23:40, 25/08/2023

Vinh danh 3 món ngon xứ Trầm

GIANG ĐÌNH

Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) vừa trao chứng nhận 3 món ăn của Khánh Hòa là ẩm thực tiêu biểu Việt Nam gồm: Bún lá cá dầm Ninh Hòa; nem nướng Ninh Hòa; gỏi cá mai Nha Trang. Việc 3 món ăn trên được vinh danh đã góp phần quảng bá, giới thiệu món ngon xứ Trầm đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Đậm vị truyền thống

Năm 2022, VCCA bắt đầu triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”. Sau thời gian phát động, đã có 421 đề cử món ẩm thực tiêu biểu được 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về. Qua sự xem xét, đánh giá kỹ lưỡng của các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, công nghệ thực phẩm, ẩm thực, nghệ nhân…, VCCA đã lựa chọn 212 món ăn, thức uống tiêu biểu để vinh danh. Trong đó, Khánh Hòa là địa phương duy nhất gửi đề cử 3 món ẩm thực đặc sắc của địa phương và cả 3 món đều được vinh danh. “Nem nướng Ninh Hòa, bún lá cá dầm Ninh Hòa và gỏi cá mai Nha Trang là những món ăn mang đậm hương vị truyền thống của vùng đất, con người Khánh Hòa. Đây có thể xem là những đại diện đầu tiên trên chặng đường xây dựng thương hiệu văn hóa ẩm thực của Khánh Hòa”, ông Lê Tân - Phó Chủ tịch VCCA cho biết.

Người dân Ninh Hòa thưởng thức món bún lá cá dầm bình dân.
Chứng nhận của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vinh danh món bún lá cá dầm Ninh Hòa.

Cả 3 món ăn được vinh danh đều rất quen thuộc với người dân Khánh Hòa. Cách chế biến của những món ăn này không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi nguyên liệu phải tươi, ngon. Yếu tố then chốt để những món ăn này được nhiều người đón nhận chính là hương vị đặc trưng của vùng miền. Nem nướng Ninh Hòa được làm từ thịt heo, bì heo, mỡ, nấm mèo, đậu phộng và các gia vị đặc biệt, nướng trên than hồng, ăn kèm với rau sống, bún, đặc biệt nước chấm chua ngọt. Bún lá cá dầm Ninh Hòa được chế biến từ các loại cá như: Cá thu, cá ngừ, cá nhồng, cá cờ… được luộc chín, dầm trong nước dùng. Bún lá phải là bún làm từ các lò bún ở làng Thạnh Mỹ (xã Ninh Quang), với những sợi bún thơm ngon từ loại gạo của địa phương. Khi ăn, người ta bỏ bún vào tô, múc nước dùng kèm theo những miếng cá dầm và ăn kèm các loại rau sống. Gỏi cá mai Nha Trang được làm từ những con cá mai còn tươi, rút xương, ướp với chanh, tỏi, ớt cho chín cá. Sau đó, trộn cá với rau thơm xắt nhỏ, đậu phộng rang, thính. Ăn gỏi cá mai cuốn bánh tráng kèm rau, quả sống và chấm nước chấm sền sệt được làm từ đậu phộng sẽ thấy được hết vị ngọt mát của thịt cá mai.

Để định danh trên bản đồ ẩm thực

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, Khánh Hòa là vùng đất có nguồn nguyên liệu phong phú, cung cấp cho người dân trong việc chế biến các món ăn từ biển đến đồng ruộng, núi rừng, chính vì thế nơi đây đã hình thành 3 nền văn hóa ẩm thực khác nhau: Văn hóa ẩm thực biển đảo; văn hóa ẩm thực đồng bằng; văn hóa ẩm thực núi rừng. Nhưng 3 nền văn hóa ẩm thực đó hòa đồng, bổ sung cho nhau, tạo nên sự đa dạng cho ẩm thực Khánh Hòa. Người dân Khánh Hòa từ xa xưa đã biết sử dụng những sản vật có từ thiên nhiên hay do con người chăn nuôi, sản xuất để chế biến những món ăn, những món bánh ngon và bổ. Chính vì thế, muốn giữ gìn và định danh món ăn Khánh Hòa trên bản đồ ẩm thực Việt Nam, chúng ta cần chú trọng đến việc bảo vệ và phục hồi các món ăn truyền thống của địa phương; khuyến khích việc sử dụng nguyên liệu địa phương và các phương pháp nấu nướng truyền thống.

<br>
Chứng nhận của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vinh danh món nem nướng­ Ninh Hòa và gỏi cá mai Nha Trang.

Bà Lê Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Khánh Hòa cho rằng, văn hóa ẩm thực của vùng đất Khánh Hòa ngày càng được biết đến và nhận về nhiều lời khen ngợi tích cực. Tuy nhiên, văn hóa ẩm thực xứ Trầm đa phần mang tính chất tự phát; nhà hàng, quán ăn mang tính cá nhân, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết để tạo thành thương hiệu ẩm thực chung; những khu du lịch trọng điểm cũng chưa có khu tổ hợp hay tuyến phố ẩm thực để quảng bá tối đa nguồn đặc sản địa phương; một số món ăn đang dần mai một cách chế biến, chưa đúng khẩu vị lưu truyền; Nhà nước chỉ quản lý về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa có tổ chức đánh giá, xếp thứ hạng món ăn, nhà hàng; công tác truyền thông về văn hóa ẩm thực chưa thật sự chuyên nghiệp, đa dạng…

Trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các món ăn, cách chế biến món ăn truyền thống đến đông đảo người dân trong tỉnh thông qua mạng xã hội hoặc các hội chợ, hoạt động văn hóa, dịp lễ hội. Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng cần phối hợp với người dân, nghệ nhân ẩm thực xây dựng các tour gắn với tham quan làng nghề, thưởng thức đặc sản Khánh Hòa. Mỗi dịp lễ hội, cần có khu vực ẩm thực đảm bảo yếu tố nghệ thuật truyền thống, dân gian. Từ đó, định hình chiến lược phát triển văn hóa ẩm thực địa phương với những hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực; xây dựng bản đồ ẩm thực địa phương kết hợp quảng bá du lịch và trải nghiệm ẩm thực thông qua hệ thống nhà hàng, quán ăn đã được thẩm định…

GIANG ĐÌNH