08:11, 12/11/2016

Những kẻ "già mồm"

Phiên tòa xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản khiến người dự khó chịu bởi thái độ của các bị cáo (cùng trú phường Phước Long, TP. Nha Trang), đặc biệt là bị cáo H.N.C.

Phiên tòa xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản khiến người dự khó chịu bởi thái độ của các bị cáo (cùng trú phường Phước Long, TP. Nha Trang), đặc biệt là bị cáo H.N.C.


Vừa được hỏi, C. đã nói liên hồi như thể rất oan ức. Nào là bị cáo không hề cưỡng đoạt của ai, bị cáo buôn hải sản đàng hoàng; bị cáo đã mua hải sản của người dân với giá 25.000 đồng/kg để bán lại kiếm lời. Tòa  hỏi vặn: Đi buôn sao không ghi số lượng hải sản mua được, lại ghi số lượng hải sản thu mua của những thương lái khác? Đi buôn không bỏ vốn mà vẫn thu lời trên số kg? C. vẫn chối, nói có bỏ tiền ra mua, không ép buộc ai hết. Trong khi đó, tài liệu tại cơ quan điều tra cho thấy, V.A.T đưa 1 - 2 triệu đồng cho C., L.X.Th, N.V.L, G.T.T để đưa cho những người thu mua hải sản và buộc phải cầm như hình thức T. bỏ tiền ra thu mua rồi bán lại ngay cho họ lấy chênh lệch. V.A.T còn dặn nếu ai không nhận tiền thì báo ngay để xử lý. Một chị thu mua hải sản không nhận tiền liền bị Th. chửi mắng, đập phá cân, vứt xuống sông. Một ông khác tự mua của người dân không thông qua V.A.T còn bị đánh, bị hăm dọa. Chính vì vậy, 7 người thu mua hải sản đành phải nộp tiền chênh lệch.


Vị thẩm phán nghiêm khắc: Không ép buộc nhưng khi người buôn không hợp tác lại dùng vũ lực? Phải chăng các bị cáo muốn cảnh báo những người khác sẽ nhận hậu quả tương tự nếu chống đối? C. vẫn một mực quanh co: “Bị cáo có mua của những người khác rồi bán lại cho ông T., chỉ là không tự tay đưa tiền cho ông này. Bị cáo bị oan. Lúc bị bắt, bị cáo còn ngỡ ngàng. Bị cáo lao động bằng chính sức lực bản thân mình, không có gì ngang trái”. Tòa nhắc lại: Lần trước, khi bị bắt về hành vi tổ chức đánh bạc, bị cáo cũng nói bị oan, không biết vi phạm pháp luật, chỉ chơi vui! Lúc này, C. mới thừa nhận chút ít nhưng cố vớt vát: T. có đưa cho bị cáo 1 triệu đồng để mua của những người gom hải sản và bán lại cho chủ nậu, kiếm lời 100.000 đồng. Nhưng bị cáo không biết các đồng phạm đe dọa người khác, nếu biết, bị cáo nhất quyết không tham gia. Còn lời khai tại cơ quan điều tra là vì lúc đó, bị cáo đang “sốc” nặng, nghĩ mình tự nhiên bị bắt nên bấn loạn, cứ ký đại. Nghe tòa vặn “vậy sau một thời gian, khi nhận kết luận điều tra và cáo trạng, bị cáo cũng không ý kiến gì?”, C. “lý luận”: “Bị cáo không nói vì hy vọng sớm được ra tòa để thanh minh”!


Chỉ đến khi người bị hại nêu lại sự việc, C. và 4 đồng phạm mới cúi mặt im lặng. Người này cho biết, T. cho C. hàng ngày đến chỗ ông giám sát việc thu mua, ghi số lượng hải sản ông mua được. Cuối buổi, C. thu tiền, cứ 1.000 đồng/kg sò, 2.000 đồng/kg phi nhân với số kg hải sản ông mua được và thu lại tiền “tạm ứng” để giao lại cho T. Trung bình 1 ngày, nhóm thu của mỗi người mua hải sản 65.000 - 400.000 đồng; riêng ông T. nộp 65.000 - 200.000 đồng/ngày. Qua điều tra cũng cho thấy, T. phân công và phát sổ cho 4 đối tượng giám sát, ghi chép việc mua sò, phi và thu tiền, nộp lại cho T. Đổi lại, T. bao ăn và cho mỗi đối tượng 50.000 đồng/ngày. Mọi chuyện chỉ dừng lại khi Th. và C. bị bắt quả tang đang nhận tiền. Tính ra, chỉ trong 20 ngày, nhóm này đã chiếm đoạt của những người thu mua hải sản hơn 9,3 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền nhóm này chiếm đoạt được trong tháng trước đó chưa xác định được.


Sống ăn bám vào sức lao động của người khác, nhưng khi bị phát hiện, những kẻ cưỡng đoạt tài sản còn “già mồm”, thật đáng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.


TAM THUẬT