09:12, 10/12/2017

Lao động "nhảy việc": Doanh nghiệp lo lắng

Những năm gần đây, tình trạng người lao động "nhảy việc" diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp phải liên tục tuyển dụng rồi đào tạo lại nguồn lao động mới để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Những năm gần đây, tình trạng người lao động (NLĐ) “nhảy việc” diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp (DN) phải liên tục tuyển dụng rồi đào tạo lại nguồn lao động mới để đáp ứng yêu cầu sản xuất.


Tuy đã làm việc ở Công ty TNHH Rapexco Đại Nam Chi nhánh Suối Dầu hơn 18 năm với mức lương 5 triệu đồng/tháng, nhưng chị Phạm Thị Kim Hảo (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) quyết định nghỉ việc và xin vào làm phụ bếp tại Khu nghỉ dưỡng Duyên Hà Resort Cam Ranh (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Chị Hảo chia sẻ: “Làm ở đơn vị mới có xe đưa đón, đảm bảo các chế độ, quyền lợi, môi trường làm việc an toàn, lương lại cao hơn. Đặc biệt, làm ở đây không phải chịu áp lực về công việc, chạy đua với dây chuyền sản xuất, sản phẩm. Chế độ ăn ca đảm bảo chất lượng”.

 

Anh Hoàng Văn Tĩnh (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) cho biết: “Tôi làm ở Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam (Khu công nghiệp Suối Dầu) được 4 năm, lương 4 triệu đồng/tháng, công việc áp lực. Sau đó, tôi chuyển sang làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng An Phong, mỗi ngày được hơn 400.000 đồng, được bao cơm trưa. Mỗi tháng thu nhập của tôi cũng được hơn 10 triệu đồng, đảm bảo cuộc sống hơn”.

 

Hiện nay, môi trường làm việc và thu nhập thấp khiến người lao động thường “nhảy việc”
Hiện nay, môi trường làm việc và thu nhập thấp khiến người lao động thường “nhảy việc”

 

Tình trạng NLĐ chuyển việc đã khiến cho không ít DN lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”, bởi đơn hàng nhiều mà lao động thì không tuyển dụng được. Đại diện Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận (Khu công nghiệp Suối Dầu) cho biết, sản phẩm của đơn vị chủ yếu xuất khẩu sang nước ngoài nên yêu cầu về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng rất khắt khe. Đơn vị đã đưa ra chính sách thu hút nguồn lao động làm việc ổn định như: hỗ trợ xe đưa đón, ăn ca, thưởng quý, trả tiền lương trung bình hơn 4 triệu đồng/người/tháng... nhưng tình trạng công nhân “nhảy việc” vẫn diễn ra thường xuyên. Trung bình mỗi tháng, đơn vị có từ 50 đến 70 NLĐ nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau. Đơn vị phải thường xuyên tuyển dụng lao động rồi lại đào tạo lại nghề cho họ để bù số lao động thiếu hụt.


Lãnh đạo Công ty TNHH Komega-X chuyên về may mặc xuất khẩu cho biết, mỗi tháng, đơn vị có 20 đến 30 NLĐ xin nghỉ việc. Do đó, bộ phận nhân sự phải thường xuyên liên hệ với các trường nghề, đơn vị cung cấp nhân lực để tuyển dụng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Sau khi tuyển dụng, đơn vị phải mất gần 1 tháng đào tạo tay nghề cho NLĐ rồi mới bố trí vào dây chuyền sản xuất. NLĐ xin nghỉ việc, đơn vị chỉ vận động, thuyết phục chứ không thể ép buộc họ được. Có nhiều NLĐ tuyển vào đào tạo tay nghề thành thạo, làm việc được vài tháng lại xin nghỉ. Tình trạng NLĐ chuyển việc làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của đơn vị.


Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, NLĐ dịch chuyển nơi làm việc diễn ra khoảng 5 năm trở lại đây. Tình trạng này là một tất yếu của thị trường lao động và thường xảy ra ở những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, may mặc, song mây. Trung bình mỗi tháng, các DN này có từ 20 đến 70 NLĐ nghỉ việc để đi làm nơi khác, thường là sang lĩnh vực dịch vụ, du lịch.


Bà Trịnh Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mức lương từ 2 đến 4 triệu đồng, công việc nhiều áp lực, dễ bị bệnh nghề nghiệp nên NLĐ chuyển công việc là điều tất yếu. Để NLĐ gắn bó lâu dài, các DN cần có những chế độ chăm lo, bảo đảm quyền lợi, xây dựng môi trường lao động an toàn, đặc biệt phải nâng cao thu nhập để NLĐ đảm bảo cuộc sống. Các DN cần có chiến lược dài hạn trong quản lý nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi thì mới giữ chân NLĐ.


PHÚ VINH