09:09, 18/09/2017

Nhiều biện pháp gia tăng độ che phủ rừng

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là phấn đấu độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt từ 47,5% trở lên. Để thực hiện mục tiêu này, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp nhằm gia tăng độ che phủ rừng.

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là phấn đấu độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt từ 47,5% trở lên. Để thực hiện mục tiêu này, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp nhằm gia tăng độ che phủ rừng.


Theo kết quả kiểm kê rừng đã được UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt cuối năm 2016, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 46%; nếu không tính địa bàn huyện Trường Sa thì độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 51%, cao hơn so với trung bình cả nước. Các địa phương có tỷ lệ độ che phủ rừng cao như: Khánh Vĩnh 77,9%, Khánh Sơn 62,3%, Vạn Ninh 51,6%, Cam Lâm 47,3%.

 

Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho hay: “Qua kiểm kê rừng trong năm 2016, tỷ lệ che phủ rừng của huyện Khánh Vĩnh đạt 77,9%, tăng 2,9% so với năm 2015, cao nhất trong số các địa phương trên địa bàn tỉnh. Có được kết quả này là nhờ công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn ngày càng tốt hơn”. Theo ông Hóa, Khánh Vĩnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, với nhiều loại gỗ quý; rừng lại nằm sát các tuyến đường giao thông, vì vậy lâm tặc luôn tìm cách khai thác trái phép. Một thời gian dài, Khánh Vĩnh là điểm nóng về nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh, nhưng nhờ Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường lực lượng kiểm lâm cơ động tỉnh chốt chặn ở dốc A Meo; lực lượng của Hạt Kiểm lâm, chủ rừng thường xuyên tuần tra, truy quét sâu vào rừng, các chốt bảo vệ rừng được xây dựng, đặt cố định tại các điểm nóng về phá rừng nên rừng ở thượng nguồn Khánh Thượng, Sơn Thái, Khánh Phú… ngày càng được bảo vệ tốt hơn. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, tính đến hết tháng 8, trên địa bàn tỉnh chỉ phát hiện 238 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 97 vụ so với cùng kỳ năm trước.


Ông Bùi Đức Luyến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cũng cho biết: “Thời gian qua, Khánh Sơn đã đẩy mạnh và thực hiện khá tốt công tác bảo vệ rừng, nhất là phòng, chống cháy rừng. Bên cạnh đó, công tác phát triển rừng, nhất là trồng rừng sản xuất được người dân chú trọng nên đã giúp tăng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện lên 62,3%”. Được biết, để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng, lực lượng chức năng huyện Khánh Sơn đã rà soát, cập nhật hàng chục khu vực có nguy cơ cháy cao để chủ động phương án ứng phó trong mùa khô; cập nhật liên tục cấp dự báo cháy rừng. Trên cơ sở đó, phối hợp với các ngành chức năng, địa phương, đơn vị chủ rừng để chủ động  phòng, chống cháy rừng; tổ chức ứng trực 24/24 giờ; các đơn vị chủ rừng tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác nghiêm ngặt; quản lý chặt việc dùng lửa ở trong rừng, ven rừng, sử dụng lửa để đốt nương rẫy của nhân dân… Nhờ đó, nhiều năm liền trên địa bàn huyện không mất rừng do cháy.

 

Một góc rừng Khánh Vĩnh

Một góc rừng Khánh Vĩnh

 

Hiện nay, tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp và đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng là 322.205,84ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 240.235,67ha, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp chưa có rừng 78.614,71ha, diện tích đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng là 3.355,46ha. Tổng trữ lượng gỗ toàn tỉnh 20.334.909m3, trong đó trữ lượng gỗ từ rừng tự nhiên 16.523.047m3, rừng trồng 3.811.862m3

Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nhận định: Có nhiều nguyên nhân giúp độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh tăng trong thời gian gần đây. Trong đó phải kể đến chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ, nhờ không khai thác rừng nên nhiều cánh rừng được giữ nguyên. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng, chống nạn khai thác rừng trái phép được đẩy mạnh nên nhiều điểm nóng về khai thác rừng trái phép đã hạ nhiệt, rừng được bảo vệ từ gốc. Một nguyên nhân quan trọng khác là hiệu quả từ rừng sản xuất mang lại cho người dân ngày một cao nên ở nhiều địa phương, diện tích rừng sản xuất ngày một tăng, nhiều khu vực có độ dốc cao đã được người dân trồng keo, nhờ vậy độ che phủ rừng tăng lên; cùng với đó, việc trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên của các chủ rừng cũng được chú trọng. Chẳng hạn như ở huyện Khánh Vĩnh, nếu như năm 2010, toàn huyện chỉ có 2.000ha, đến năm 2015 có 3.000ha, thì hiện nay, diện tích cây keo của người dân đã lên đến hơn 4.000ha. Trong khi đó, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, diện tích keo trên địa bàn huyện cũng tăng nhanh trong những năm gần đây, đến nay toàn huyện đã có hơn 4.700ha. Tính chung toàn tỉnh có hơn 83.800ha rừng sản xuất của các chủ rừng nhà nước, doanh nghiệp và hộ gia đình.


Để giữ vững và tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm tập trung thực hiện tốt nhiều biện pháp; trong đó, quyết liệt chống nạn lấn chiếm đất rừng, phát đốt rừng làm nương rẫy, nhất là ở các huyện miền núi; ngăn chặn nạn phá rừng, đồng thời đẩy mạnh công tác chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng.


BÍCH LA