09:06, 24/06/2018

Theo đuổi ước mơ giảng dạy

Không chỉ yêu nghề, mê sáng tạo, cô Lê Thị Phượng - giảng viên Khoa Y học lâm sàng, Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa còn "truyền lửa" đam mê cho những người khác vượt qua áp lực của bản thân để gắn bó với nghề...

Không chỉ yêu nghề, mê sáng tạo, cô Lê Thị Phượng - giảng viên Khoa Y học lâm sàng, Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa còn “truyền lửa” đam mê cho những người khác vượt qua áp lực của bản thân để gắn bó với nghề...


Từ ước mơ đến sáng tạo


Từ nhỏ, cô Phượng đã mơ ước được làm giáo viên tiểu học. Nhưng học hết lớp 12, cô đành theo ý gia đình, đăng ký thi vào Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa. Năm học đầu tiên, cô bị khủng hoảng bởi sáng đi lâm sàng tại bệnh viện, chiều học ở trường, tối về “cày” bài. Nhưng nghĩ tới mong mỏi của cha mẹ, cô lại tự động viên mình cố gắng. Ngày ngày, cô chăm chỉ đạp xe từ Diên Khánh tới trường học. Và nỗ lực đó được đền đáp khi cô được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Niềm vui quá lớn bởi tuy không theo học sư phạm, cuối cùng, cô vẫn được đứng trên bục giảng, cho dù công việc của giảng viên ngành Y bận rộn hơn nhiều.  “Lần đầu tiên đỡ trọn ca sinh thường cho một bà mẹ sinh con 5kg, lúc nâng em bé trên tay, nghe tiếng khóc oa oa chào đời, tôi trào nước mắt, vui mừng vì đã làm trọn được một ca sinh, và còn vì thấy thương mẹ đã vất vả mang nặng đẻ đau mấy chị em”, cô Phượng nhớ lại.

 

Cô Phượng (bìa phải) hướng dẫn sinh viên tại phòng thực hành tiền lâm sàng.

Cô Phượng (bìa phải) hướng dẫn sinh viên tại phòng thực hành tiền lâm sàng.


Vì vậy, cô Phượng càng yêu nghề. Để thêm tự tin, khi con tròn 21 tháng tuổi, được gia đình ủng hộ, cô học liên thông 3 năm tại Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tranh thủ học tiếp 2 chứng chỉ về phết tế bào âm đạo và soi cổ tử cung. Tốt nghiệp năm 2013, cô Phượng về lại trường, vừa làm, vừa không ngừng tìm tòi, phát huy sáng kiến. 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trong 3 năm liên tiếp đã minh chứng cho sự say mê nghề nghiệp của cô Phượng. Năm 2014 - 2015, đề tài kiến thức, thái độ, thực hành đúng về việc nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ sau sinh tại Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được trường nghiệm thu. Đề tài kiến thức, thực hành đúng về phương pháp da kề da và việc nuôi con bằng sữa mẹ sớm của các bà mẹ sau sinh tại Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trường nghiệm thu tháng 7-2016. Năm 2017, đề tài kiến thức, thái độ thực hành đúng về chăm sóc trước sinh của các thai phụ đến khám thai tại Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng được nghiệm thu. Ngoài ra, mấy năm qua, cô còn sáng kiến ra mô hình các bộ phận cơ thể từ quả bóp cao su và mút xốp, vải mềm, góp phần tiết kiệm kinh phí đáng kể cho nhà trường. Sản phẩm tự tạo có độ bền hơn hẳn những mô hình mới, trung bình sử dụng được 2 năm với nhiều lượt sinh viên thực hành, trong khi mô hình mua chỉ dùng được hơn chục lần đã hỏng. Mô hình tự tạo này được ứng dụng trong giảng dạy kỹ thuật tại phòng thực hành tiền lâm sàng bộ môn Sản của trường. Năm học 2017 - 2018, sáng kiến này được cô chính thức đăng ký phấn đấu danh hiệu chiến sĩ thi đua.


Truyền lửa đam mê

 

Cô Lê Thị Hạnh - Trưởng bộ môn Sản phụ khoa, khoa Y học lâm sàng của trường nhận xét, cô Phượng là giáo viên trẻ nhưng chuyên môn vững, nhiệt huyết, yêu nghề, luôn tìm tòi, năng nổ, hòa đồng, gần gũi với đồng nghiệp. 

Không chỉ yêu nghề, mê sáng tạo, cô Phượng còn “truyền lửa” đam mê cho những người khác, như trường hợp sinh viên Nguyễn Thị Liền (lớp Hộ sinh K12). Là giáo viên chủ nhiệm, biết Liền nghỉ học vì gia đình quá khó khăn, cô Phượng tìm về nhà Liền ở Cam Ranh, tìm hiểu, vận động gia đình đồng ý cho em đi học lại, đồng thời liên hệ các nơi, xin được cho em một chỗ làm bán thời gian để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, học tập tiếp. “Bây giờ, Liền đã ra trường và làm hộ sinh ở Cam Ranh. Mỗi khi đến ngày 20-11, Liền lại gọi điện hỏi thăm cô, vui lắm!”, cô Phượng cho biết.


Có trường hợp một sinh viên đột nhiên nghỉ bởi không chịu nổi áp lực ngành học mà em đăng ký theo ý nguyện gia đình. Để thuyết phục học trò, cô Phượng không ngần ngại bộc bạch chuyện học của chính mình năm xưa để đồng cảm, và đề xuất phụ đạo em ngoài giờ miễn phí. Việc làm của cô đã tiếp thêm nghị lực cho sinh viên này nỗ lực học tập.


Được biết, từ năm học 2014 - 2015 đến nay, cô Phượng 3 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Năm 2017, cô được nhận bằng khen của UBND tỉnh về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác giáo dục. Với giải nhất tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh năm 2017, hiện nay, cô chuẩn bị tham gia hội giảng cấp quốc gia vào tháng 9 tới.


TIỂU MAI