10:09, 10/09/2013

Thành Lộc - Chàng Sinbad của sân khấu

Người ta gọi Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc (sinh năm 1961) là “phù thủy” của sân khấu bởi anh quá đa tài ở nhiều lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, mới đây anh còn bước sang sân chơi truyền hình thực tế với Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’Got Talent.

Người ta gọi Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc (sinh năm 1961) là “phù thủy” của sân khấu bởi anh quá đa tài ở nhiều lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, mới đây anh còn bước sang sân chơi truyền hình thực tế với Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’Got Talent. Nhưng tôi lại coi anh là chàng Sinbad (nhân vật chính trong bộ phim truyện nhiều tập Những cuộc phiêu lưu của Sinbad) tài hoa đi khám phá, chinh phục hết chân trời góc biển của nghệ thuật. Anh chẳng có chút “phép thuật” gì, tất cả chỉ là thiên bẩm cùng rèn luyện khổ công mà thành!


Có lẽ cũng không cần phải kể nhiều về thành tựu của Thành Lộc, chỉ gói gọn thế này: Mọi vinh quang cao nhất của nghệ thuật qua vai diễn suốt 30 năm qua anh đều có. Anh chính là diễn viên kịch số 1 của sân khấu miền Nam sau ngày đất nước giải phóng tới nay. Lớp khán giả lớn tuổi vẫn nhớ như in một ông “cán bộ” tóc bạc trắng, rất từng trải trong vở Những khoảng cách còn lại (kịch Nguyễn Mạnh Tuấn) chiếu trên ti vi năm 1982, đó chính là vai chính kịch đầu tiên nhưng rất ấn tượng của Thành Lộc. Khi đó anh mới mới 21 tuổi. Đến vai chiến sĩ hồng quân trong vở Đêm họa mi thì chàng diễn viên trẻ mới tốt nghiệp trường Sân khấu đã thực sự thành “sao”. Từ đó đến nay gần 30 năm, phong độ của anh vẫn vững vàng: Vừa là diễn viên, đạo diễn, tổ chức biểu diễn cho người lớn và trẻ em với 200 vai diễn cùng hàng trăm vở kịch lớn nhỏ, chưa kể anh còn tham gia đóng phim.

 


Nhiều người có lẽ sẽ rất bất ngờ khi ngoài đời, ngay từ khi còn bé, dù là con nhà nòi (cha là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, anh trai Bạch Long cũng là diễn viên) thì Thành Lộc cũng rất nhút nhát. Anh kể, trong một lần nghệ sĩ Kim Cương tới đình Cầu Quang, nơi ở và diễn của gia đình để xin cho anh vào vai chú bé trong kịch của chị. Được cha đồng ý nhưng Thành Lộc cứ bám chặt cột đình, nhất quyết không đi vì sợ. Đến năm 1968, được nhạc sĩ Xuân Phát mời tham gia ban nhạc thiếu nhi, chính nơi đây Thành Lộc được học múa hát, được... lên ti vi. Thực ra, do sống với gánh cải lương tuồng cổ của cha ở đình Cầu Quang tối ngày nên gần như sân khấu đã thấm vào máu thịt của anh. Chính cha anh là người thầy đầu tiên dạy dỗ anh lĩnh xướng, vũ đạo. Tuy nhiên, phải đến khi giải phóng miền Nam, anh mới thoát hẳn phong cách “gánh hát gia đình” khi tới Nhà Văn hóa thiếu nhi học hát, múa bài bản do những nghệ sĩ tài năng như Thái Ly, Kim Quy truyền dạy. Chính nghệ sĩ Thái Ly cũng hướng anh vào học Trường Sân khấu điện ảnh.


Thành Lộc kể rằng, khi vào học ở trường, tưởng rằng với năng khiếu có sẵn anh sẽ học giỏi, nhưng khi nhìn lại những hạn chế về ngoại hình của mình cộng với tính nhút nhát, trong khi bạn bè cùng lứa toàn cao đẹp, có lúc anh muốn bỏ. Nhưng trong một lần xem vở kịch do đoàn kịch nói Trung ương ở Hà Nội vào diễn, thấy trong dàn diễn viên có nghệ sĩ Đào Mộng Long người nhỏ thó, nhưng đóng rất hay, làm lu mờ các diễn viên trẻ đẹp khác thì Thành Lộc hiểu rằng điều quan trọng ở người diễn viên sân khấu không phải là ở ngoại hình đẹp mà là cách diễn. Trong thời gian học, anh và các bạn học được nghệ sĩ Lê Văn Tĩnh vừa từ lò nghệ thuật ở Đông Âu - Bungari về dìu dắt, tìm hướng đi cho mình. Thành Lộc bắt đầu tự tin vào con đường mình đang chọn.


Nhưng khi ra trường, Thành Lộc cùng lứa bạn thật ngơ ngác vì dù ở thành phố khi đó có tới 3 đoàn kịch nói: Kim Cương, Cửu Long Giang, Bông Hồng nhưng lại không xin được việc. Chính khi đó, nhóm diễn viên trẻ được Trường Sân khấu điện ảnh gom lại lập thành đội kịch diễn cho truyền hình quay. Vở kịch Những khoảng cách còn lại ra đời trong hoàn cảnh đó và gây tiếng vang lớn. Từ đây, Thành Lộc tự tin trở thành chàng Sinbad đi khám phá, chinh phục các miền đất lạ của biển cả sân khấu.


Trên sân khấu, Thành Lộc luôn tươi tắn, sống động và cực “phiêu”, bất cứ nhân vật nào anh cũng hóa thân được: Ông già, chàng trai, bà già, cô gái hay quỷ thần, yêu quái... Nhưng ngoài đời anh chỉ có mỗi một vai: chàng trai tư lự! Cách đây hơn 20 năm, tôi gặp anh ở Nha Trang diễn vở Dạ cổ hoài lang lừng danh, khi đó anh đã rất “già” mặc dù mới 32 tuổi. Thành Lộc kể, ngoài đi diễn, anh sống một mình trong căn phòng nhỏ nghe nhạc, xem phim rồi lăn ra ngủ như một đứa trẻ cô đơn. Bây giờ, ở tuổi 52, những người yêu quý anh đã hiểu anh hơn vì hình như đó là định mệnh của một nghệ sĩ khi nhắc tới cuộc sống riêng sau sân khấu rực rỡ ánh đèn. Chính Thành Lộc trong một vài lần trả lời báo giới đã rất thẳng thắn về duyên tình của mình, rằng anh đã trải qua nhiều nỗi đau khó quên. Âu cũng là lẽ thường vì có ai trọn vẹn trong cuộc đời đâu.


Chàng Sinbad Thành Lộc sẽ vẫn còn cho mọi người yêu nghệ thuật những cảm giác vừa quen vừa lạ bởi vai diễn của anh luôn lấp lánh như hòn đảo nhỏ hiện cuối chân trời khi bình minh lên...


DƯƠNG TRANG HƯƠNG