05:01, 18/01/2017

Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Tuy chỉ mới hoạt động chưa đầy 2 tháng, song Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa đã thực sự trở thành điểm tựa cho ngư dân các tỉnh, thành đánh bắt hải sản xa bờ an tâm bám biển.

Tuy chỉ mới hoạt động chưa đầy 2 tháng, song Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật (DVHC-KT) đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa đã thực sự trở thành điểm tựa cho ngư dân các tỉnh, thành đánh bắt hải sản xa bờ an tâm bám biển.


Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện - Chỉ huy trưởng Trung tâm DVHC-KT đảo Sinh Tồn cho biết: “Cuối tháng 11-2016, đơn vị Hải đoàn 129 - Công ty TNHH MTV Hải sản Trường Sa có trụ sở tại Vũng Tàu được giao quản lý, điều hành âu tàu và Trung tâm DVHC-KT. Đơn vị có chức năng quản lý, vận hành và cung cấp các DVHC-KT cho các loại tàu trong và ngoài quân đội, nhất là các tàu cá của ngư dân các tỉnh, thành đang hoạt động đánh bắt xa bờ ở Trường Sa”.

 

Âu tàu và Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn, Trường Sa
Âu tàu và Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn, Trường Sa


Về dịch vụ hậu cần, trung tâm cung cấp các nhu yếu phẩm, nguyên liệu cho các tàu cá của ngư dân với giá bằng với đất liền. Không chỉ vậy, các tàu cá khi thiếu nước ngọt sử dụng sẽ được trung tâm cấp miễn phí. Về dịch vụ kỹ thuật, trung tâm hiện có đủ lực lượng cán bộ, kỹ sư lành nghề, khi tàu cá ngư dân bị hư hỏng vào âu sẽ được kiểm tra, sửa chữa hoàn toàn miễn phí; trừ trường hợp tàu bị hư hỏng nặng, phải thay các thiết bị thì giá bán các thiết bị cũng bằng với ở đất liền. “Tuy mới hoạt động gần 2 tháng nhưng trung tâm đã đón 7 lượt tàu cá của ngư dân vào âu, đồng thời sửa chữa 2 tàu cá bị nạn trên biển”, Thiếu tá Thiện nói   


Với diện tích lớn, luồng vào rộng, đặc biệt có đầy đủ các DVHC-KT, âu tàu đảo Sinh Tồn là điểm tựa cho ngư dân an tâm bám biển, tránh trú bão trong những chuyến biển đánh bắt xa bờ ở quần đảo Trường Sa. Mới đây, vào lúc 6 giờ ngày 22-12-2016, tàu cá mang số hiệu BĐ 95662 TS do ông Lê Công Chương (trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng, khi đang trên đường ra vùng biển Trường Sa (cách bờ khoảng 200 hải lý) đánh bắt thủy sản thì bị hỏng trục các - đăng, mất khả năng di chuyển, trôi dạt trên biển. Sau sự cố, tàu phát tín hiệu về cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4  tại Nha Trang. Đến 17 giờ cùng ngày, có 3 tàu cá của tỉnh Bình Định đến cứu hộ và được hướng dẫn lai dắt tàu bị nạn vào âu tàu đảo Sinh Tồn để sửa chữa. Tại đây, tàu cá đã được các cán bộ trung tâm kiểm tra, đến rạng sáng 24-12 sửa chữa xong để tiếp tục vươn khơi.

 

Âu tàu đảo Sinh Tồn có diện tích 3,6ha, luồng đi vào âu có chiều dài 150m, rộng 55m, độ sâu trung bình 4,5m, có thể đón từ 70 đến 100 tàu cá các loại có trọng tải khoảng 1.000 tấn vào âu tránh bão. Xung quanh âu tàu có hệ thống đèn điện công suất lớn, hệ thống tiêu chập (trục tiêu tín hiệu dẫn luồng cho tàu vào) chiếu sáng liên tục, đảm bảo cho các tàu cá vào âu mọi thời điểm một cách an toàn.

Bên cạnh việc sửa chữa tàu cá bị hỏng, Trung tâm DVHC-KT đảo Sinh Tồn còn cấp miễn phí hàng ngàn lít nước ngọt cho các tàu của ngư dân. Gần đây nhất, vào ngày 30-12-2016, thời điểm cơn bão số 10 Nock-ten tiến vào khu vực Biển Đông, tàu cá mang số hiệu QNg 95018 TS do ông Trần Minh Thành (quê Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng di chuyển vào âu tàu tránh bão thì bị hư máy bơm nước biển. Tại đây, cán bộ trung tâm đã kiểm tra, sửa chữa và cấp hơn 500 lít nước ngọt cho tàu.


Trung tá Lương Quốc Anh - Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn cho biết: “Trước đây, khi gặp bão hoặc tàu bị hư hỏng, ngư dân phải di chuyển đoạn đường khá xa tránh trú hoặc chờ tàu cứu hộ lai dắt về đất liền, rất nguy hiểm và tốn kém. Còn hiện nay, ngoài Trung tâm DVHC-KT đảo Sinh Tồn, các tàu cá của ngư dân có thể vào Trung tâm DVHC-KT đảo Đá Tây để tránh bão, sửa chữa tàu, tiếp nhiên liệu, nước ngọt… rất thuận tiện. Các trung tâm hậu cần nghề cá ở Trường Sa là chỗ dựa để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng vùng biển, đảo của Tổ quốc.”


AN NHIÊN