07:12, 03/12/2016

Vỡ bờ?

Cuối cùng, đến phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của đại diện viện kiểm sát và luật sư, giảm án cho bị cáo Đ.V.H (sinh năm 1978, trú xã Phước Đồng, TP. Nha Trang). Sau khi nghe tòa tuyên án, bị cáo xúc động cảm ơn và hứa sẽ cải tạo tốt.

Cuối cùng, đến phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của đại diện viện kiểm sát và luật sư, giảm án cho bị cáo Đ.V.H (sinh năm 1978, trú xã Phước Đồng, TP. Nha Trang). Sau khi nghe tòa tuyên án, bị cáo xúc động cảm ơn và hứa sẽ cải tạo tốt.  


Trước đó, lời trình bày của bị cáo chứa đầy uất ức: Bị cáo có tội, nhưng cấp sơ thẩm xử như vậy hơi nặng, bởi không phải tự nhiên bị cáo xông vào đâm bị hại. Trước đó, bị hại từng đe dọa giết cả nhà bị cáo. Anh trai bị cáo nợ tiền của bị hại, không trả nổi nên phải làm giấy tay bán nhà đất cho bị hại. Nhưng trước đó, anh có giao nhà đất lại cho bị cáo quản lý và dặn 15 ngày sau, bị hại tới thì giao nhà, nhưng không dặn nếu bị hại tới sớm hơn cũng phải giao. Hôm đó, bị hại gọi điện thoại kêu bị cáo lên dọn nhà ngay, không sẽ giết. Bị cáo lại không liên lạc được với anh. Vì vậy, bị cáo mới lo sợ đem dao đi theo phòng thân. Tới nhà anh trai, thấy cửa vào đã bị cắt khóa nên bị cáo rất bực, kêu sao tự tiện phá khóa vào nhà như vậy, nhưng bị hại lại chửi bị cáo. Không biết làm sao, bị cáo dọa báo công an. Bị hại lại chửi tiếp, còn xông vào xô đẩy, đánh, ném đá, khiến bị cáo không kiềm chế được… Sau khi sự việc xảy ra, gia đình bị cáo đã chạy vạy ngược xuôi bồi thường ban đầu 40 triệu đồng cho gia đình bị hại, nhưng nhà họ yêu cầu hơn 630 triệu đồng.


Nghe bị cáo trình bày, có thể hình dung phần nào nỗi bức xúc này vào ngày xảy ra án mạng. Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng thông tin, bị hại là người cho vay lãi. Thực chất, anh bị cáo không hề bán nhà mà do vay nặng lãi, không trả nổi, bị thúc ép đến mức phải chạy về quê hỏi vay tiền. Bị cáo cũng rất bức bối vì chuyện đó. Kết quả của hàng loạt dồn nén là nhát dao chí mạng lấy đi mạng sống của người bị hại. Một số người dự phiên tòa cho rằng, đó là do bị cáo “tức nước vỡ bờ”. Chỉ một nhát dao, nhưng một người đã vĩnh viễn nằm xuống, còn một người phải ngồi tù đằng đẵng 15 năm. Nhát dao đó còn khiến bị cáo oằn mình với khoản bồi thường 130 triệu đồng và tiền cấp dưỡng 2 triệu đồng/tháng cho con người bị hại đến khi đủ 18 tuổi. Phải tha hương vào Nha Trang, kiếm sống bằng nghề dệt lưới, với gia đình bị cáo, chạy vạy lo được 40 triệu đồng bồi thường trước phiên tòa là cả vấn đề. Vợ bị cáo có lẽ cũng chẳng ngờ cái ngày cùng chồng ngồi dệt lưới lại là ngày xảy ra vụ án. Có lẽ còn rất lâu nữa, vợ chồng chị mới lại được cùng nhau ngồi đan lưới như ngày nào. Tuy cấp phúc thẩm đã chấp nhận lập luận của vị đại diện viện kiểm sát và luật sư, xem xét tội danh giết người cho bị cáo trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân, nhưng như đại diện viện kiểm sát cấp sơ thẩm phân tích, ở khía cạnh khác, bị cáo vẫn còn cơ hội hành xử khác, đó là báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bị cáo lại tự chuẩn bị dao trước và ra tay khi bị tấn công. Nếu bị cáo không mang dao thì cuộc xô xát bằng chân tay chắc chắn không đến mức tước đoạt tính mạng bị hại. Và khi đó, với những hành vi vi phạm pháp luật của bị hại, vụ việc có thể đã được xem xét giải quyết theo hướng khác. Xem ra, trong vụ án này, “tức nước” thì có, nhưng để “vỡ bờ” lại có lỗi của cả bị cáo, và vì vậy, bị cáo phải trả giá. 

    
 TAM THUẬT