Mỗi lần đến Trường Sa, mọi người đều ấn tượng và dành nhiều tình cảm cho những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở nơi đầu sóng, ngọn gió.
Mỗi lần đến Trường Sa, mọi người đều ấn tượng và dành nhiều tình cảm cho những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở nơi đầu sóng, ngọn gió.
Ở Trường Sa, những cô bé, cậu bé ngày ngày đi học, vui đùa, cười nói dưới tán lá cây bàng vuông như tiếp thêm sức sống cho mảnh đất ở khơi xa. Tại mỗi đảo ở Trường Sa đều có trường học dành cho các em. Trong mỗi lớp học, học sinh được học ghép với đủ lứa tuổi từ mẫu giáo cho đến lớp 5. Mỗi đảo có 2 thầy giáo phụ trách dạy học cho các em theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thầy Nguyễn Hữu Phú - giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây chia sẻ: “Các em học sinh nơi đây rất ngoan ngoãn, lễ phép và chăm chỉ học tập. Những gì trong đất liền có, chúng tôi đều cố gắng mang đến cho các em. Nếu không có hiện vật thì chúng tôi thay bằng hình mẫu hoặc tranh ảnh để truyền dạy cho các em dễ hiểu bài. Các em được học theo giáo trình giống như các bạn trong đất liền”.
Hôm đến thăm đảo thị trấn Trường Sa, thấy chúng tôi bước đến nơi bọn trẻ đang vui đùa, các em liền đứng dậy khoanh tay đồng thanh: “Chúng cháu chào các cô chú ạ”. Rồi sau đó, các em đưa mọi người đi tham quan hòn đảo của mình. Các em háo hức giới thiệu từng ngôi nhà, loại cây, kể chuyện đi học, vui chơi cùng các chú bộ đội trên đảo. Nổi bật trong số các em là cậu bé Lâm Nhật Tinh Anh (lớp 4, con của vợ chồng anh Lâm Ngọc Vinh, chị Nguyễn Thị Phương Dung, đảo Trường Sa). Lâm Nhật Tinh Anh cho biết: “Mỗi lần có đoàn từ đất liền ra thăm đều có quà cho chúng em là đồ chơi, sách vở, đất nặn... Hàng ngày trên đảo, chúng em được các chú bộ đội dạy cách bước đều, kể chuyện, vui đùa. Vào mỗi buổi tối, các chú bộ đội dạy tiếng Anh. Sau này lớn lên, em cũng mong muốn được làm chú bộ đội”.
Đại tá Bùi Đình Dương - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, hiện nay, các trẻ đến tuổi đều được đi học theo quy định của Nhà nước. Hàng ngày, các trẻ được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo chăm sóc, dạy bảo và dành nhiều tình cảm yêu mến. Trẻ em ở đây còn thường xuyên được y, bác sĩ của đảo thăm khám, theo dõi sức khỏe và tiêm chủng vắc xin đầy đủ. Vào các ngày: Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, trẻ em đều được tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tặng quà rất sôi nổi, thiết thực. Trong năm, hàng chục đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo cũng đều dành tình cảm, tặng những phần quà ý nghĩa cho các trẻ. Nhờ được chăm sóc chu đáo nên 100% trẻ em trên các đảo phát triển khỏe mạnh, không có trẻ nào bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, thấp còi. Hầu hết những trẻ khi học xong chương trình tiểu học đều được đưa về đất liền để tiếp tục học chương trình cấp hai.
Có lẽ, với bất kỳ ai ra thăm Trường Sa trở về cũng mãi nhớ trong tâm trí về hình dáng, giọng nói của những đứa trẻ ở nơi đầu sóng, ngọn gió. Trên sân khấu cột mốc chủ quyền, giọng hát của các em vẫn vang mãi câu hát: “Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/Em là con của biển…” khiến bất kỳ ai nghe cũng lâng lâng xúc động.
VĂN GIANG