09:11, 22/11/2017

Cần nâng cao ý thức tự giác phòng, chống thiên tai

Hậu quả của cơn bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa rất nặng nề, nguyên nhân một phần là do ý thức tự giác phòng, chống thiên tai của người dân còn nhiều hạn chế.

Hậu quả của cơn bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa rất nặng nề, nguyên nhân một phần là do ý thức tự giác phòng, chống thiên tai của người dân còn nhiều hạn chế. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ xung quanh vấn đề này.


Ông có thể đánh giá cụ thể tần suất bão đổ bộ vào Khánh Hòa trong những năm qua?

 

- Theo chuỗi số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng, các cơn bão mạnh đã từng đổ bộ vào Khánh Hòa gồm: cơn bão Therese năm 1972 có gió giật tại Nha Trang 18m/s; bão Tess năm 1988 có gió giật 30m/s; bão Lola năm 1993 có gió giật 27m/s; bão Marinae năm 2009 có gió giật 22m/s; bão Damrey (bão số 12) vừa qua có gió giật tại Nha Trang 33m/s, Ninh Hòa 34m/s, Vạn Ninh cao hơn. Nhiều người lớn tuổi cho rằng cơn bão số 12 vừa qua là cơn bão lịch sử có tần suất lặp lại là 44 năm, 65 năm, 100 năm… Nếu căn cứ theo số liệu quan trắc được, những cơn bão mạnh đã từng đổ bộ vào Khánh Hòa có gió giật từ cấp 10 trở lên (từ 24,5m/s), có chu kỳ lặp lại trên dưới 10 năm và cơn bão số 12 là cơn bão có gió giật mạnh nhất từ trước đến nay, chu kỳ lập lại trận bão với sức gió tương ứng khoảng 30 năm.

 

 

- Ông nhận định như thế nào về công tác dự báo bão thời gian qua?


- Đến thời điểm này qua kiểm tra, công tác dự báo bão khá chính xác, riêng cơn bão số 12 là hoàn toàn chính xác, từ cường độ gió, mưa, hướng di chuyển, hướng đổ bộ. Nhờ dự báo tốt, công tác chỉ đạo ứng phó quyết liệt của tỉnh và các địa phương nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại do bão gây ra.


- Bài học kinh nghiệm rút ra từ các cơn bão là gì, thưa ông?


- Có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ công tác chuẩn bị, ứng phó, khắc phục hậu quả do bão. Theo tôi, điều đầu tiên cần phải xác định rõ đó là, dù có ít bão đổ bộ nhưng tỉnh Khánh Hòa là địa phương ven biển có nguy cơ bão mạnh đổ bộ trực tiếp. Trong tương lai, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng bão có thể gia tăng về tần suất xuất hiện; cường độ bão, diễn biến bão ngày càng phức tạp hơn. Vì vậy, mỗi địa phương, các ngành, các cấp và nhân dân cần có phương án ứng phó thích hợp, từ khâu quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nhà cửa, công trình, phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản… đều phải chú ý đến thiên tai do bão mạnh có thể xảy ra.


- Ông có đề xuất giải pháp nào để ứng phó với bão, đặc biệt là bão mạnh?


- Có thể nói, thời gian qua, công tác chuẩn bị ứng phó với bão của tỉnh rất chủ động và hiệu quả. Tuy nhiên, do tần suất bão, đặc biệt là bão mạnh nhiều năm mới lặp lại do đó người dân có tâm lý chủ quan, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống bão còn nhiều hạn chế. Một vài địa phương ở vùng sâu, vùng xa thông tin về bão đến với người dân chưa đầy đủ, công tác di dời sơ tán dân chưa kiên quyết, nên bão đã gây thiệt hại khá nặng nề về người và của.


Hiện nay, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão ở các địa phương trong tỉnh đều đã được phê duyệt, vì vậy tôi đề nghị các cấp, ngành cần tiếp tục rà soát, bổ sung cập nhật cho hoàn chỉnh, thực hiện phương án một cách nghiêm túc khi có bão mạnh đe dọa, bao gồm các công việc trước, trong và sau bão. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn để người dân có hiểu biết về khí tượng, kỹ năng phòng, chống bão. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác phòng, chống thiên tai nói chung, bão nói riêng, như vậy sẽ hạn chế được nhiều các thiệt hại do thiên tai gây ra.


- Xin cảm ơn ông!


V.Lạc (Thực hiện)