12:08, 19/08/2014

Phim đề tài về Cách mạng Tháng Tám: Vẫn còn quá ít

Hơn 60 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã có hàng ngàn phim tài liệu và phim truyện được sản xuất, với đa dạng đề tài, chủ đề. Nhưng điểm lại, cả phim tài liệu và phim truyện điện ảnh, đề tài về Quốc khánh 2-9-1945 và Cách mạng Tháng Tám 1945 gần như chỉ đếm trên đầu bàn tay, tính cả phim nước ngoài làm và phim truyền hình.

Hơn 60 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã có hàng ngàn phim tài liệu và phim truyện được sản xuất, với đa dạng đề tài, chủ đề. Nhưng điểm lại, cả phim tài liệu và phim truyện điện ảnh, đề tài về Quốc khánh 2-9-1945 và Cách mạng Tháng Tám 1945 gần như chỉ đếm trên đầu bàn tay, tính cả phim nước ngoài làm và phim truyền hình.


Những bộ phim tài liệu quý, hiếm và bí ẩn


30 năm sau, tính từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bộ phim “Ngày Độc lập 2-9-1945” do Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Kỳ Nam đạo diễn mới được sản xuất và công chiếu, trong đó có 5 phút phim tư liệu quý và bí ẩn. Đến tận hôm nay vẫn không biết ai là tác giả của đoạn phim đó.


Theo lời kể của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, trong chuyến sang Pháp năm 1974, để thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh (phim “Những ngày Bác Hồ ở Tây Âu”), một sáng, tại Paris, ông nhận điện thoại từ vị khách lạ hẹn gặp, để chuyển một món quà quý cho điện ảnh Việt Nam (ĐAVN). Ông tới nơi hẹn và được một Việt kiều trao chiếc hộp nhỏ đựng đoạn phim quý giá đó. Khi hỏi vị khách về tác giả của đoạn phim, đạo diễn nhận được câu trả lời: “Tôi không biết gì hơn, vì không phải là người quay. Chỉ biết những đoạn phim đó có ích cho các ông và tôi đã trao tận tay ông, vì tôi rất yêu mến đất nước, nhân dân Việt Nam”.

 

 Đội quân du kích ở các chiến khu tiến về Hà Nội ngày 30-8-1945.
Đội quân du kích ở các chiến khu tiến về Hà Nội


Với điện ảnh tài liệu Việt Nam, đây là những thước phim vô giá, vì những cảnh quay năm ấy đã không thể có được do ông chủ hiệu ảnh Hương Ký - người được Ban tổ chức Lễ Độc lập 1945 giao nhiệm vụ ghi hình - đã trả lời việc ghi hình thất bại bởi nhiều lý do cũng khá mơ hồ. 5 phút phim đen trắng ghi lại hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài “Diệt phát xít” vang động quảng trường...


Một trường hợp khác. Vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9-2005, thì người Hà Nội mới được xem lại những thước phim tư liệu từ 60 năm trước, về ngày 1-1-1955 - phim “Ngày lịch sử” của đạo diễn Nga Vladimir Echourine. Phim có nhiều hình ảnh tư liệu về Hà Nội đỏ rực cờ hoa, cổng chào, biểu ngữ, hàng chục vạn người dân như nước chảy đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử, đón chào Chính phủ kháng chiến trở về ra mắt quần chúng thủ đô và quốc dân đồng bào cả nước.


Tiến sĩ Trần Hoàng - nguyên Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ Việt Nam - là người phát hiện bản gốc phim được lưu trữ tại Viện Lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga ở TP. Krasnorsk. Ông đã xem và giúp Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội mua với giá 5.000USD, được quyền sử dụng phim không hạn chế số lần phát sóng. Bộ phim này do Xưởng phim Tài liệu Trung ương Mátxcơva sản xuất năm 1955. Điều thú vị ở bộ phim là ngoài các nhà làm phim Nga: Đạo diễn Vladimir Echourine, nhà quay phim - kỹ sư thu thanh Cotov, âm nhạc do nhạc sĩ Ivanov biên soạn theo các bản nhạc Việt Nam, còn có sự tham gia của ĐAVN với 3 nhà quay phim Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Phan Nghiêm và nhà văn Nguyễn Đình Thi - người viết và đọc lời bình.


Vào năm 2010, Hãng phim truyền hình TFS (TP. Hồ Chí Minh) mới sản xuất phim tài liệu “Quốc kỳ Việt Nam” (đạo diễn Phạm Tô Hoàng), tái hiện lịch sử ra đời của lá cờ đỏ sao vàng. Năm 2011, Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự của VTV sản xuất phim “Tết độc lập”, đạo diễn Nguyễn Quốc Khánh...


Năm 2012, công chúng Việt Nam qua VTV được xem thêm phim tài liệu điện ảnh “Lời khát vọng dân tộc” cũng của đạo diễn Nga Vladimir Echourine. Phim khắc họa lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với những bản Tuyên ngôn độc lập từ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đến “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và đặc biệt, khắc ghi hình ảnh bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945, thể hiện khát vọng độc lập của người Việt Nam từ nghìn xưa cho đến nghìn sau.


“Sao Tháng Tám” giữ kỷ lục đến khi nào?


Danh mục phim truyện điện ảnh của 60 năm ĐAVN có lẽ chỉ duy nhất “Sao Tháng Tám” (đạo diễn Trần Đắc) là làm về đề tài Cách mạng Tháng Tám, sản xuất năm 1976 và kể từ đó đến nay chưa thấy phim nào cùng đề tài. “Sao Tháng Tám” lấy bối cảnh những ngày sôi sục trước Cách mạng Tháng Tám, giữa lúc nạn đói khủng khiếp Ất Dậu 1945 đang lan tràn khắp nơi.


Nhưng kể từ đó đến nay, qua gần 38 năm kể từ khi phim được sản xuất, ngoại trừ phim truyện điện ảnh “Hà Nội, mùa đông năm 1946” (đạo diễn Đặng Nhật Minh, sản xuất năm 1996), “đi qua” sự kiện Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945, chủ yếu nói về một giai đoạn chông gai trong lịch sử Việt Nam, vào mùa đông Hà Nội năm 1946 khi Nhà nước Việt Nam non trẻ đang phải đối đầu với cuộc xâm lược mới của giặc Pháp đang lăm le trở lại Đông Dương, thì ĐAVN không có thêm một phim truyện điện ảnh nào về đề tài này.


P.V (Tổng hợp)