đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng trên phần đất hơn 7.100m2. Tuy vậy, phần lớn thời gian trung tâm này đều đóng cửa vì người dân ít lui tới; đây cũng là cách để xã ngăn không cho một số người vào chăn, thả gia súc gây mất vệ sinh. Bà Nguyễn Thị Lý - một người dân sống gần đó cho biết, ngày thường không ai vào trung tâm, bởi bên trong không có gì ngoài khu đất trống với một khu sân khấu lộ thiên xung quanh cỏ mọc um tùm. Đến đó nắng lắm, với lại khu trung tâm được xây dựng trên phần đất nghĩa trang của xã nên nhiều người e ngại. Ông Trần Ngọc Chinh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phụng đánh giá: “Trước đây khi chưa có trung tâm, muốn tổ chức một hoạt động nào đó đều phải đi mượn địa điểm tại các trường học rất bất tiện. Trung tâm được xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị  trong các dịp lễ, ngày kỷ niệm lớn của xã. Tuy nhiên, hàng năm xã chỉ tổ chức một vài sự kiện, còn lại để không do ít người đến”.

 

Khu Trung tâm Văn hóa thể thao xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa

Khu Trung tâm Văn hóa thể thao xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa


Không có được vị trí đẹp, lại nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở thôn Xuân Lạc, Trung tâm VH-TT xã Vĩnh Ngọc còn xấu xí, nhếch nhác hơn nhiều. Tại thời điểm chúng tôi tìm đến, biển hiệu trung tâm được hạ xuống đặt bên góc phải cổng vào. Trong sân có những đụn cát lớn, rác thải, gỗ mục vương vãi, thậm chí có cả một đàn dê đang tung tăng gặm cỏ. Bên trong trung tâm có một khu nhà có mái che, phía trước sân tráng xi măng, được người dân tận dụng để phơi lúa. Theo một người dân bán nước mía trước trung tâm, nhiều tháng nay trung tâm không có hoạt động gì, lâu lâu có đoàn cải lương, lô tô về thì còn đông vui chứ bình thường rất vắng vẻ.

 

Nhếch nhác bên trong Trung tâm Văn hóa thể thao xã Vĩnh Ngọc

Nhếch nhác bên trong Trung tâm Văn hóa thể thao xã Vĩnh Ngọc

 
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VH-TT thừa nhận, đây là thực trạng chung của các trung tâm VH-TT xã. Theo thống kê sơ bộ, hơn 80% thiết chế VH-TT cấp xã (trong đó có trung tâm, sân vận động các xã, phường, thị trấn) đều chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT và Du lịch. “Phần lớn các trung tâm VH-TT xã đều được tận dụng từ những khu có sẵn sau đó sửa chữa, cải tạo. Còn số trung tâm mới chủ yếu được xây theo chương trình nông thôn mới, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó phần lớn mới xây dựng hàng rào, rất thiếu thốn trang bị vật chất để hoạt động”, ông Tuấn nói


Còn nhiều bất cập…


Ông Ngô Thanh Hùng - cán bộ văn hóa xã Ninh Phụng cho biết, sau khi có Trung tâm VH-TT xã, ông được phân công làm chủ nhiệm phụ trách công tác quản lý, trông coi, tổ chức các hoạt động tại trung tâm. Tuy nhiên, từ đó đến nay ông chỉ làm “chay” chứ chẳng được hưởng khoản phụ cấp nào. Theo quy định, mức phụ cấp những người như ông Hùng là 0,5 - 0,7 mức lương cơ bản/tháng, song đến giờ tỉnh vẫn chưa triển khai nên những người như ông Hùng cũng đành phải chờ.

 

Sân vận động bỏ hoang ở xã Khánh Bình

Sân vận động bỏ hoang ở xã Khánh Bình


Bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương lại cho rằng kinh phí cấp cho hoạt động VH-TT xã còn quá thấp. “Ở Vĩnh Phương, dân số hơn 12.000 người, nhân theo mức quy định là 1.890 đồng/người thì kinh phí được cấp khoảng hơn 22 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ tổ chức từ 4 đến 5 hoạt động văn hóa hay các giải thể thao nho nhỏ, còn khi có sự kiện gì lớn hay muốn tổ chức thêm các hoạt động để thu hút người dân tham gia thì chịu”, bà Tuyết nói.


Qua kết quả điều tra, đánh giá của Sở VH-TT, toàn tỉnh có 74 trung tâm VH-TT cấp xã trên tổng số 137 xã, phường, thị trấn, trong đó chủ yếu là các sân thể thao đơn giản và chưa đạt chuẩn theo quy định. Nguyên nhân là do hầu hết các trung tâm được tận dụng từ những công trình xây dựng từ trước, có diện tích, quy mô nhỏ, chất lượng kết cấu công trình đơn giản, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp gây không ít khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động sự nghiệp, VH-TT các địa phương. Thêm vào đó, kinh phí cấp cho các hoạt động VH-TT cấp xã quá thấp. Các trung tâm VH-TT xã đều có bộ máy hoạt động gồm: chủ nhiệm là cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm, phó chủ nhiệm và khoảng 2 - 3 thành viên song không có phụ cấp, dẫn đến tình trạng công tác quản lý, sử dụng các trung tâm này kém hiệu quả.


Xây dựng thiết chế VH-TT ở nông thôn chẳng phải làm một cái nhà là xong, điều quan trọng là phải có nội dung, hình thức tổ chức hoạt động để phát triển phong trào. Song thực tế cho thấy, thiết chế này gần như không phát huy được chức năng của nó. Hiện nay, Sở VH-TT xây dựng dự thảo Đề án tổ chức thí điểm nâng cao chất lượng hoạt động trung tâm VH-TT xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn giai đoạn 2017 - 2020 để trình UBND tỉnh. Mục tiêu của đề án nhằm đánh giá thực trạng, những khó khăn, hạn chế cũng như giải pháp để tháo gỡ, nâng cao chất lượng các trung tâm, nhà văn hóa, khu thể thao thôn… Hy vọng rằng, đề án được phê duyệt và thực hiện sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các trung tâm VH-TT xã thêm khởi sắc.


An Nhiên