Những người xuất thân từ nơi ấy đều gọi trường cũ của mình là ngôi trường trong ký ức. Thật sự là thế vì bây giờ, ngôi trường chỉ còn trong trí nhớ và trong câu chuyện kể của những người học trò năm xưa.
Đó là ngôi trường Nữ Trung học đầu tiên được thành lập tại Nam Trung Bộ. Năm 1961, trường khai giảng niên học đầu tiên với 17 lớp từ đệ thất đến đệ nhị, tại một dãy nhà tôn nguyên là dãy nhà xe của một trại lính nằm trên đường Lê Văn Duyệt (bây giờ là đường Nguyễn Thiện Thuật). Con gái Nha Trang muốn vào trường phải qua một kỳ thi tuyển khá gay gắt. Từ niên khóa 1964-1965, một ngôi trường mới được xây thêm trên đường Đinh Tiên Hoàng, học trò được học song song ở cả 2 trường nên lại có thêm tên gọi trường mới - trường cũ. Ngôi trường mới là 2 dãy lầu 2 tầng, quét vôi trắng, được nối nhau bằng một dãy hành lang rộng rãi, rất khang trang, nhưng đôi khi các cô học trò vẫn thích học bên trường cũ, có lẽ để dễ thể hiện sự tinh nghịch phá phách của mình, vì văn phòng hành chính và thầy cô giáo phần lớn đều ở bên trường mới.
Trường mới có sau trường cũ mấy năm, được xây trên một bãi đất trống nên lại là sự bắt đầu. Nếu trường cũ đã có sẵn một hàng dương, một khoảnh sân trải sỏi, dù là mưa bùn nắng bụi cũng có sẵn để học trò nô đùa, thì bắt đầu ở trường mới, nhà trường cho trồng những hàng dương liễu trên cái sân cát mênh mông đầy nắng. Những cây dương đầu tiên chỉ mới cao ngang ngực các cô gái nhỏ, thân cây ốm tong bằng ngón tay út. Mỗi ngày, đội trực nhật của các lớp đều dành thời gian tưới cây, dù không nói nhưng có lẽ các cô trò nhỏ ngày ấy cũng mong hàng dương chóng lớn để lấy bóng mát che cho sân trường bớt đi cái nắng gay gắt mỗi ngày.
Các lớp đệ nhất cấp được học bên trường mới, còn các lớp đệ nhị cấp thì qua lại giữa 2 trường mới - cũ. Trường con gái nên các cô tự do thể hiện đặc điểm... “thứ ba học trò” của mình. Những trò chơi, những lần trốn học, những buổi ăn vụng trong lớp, sau này được kể lại như những kỷ niệm rất đẹp của tuổi học trò. Trường cũ có những khung cửa sổ rộng lớn không có chấn song, về sau nghe kể có người đi học trễ sợ thầy cô biết nên không dám vào cửa chính mà đứng nép bên ngoài cửa sổ, đợi lúc thầy cô quay lên bảng thì nhảy qua cửa sổ vào lớp. Ai đó còn khoe thành tích đã từng trèo qua cửa sổ chạy ra chợ Xóm Mới ăn chè rồi quay lại lớp học cũng bằng cánh cửa sổ mà thầy cô không hay biết.
Giờ chào cờ ở Trường Nữ Trung học. (Ảnh: Facebook Nha Trang Ngày xưa) |
Dù tinh nghịch thế nhưng các cô gái Trường Nữ Trung học năm xưa vẫn là những học trò xuất sắc có thể sánh vai cùng học trò của ngôi trường nam láng giềng - Trường Võ Tánh, 2 trường chỉ cách nhau bằng con đường Nguyễn Tri Phương. Năm 1970, Trường Nữ Trung học Nha Trang đã có đủ các lớp từ đệ thất đến đệ nhất các ban A, B, C. Từ đây, các cô gái ban B không còn phải qua Trường Võ Tánh học ké và không biết có phải từ đó mà giữa 2 ngôi trường nam nữ của Nha Trang đã có một sự cạnh tranh ngầm. Trong các kỳ thi Tú tài 1, Tú tài 2, nhiều cô học trò Trường Nữ Trung học đã dành hạng bình, hạng ưu, làm cho con gái Trường Nữ Trung học Nha Trang nổi tiếng ngoan, học giỏi lại có nhiều người đẹp. Điều đó khiến cho các cô Trường Nữ Trung học không khỏi có chút tự hào khi nói về ngôi trường của mình.
Dường như những điều đó đã làm cho tình yêu trường của các cô học trò thêm đậm đà, sâu sắc, học hành hay làm gì cũng đều rất nỗ lực. Cũng năm 1970, nhà trường tổ chức một ngày hội trại, kỷ niệm 10 năm thành lập trường. Đó là một ngày trở thành một sự kiện sôi nổi mà đáng yêu cho người dân Nha Trang. Những con đường vốn vắng vẻ bỗng trở nên sôi động với những tà áo dài trắng đồng phục, các cô gái ngày thường cũng dịu dàng hôm ấy bỗng trở nên mạnh mẽ, khiêng vác đủ thứ về dựng trại trong sân trường. Chợ Xóm Mới ngày ấy cũng rộn ràng hơn vì rất đông các cô gái mặc áo dài đi chợ mua bán, trả giá rôm rả để chuẩn bị thi thố tranh tài nữ công gia chánh. Nhà trường tổ chức một đêm văn nghệ nội bộ nhưng lúc trời vừa chập tối, bốn phía tường rào cao đã đông nghẹt người leo trèo. Cô hiệu trưởng phải cho hủy buổi biểu diễn để bảo vệ an toàn, học trò rất tiếc vì đã chuẩn bị rất kỹ, không nỡ tẩy trang các vai diễn và cứ thế nhìn nhau không ngủ. Nhưng nửa đêm, thầy cô đánh thức học trò và đêm văn nghệ diễn ra đầy hào hứng và thành công xuất sắc. Đó là một kỷ niệm không bao giờ phai trong lòng các cô học trò ngày ấy. Năm 1973, trường có hiệu trưởng mới và có tên mới là Trường Nữ Trung học Huyền Trân.
Thời gian thật là kỳ diệu khi ngôi trường mỗi ngày một đẹp hơn nhờ hàng dương rất mau lớn, thoáng chốc đã che khuất những bức tường màu trắng và những ô cửa sổ màu xanh da trời. Những thế hệ con gái khi vào trường mới là những cô gái nhỏ 12, 13 tuổi tóc vừa chấm vai. Sau 7 năm học, bước qua cổng trường, học trò đã là những cô gái trưởng thành đầy tự tin bay đi khắp phương trời. Do vậy, ít người có dịp về trường, ai còn ở lại Nha Trang thi thoảng đi ngang nhìn vào 2 dãy lầu màu trắng thấp thoáng sau hàng dương xanh để thấy gần gũi yêu thương.
Sau năm 1975, vì yêu cầu thay đổi cho phù hợp với giáo dục của tỉnh, Trường Nữ Trung học Huyền Trân được đổi thành Trường cấp 2 Thái Nguyên. Học trò có người trở lại trường cũ làm cô giáo dạy học cho những đứa trẻ giống mình hồi xưa. Một số chỉ trở về trường khi có dịp họp phụ huynh cho con, có người kể rằng lúc đó lòng rất hồi hộp, mong muốn được nhìn thấy nơi mình đã từng ngồi học, còn có tên mình khắc trên một góc bàn. Ai ở xa hơn, nếu nhớ thì khi quay về Nha Trang cũng xin chụp vài tấm hình ở cái hành lang cũ làm kỷ niệm. Tháng trước, nghe xôn xao trường mình sắp bị đập để xây trường mới, ai đi ngang đường Đinh Tiên Hoàng cũng đều nhìn vào nhưng yên tâm rằng trường vẫn còn đó, dù thay đổi thế nào vẫn thấy ngôi trường chỗ cũ là yên lòng. Nhưng ngôi trường bị đập đi để xây trường mới là có thật. Hay tin, có người vội vàng chạy về trường thì chỉ còn thấy một góc tường giữa đổ nát, chỉ kịp chụp vội góc tường nhỏ còn lại có giữ được một ô cửa sổ màu xanh da trời. Bức ảnh được đăng lên Facebook cho bạn bè biết tin, không hiểu người chụp ảnh có khóc không, còn những người khác đều bảo mình đã rưng rưng nước mắt.
Cuộc đời là sự chuyển tiếp không dừng, một ngôi trường mới sẽ được xây lên, sẽ rộng lớn, khang trang và hiện đại hơn trường cũ và sẽ có những thế hệ học trò cũng sẽ yêu thương, gắn bó với trường mình giống y như các cô gái trẻ của ngày xưa. Thôi thì cứ xem như đây là sự bắt đầu của ngôi trường thế hệ mới, có cả con cháu của mình theo học. Nghĩ vậy sẽ thấy lòng ấm áp hơn.
LƯU CẨM VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin