11:11, 28/11/2017

NSND Trịnh Thúy Mùi - "Nữ tướng làng chèo"

Chuyện trò với NSND Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, tôi mới thấu hiểu vì sao nhiều người gọi chị là "Nữ tướng làng chèo". Ở chị luôn toát ra lòng nhiệt huyết với nghề, luôn đầy ý tưởng sáng tạo…

Chuyện trò với NSND Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, tôi mới thấu hiểu vì sao nhiều người gọi chị là “Nữ tướng làng chèo”. Ở chị luôn toát ra lòng nhiệt huyết với nghề, luôn đầy ý tưởng sáng tạo…


Từng xem NSND Trịnh Thúy Mùi (sinh năm 1963) biểu diễn trên truyền hình, nhưng phải đến khi chị vào Nha Trang làm giám khảo Hội thi Tài năng trẻ các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc 2017, tôi mới có duyên gặp gỡ.

 

Từ một nghệ sĩ tài năng


Sinh ra ở một trong những nôi chèo của miền Bắc (xã Khánh Mậu, Yên Khánh, Ninh Bình), từ nhỏ cô bé Thúy Mùi đã được sống trong những đêm chèo náo nức sân đình. Xem rồi thuộc nhiều tích truyện, những lúc rảnh rỗi chị lại tự ngồi hát chèo một mình, rồi mê đắm từ lúc nào không hay. Sau thời gian học nghề ở Ninh Bình, đầu thập niên 80, Thúy Mùi đầu quân về Nhà hát Chèo Hà Nội. Thời ấy, vở chèo Nàng Sita của nhà hát đã tạo nên một cơn sốt trong làng sân khấu xứ Bắc. Tuy nhiên, ít người biết để có một nàng Sita hút hồn trên sân khấu, ngoài nét đẹp thiên phú, tài diễn xuất của nghệ sĩ Lâm Bằng, còn nhờ giọng hát của Thúy Mùi từ trong cánh gà đắp vào. Màn kết hợp “2 trong 1” của đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã tạo nên một Nàng Sita để đời.


Không chỉ có giọng hát trời cho, nghệ sĩ Thúy Mùi còn có tài năng diễn xuất. Trong nghiệp diễn của mình, chị đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với những vai như: nguyên phi Ỷ Lan trong vở Lý Thường Kiệt, nàng Mai trong Người thiên đô, mẹ Đốp trong Quan âm Thị Kính… Không chỉ hợp với vai đào thương, nét duyên ngầm và sự thông minh còn giúp chị thành công với những vai hài mà vai diễn Bà già ra phố - huy chương vàng liên hoan sân khấu chèo toàn quốc 2011 là một minh chứng.

 

NSND Thúy Mùi nói chuyện về chèo

NSND Thúy Mùi nói chuyện về chèo


 

… đến một lãnh đạo năng động, tâm huyết


Đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, nghệ sĩ Thúy Mùi mạnh dạn đầu tư những vở diễn tiền tỷ gây được tiếng vang lớn như: Oan khuất một thời, Vương nữ Mê Linh, gần đây nhất là Long thành diễn xướng. Trong đó, Vương nữ Mê Linh do chị đạo diễn đã khắc họa thành công hình tượng 2 nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị. Vở diễn đã giành huy chương vàng cùng giải đạo diễn xuất sắc trong Liên hoan chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013. Nhắc đến những vở diễn táo bạo này, NSND Thúy Mùi bày tỏ: “Ngày nay khán giả đã khác. Sân khấu chèo không phải là thể  giản đơn như tấm chiếu chèo trải giữa sân đình mà phải là thánh đường, đủ sức tái hiện tinh tế và hoành tráng những câu chuyện xưa, nay”. Với tâm thế đó, bên cạnh việc rèn các mảng miếng biểu diễn cho diễn viên, NSND Thúy Mùi còn rất chú trọng đầu tư bối cảnh, phục trang cho đến những màn múa minh họa. Nhờ đó, những vở chèo do Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng đã rất hút khán giả.


Táo bạo với nghề và sáng tạo, đó là điều mà đồng nghiệp luôn trân trọng ở nghệ sĩ Thúy Mùi. Một trong những ý tưởng mà chị đã thực hiện rất thành công đó là kết hợp giữa chèo, hát chầu văn, hát xẩm, múa rối nước để cho ra chương trình Long thành diễn xướng phục vụ khách du lịch. Mới đây, Nhà hát Chèo Hà Nội mạnh dạn làm mới chương trình Sân khấu học đường. Vẫn là giới thiệu chèo với học sinh, nhưng tùy theo lứa tuổi chị đã cho lồng những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết vào trong các làn điệu chèo… “Lứa khán giả yêu chèo ngày xưa nay cũng đã 70 - 80 tuổi. Muốn chèo sống dài lâu phải xây dựng thế hệ khán giả mới, gắn bó với chèo. Phải cho các em xem chèo từ nhỏ thì mới hy vọng các em yêu chèo”, NSND Thúy Mùi bày tỏ.


Giữa thời buổi nghệ thuật truyền thống bị mất giá, dưới bàn tay lèo lái của nghệ sĩ Thúy Mùi, Nhà hát Chèo Hà Nội vẫn “sống khỏe”. Ngoài 2 rạp là Đại Nam trên phố Huế và rạp trên đường Nguyễn Đình Chiểu thường xuyên sáng đèn, chị còn đưa các nghệ sĩ của nhà hát đi lưu diễn nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Không chỉ những thành phố lớn, đoàn còn đi diễn cả những trại giam ở miền núi Tây Bắc, tới mũi Cà Mau. Chị cho biết ý tưởng đem chèo giới thiệu với khán giả Nha Trang cũng nằm trong dự định của chị.


Suốt cuộc nói chuyện, chị không nói nhiều về mình, thay vào đó chị kể những ý tưởng mới về chèo, chuyện khôi phục khán giả cho nghệ thuật truyền thống. Chia tay người nghệ sĩ tài hoa xứ Bắc, lòng cứ suy nghĩ, nếu nhà hát nào cũng có những người lãnh đạo tài năng,  tâm huyết với nghề như vậy thì nghệ thuật truyền thống sẽ không phải gặp cảnh chợ chiều như bây giờ.


XUÂN THÀNH