12:08, 18/08/2018

Dấu ấn ngày tổng khởi nghĩa qua các di tích

Những ngày này cách đây 73 năm, không khí đấu tranh cách mạng sục sôi khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Hôm nay, tìm về những nơi đã từng ghi dấu ấn ngày tổng khởi nghĩa để ôn lại hào khí một thuở.

Những ngày này cách đây 73 năm, không khí đấu tranh cách mạng sục sôi khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Hôm nay, tìm về những nơi đã từng ghi dấu ấn ngày tổng khởi nghĩa để ôn lại hào khí một thuở.


Đình Phú Cang (thôn Phú Cang, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) là di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia. Đình được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Đây là một trong những di tích tiêu biểu của thời kỳ đầu Cách mạng tháng Tám tại Khánh Hòa nói chung và huyện Vạn Ninh nói riêng. “Đến nay, người dân chúng tôi vẫn luôn tự hào về ngôi đình này. Ở đó đã gắn liền với tên tuổi của danh nhân Trần Đường; nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Vạn Ninh và cũng là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trên địa bàn tỉnh”, ông Trịnh Dậu - Trưởng ban quản lý đình cho biết.

 

Di tích cấp quốc gia Phủ đường Ninh Hòa nằm trong khuôn viên UBND thị xã Ninh Hòa. Ngắm nhìn mái ngói, tường rêu và những hiện vật vẫn còn được lưu giữ, chúng tôi hình dung về nơi đây của những ngày này năm xưa. Sau khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Vạn Ninh bùng nổ và giành thắng lợi, phong trào cách mạng ở Ninh Hòa cũng lên cao. Đến ngày 16-8-1945, nhân dân Ninh Hòa nổi dậy giành chính quyền ở hầu hết các vùng nông thôn. Sáng 17-8-1945, hàng vạn nhân dân các làng xung quanh phủ lỵ đổ ra đường, giương cờ và khẩu hiệu biểu tình. Đoàn biểu tình rầm rập tiến vào Phủ đường gây áp lực buộc Tri phủ Hồ Hưng mang giấy tờ ấn tín và 800 đồng Đông Dương giao cho đại diện của Việt Minh. Sau đó, đoàn biểu tình tập trung tổ chức mít tinh tại sân vận động cạnh Phủ đường (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã). Cuộc mít tinh biến thành cuộc vũ trang tuần hành, tỏa về lại các khu vực với khí thế phấn khởi tràn ngập xóm làng.

 

Phủ đường Ninh Hòa - nơi ghi dấu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của người dân nơi đây.

Phủ đường Ninh Hòa - nơi ghi dấu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của người dân nơi đây.

 

Tại TP. Nha Trang, sân vận động 19-8 được đặt theo sự kiện về ngày tổng khởi nghĩa diễn ra tại đây. Theo ông Hoàng Quý - Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tồn di tích (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh), vào ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Việt Minh tỉnh, hàng vạn người dân ở Nha Trang, huyện Vĩnh Xương, huyện Diên Khánh đã biến cuộc mít tinh do ngụy quyền tổ chức ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh. Quần chúng cách mạng đã hạ cờ của chính quyền bù nhìn, kéo lên lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng và tuyên bố xóa bỏ chế độ bù nhìn. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy sức mạnh của lực lượng cách mạng. Quần chúng chia thành nhiều đoàn tỏa ra chiếm các địa điểm như: kho bạc, nhà đèn, nhà máy nước, các cơ quan, công sở của chính quyền bù nhìn. Cuộc khởi nghĩa ngày 19-8-1945 ở Nha Trang thành công cùng ngày với cuộc khởi nghĩa ở thủ đô Hà Nội.


Ngoài những di tích ghi dấu ấn đậm nét về những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Khánh Hòa nêu trên, hiện nay, vẫn còn những địa chỉ đỏ liên quan đến sự kiện này. Đó là đình Ngọc Hội (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) là địa điểm tập trung của quần chúng nhân dân địa phương đi biểu tình ngày 19-8-1945 tại sân vận động Nha Trang; đình Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) vào đêm 19-8-1945, sau khi cướp chính quyền thành công, quần chúng nhân dân tập trung tại đây để nghe tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, chính quyền thuộc về nhân dân… Những di tích đó gợi nhắc chúng ta ghi nhớ về những ngày đấu tranh cách mạng của cha ông cho cuộc sống bình yên, tự do hôm nay.


Giang Đình