11:07, 27/07/2018

Nhà tranh vách đất trong văn hóa dân gian Khánh Hòa

Tên sách có vẻ đơn giản, hơi chung chung, song có thể nói "Nhà tranh vách đất trong dân gian Khánh Hòa xưa" của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Triều Dương (Nhà xuất bản Mỹ thuật - 2017) là một công trình nghiên cứu khá công phu.

Tên sách có vẻ đơn giản, hơi chung chung, song có thể nói “Nhà tranh vách đất trong dân gian Khánh Hòa xưa” của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Triều Dương (Nhà xuất bản Mỹ thuật - 2017) là một công trình nghiên cứu khá công phu. Khi đọc, ta có cảm giác như mình đang từ từ dạo bước, thưởng lãm tại những gian trưng bày của một bảo tàng chuyên giới thiệu về nhà tranh vách đất ở Khánh Hòa qua thời gian dài suốt mấy trăm năm lịch sử, kể từ khi các cư dân theo chân Chúa Nguyễn vào vùng đất này khai hoang lập ấp đến nay.

 


Để tạo dựng nên một ngôi nhà tranh vách đất, người dân tại Khánh Hòa xưa đã chuẩn bị những vật liệu gì? Cây gì làm cột chính, cột phụ? Tre ở tuổi nào được dùng để chẻ lạt, tre nào để làm hom đánh tranh? Loại đất nào được nhồi với rơm để làm vách?... Rồi cách làm cho từng việc diễn ra ra sao? Nhiều, nhiều lắm. Đặc biệt, cuốn sách đã cung cấp cho người đọc vô số những khái niệm, và mỗi khái niệm đều được tác giả dừng lại để miêu tả, giải thích một cách tỉ mỉ. Ví dụ như thế nào là cột, kèo, rui, mè, xuyên, rượng, trính, đòn tay, cây công, cây mầm… và mỗi thứ có hình dáng ra sao, có tác dụng gì đối với ngôi nhà…


Nói chung, những khía cạnh văn hóa dân gian liên quan đến nhà tranh vách đất xuất hiện trong cuốn sách của Võ Triều Dương rất đa dạng. Chỉ riêng về phong tục, cũng khó thống kê hết vì phong tục này nối với phong tục kia. Nhiều đoạn tác giả còn sử dụng ca dao, tục ngữ cùng những chuyện dân gian để minh họa làm cho cuốn sách thêm sinh động. Tác giả cũng sưu tầm giới thiệu một số hương ước, quy ước ở các làng xã của người Khánh Hòa xưa…


Là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa và là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chưa kể hàng chục bài viết được giới thiệu trên các báo, tạp chí hoặc các công trình do tập thể thực hiện, cho đến nay, nhà nghiên cứu Võ Triều Dương đã có khá nhiều công trình sưu tầm, khảo cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian được xuất bản. Trong đó, đáng chú ý có: “Văn hóa dân gian xã Ninh Phụng” (biên khảo - đồng tác giả với Nguyễn Viết Trung, 2007); “Non nước xứ Đồng Hương” (biên khảo - đồng tác giả với Nguyễn Viết Trung, 2010); “Nghề nông cổ truyền ở Khánh Hòa” (biên khảo - đồng tác giả với Ngô Văn Ban, 2011); “Hái lượm và săn bắt của người dân Khánh Hòa xưa” (biên khảo - đồng tác giả với Ngô Văn Ban, 2012); “Nông cụ cổ truyền Nam Trung bộ” (biên khảo - đồng tác giả với Ngô Văn Ban, 2012); “Chợ, quán ở Ninh Hòa xưa và nay” (biên khảo - đồng tác giả với Ngô Văn Ban, 2014)... Mặc dù tuổi cao, song mấy năm gần đây, ông đã không ngừng lao động, sưu tầm, nghiên cứu và tiếp tục cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách được dư luận đánh giá cao, đó là: “Người Ninh Hòa kể chuyện xưa”; “Nghề làm gạch ngói trên vùng đất Ninh Hòa”; “Dấu xưa nền cũ trên đất Ninh Hòa”.


HOÀNG ANH