04:09, 19/09/2017

Xây dựng đội ngũ cán bộ hội phụ nữ các cấp: Nhiều giải pháp

Trên cơ sở đánh giá kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ hội phụ nữ các cấp, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay và định hướng đến năm 2030.

 

Trên cơ sở đánh giá kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ hội phụ nữ các cấp, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay và định hướng đến năm 2030.


Củng cố tổ chức hội


Nhìn chung, đội ngũ cán bộ chuyên trách hội cấp tỉnh, huyện và cơ sở tuổi đời còn trẻ, có đạo đức, năng lực, trình độ và năng động trong nhiệm vụ được giao. Để chuẩn hóa và tạo nguồn cán bộ nữ cho địa phương, các cấp hội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy tạo điều kiện để chị em được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực quản lý đáp ứng chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cán bộ và chuyên viên trong cơ quan Hội LHPN tỉnh được phân công nhiệm vụ cụ thể, được luân chuyển giữa các ban và văn phòng nhằm nâng cao năng lực công tác chuyên môn và chất lượng hiệu quả công tác tham mưu cho Ban Thường vụ.

 

Cùng với sự phát triển của xã hội, yêu cầu nhiệm vụ và sự đa dạng các loại hình hoạt động của phụ nữ, bộ máy tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố và hoàn chỉnh. Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã thực hiện chuyển đổi mô hình Ban Công tác Phụ nữ Công an tỉnh thành Hội Phụ nữ Công an tỉnh, thành lập 4 đơn vị tổ chức hội gồm: Hội Phụ nữ cơ quan chuyên trách Hội LHPN tỉnh, Hội Phụ nữ Công ty Yến sào, Đoàn Luật sư tỉnh và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 đơn vị hội cấp huyện và 6 đơn vị trực thuộc; 172 cơ sở hội với 1.034 chi hội, 2.977 tổ, 7.318 cán bộ chi tổ, 46.901 hội viên nòng cốt.

 

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại huyện Cam Lâm

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại huyện Cam Lâm

 

Một số khó khăn, vướng mắc


Theo bà Lê Minh Hiền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ hội phụ nữ các cấp. Đối với cơ quan chuyên trách hội cấp tỉnh và huyện, biên chế được giao ít nên rất khó khăn trong bố trí, sắp xếp bộ máy làm việc, đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển. Việc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ chuyên trách hội mới chỉ dừng lại ở hệ tại chức trong tỉnh và hệ đào tạo tập trung Cao cấp Chính trị - Hành chính tại Đà Nẵng; các loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác chưa bố trí tham gia được. Với đặc thù 100% là nữ, nhiều chị em đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ nên có ảnh hưởng đến việc bố trí, sắp xếp thời gian tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn về trình độ và đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hàng năm. Một số cán bộ hội còn hạn chế về kỹ năng lãnh đạo, điều hành, kỹ năng vận động quần chúng; năng lực chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện ở một số nơi còn hạn chế, thiếu chủ động, sáng tạo, còn dàn trải, thiếu các giải pháp cụ thể, phù hợp.


Đối với cơ quan chuyên trách hội cấp cơ sở, công việc ở cấp hội cơ sở nhiều, số hội viên đông nhưng chỉ có chủ tịch hội là cán bộ chuyên trách hưởng lương trong khi kinh phí hoạt động ở một số cơ sở hội còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thực sự thu hút nhân tài. Phó chủ tịch hội chỉ được hưởng sinh hoạt phí và chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn kế cận để thay thế khi chủ tịch hội nghỉ hưu hoặc được điều động vị trí công tác khác. Đặc biệt là chưa có chế độ, chính sách cụ thể đối với chị em vùng dân tộc thiểu số trong đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn, do vậy, chỉ tiêu nghị quyết về đạt chuẩn đối với hội cơ sở đến cuối nhiệm kỳ thường không đạt do tình trạng thiếu hụt cán bộ.


Đề xuất các giải pháp


Để xây dựng đội ngũ cán bộ hội và cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay và định hướng đến năm 2030, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh đề xuất các giải pháp: bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương Hội và Tỉnh ủy trong công tác cán bộ, kịp thời phát hiện bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng để có nguồn cán bộ hội kế thừa cho những năm tiếp theo. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ hội các cấp trong tham mưu công tác cán bộ, đặc biệt là trách nhiệm của hội phụ nữ trong phát hiện, giới thiệu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nói chung và cán bộ hội nói riêng.


Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách cho cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đề xuất các chỉ tiêu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và HĐND các cấp; chủ động giới thiệu cho Đảng cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm, tham gia ứng cử vào cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026... Chủ động, phối hợp với các ban, ngành liên quan thu thập, thống kê, tổng hợp số liệu về đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để có sự tham mưu kịp thời và thực hiện, kiểm tra, giám sát luật pháp, chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ. Thường xuyên thực hiện luân chuyển cán bộ trong cơ quan chuyên trách hội để tăng cường rèn luyện, bồi dưỡng trình độ và năng lực cán bộ từ thực tiễn công tác...


NAM DU