06:07, 05/07/2018

Thủ lĩnh của bóng chuyền Sanest Khánh Hòa

Ở tuổi 34, Ngô Văn Kiều, đội trưởng của đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa vẫn muốn được tiếp tục ra sân cống hiến cho đội bóng quê hương thứ hai của mình và hơn hết là thỏa niềm đam mê bóng chuyền.

Ở tuổi 34, Ngô Văn Kiều, đội trưởng của đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa (S.KH) vẫn muốn được tiếp tục ra sân cống hiến cho đội bóng quê hương thứ hai của mình và hơn hết là thỏa niềm đam mê bóng chuyền.


Tay ngang trở thành ngôi sao


Cách đây 6 năm, tôi gặp Ngô Văn Kiều lần đầu tiên tại tỉnh Phú Thọ, nơi diễn ra vòng 1 giải bóng chuyền vô địch quốc gia. Khi ấy, Kiều đã là một ngôi sao rất nổi danh trong làng bóng chuyền Việt Nam. Thời điểm đó, đội bóng chuyền S.KH gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình trẻ hóa lực lượng, Kiều cũng vừa trải qua một đợt chấn thương nặng nhưng với vai trò là người anh cả, đội trưởng, anh vẫn thi đấu hết mình bằng cả nhiệt huyết, đam mê, xốc lại tinh thần toàn đội. Năm đó, Kiều và các vận động viên (VĐV) đội bóng chuyền S.KH đã thi đấu xuất sắc, giành phần thắng ở những lượt trận cuối giúp đội trụ hạng thành công.

 

Kiều là con trai út trong gia đình bố mẹ làm nông ở Hà Nam. Năm 16 tuổi, Kiều theo anh vào Nha Trang sinh sống và được giới thiệu vào đội bóng chuyền Bưu điện Khánh Hòa. Trớ trêu thay, khi nhìn thấy Kiều, vị huấn luyện viên đội bóng thời ấy đã thẳng thừng từ chối với lý do chiều cao của Kiều không đủ. Không hề nản lòng, sau 2 năm làm công nhân ở một công ty song mây, đến năm 18 tuổi, khi chiều cao trên 1,9m Kiều lại đến gặp vị huấn luyện viên ấy thử sức và được nhận vào đội nhưng cũng chỉ tập nghiệp dư. Tuy vậy, kể từ thời điểm đó, cuộc đời Ngô Văn Kiều bước sang trang mới, gắn liền với môn bóng chuyền trong nhà và anh nhanh chóng trở thành một trong những ngôi sao của làng bóng chuyền Việt Nam.


Từ một tay ngang, chỉ sau 8 tháng tập luyện làm quen với bóng chuyền, Ngô Văn Kiều đã trở thành một trong những VĐV chủ lực của đội bóng Bưu điện Khánh Hòa tranh tài ở giải hạng A1. Năm 2005, Kiều được gọi lên đội tuyển quốc gia tập luyện và là VĐV hạng A1 đầu tiên có được vinh dự này, tuy vậy, do ở đội câu lạc bộ gặp một vài trục trặc nên Kiều đành lỡ hẹn. Đến kỳ SEA Games 24 (năm 2007), sự nghiệp bóng chuyền của Kiều mới thực sự bắt đầu. Cũng từ thời điểm đó, tên tuổi Ngô Văn Kiều được hàng triệu khán giả biết đến. Người hâm mộ còn yêu mến đặt cho anh biệt danh “oanh tạc cơ”, bởi những cú đập bóng của anh rất uy lực, như những trái phá khiến cho các đối thủ dù có bật cao để chắn hay đoán được hướng bóng cũng không thể nào cản được.

 

Ngô Văn Kiều bên chiếc cúp  vô địch quốc gia mùa giải 2017.
Ngô Văn Kiều bên chiếc cúp vô địch quốc gia mùa giải 2017.

 

Thủ lĩnh của Sanest Khánh Hòa


Sau kỳ SEA Games ấy, tiếng tăm của Kiều đã được nhiều người biết đến, tuy vậy, chặng đường thành công của “oanh tạc cơ” này có lẽ bắt đầu từ thời điểm anh gắn liền với màu áo của đội bóng chuyền S.KH.
Anh kể: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu bóng chuyền chuyên nghiệp của tôi là năm 2008. Sau khi đội bóng được thăng hạng các đội mạnh năm 2007, lần đầu tiên trong lịch sử bóng chuyền Khánh Hòa, tôi và các đồng đội đã thi đấu hưng phấn giành liên tiếp 13 trận toàn thắng để đăng quang chức vô địch giải đấu. Lúc ấy cảm giác sung sướng không gì tả được”. Từ đó đến nay, tròn 10 năm trong chặng đường thi đấu bóng chuyền chuyên nghiệp của mình, cùng với đội bóng S.KH, Ngô Văn Kiều đã gặt hái khá nhiều thành tích. Anh được coi là một trong số ít VĐV bóng chuyền Việt Nam sở hữu đầy đủ bộ sưu tập cúp tại các giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia.


Trên con đường đi đến thành công, bao giờ cũng có mồ hôi và nước mắt. Với Ngô Văn Kiều, khó khăn nhất trong sự nghiệp là lúc anh bị chấn thương cơ bụng phát nặng. Đầu năm 2011, Kiều bị viêm dây chằng đầu gối, đến tháng 7, sau khi thi đấu ở giải các câu lạc bộ nam châu Á, anh bị chấn thương rất nặng ở vùng bụng mà theo chẩn đoán của các bác sĩ là không thể tiếp tục thi đấu. Không nghe lời khuyên của bác sĩ, tại kỳ SEA Games được tổ chức trên đất Indonesia, anh đã tìm mọi cách kìm nén cơn đau chỉ để được ra sân. Do vậy, vết thương của anh ngày càng nặng. Đến đầu năm 2012, anh đã phải sang Singapore phẫu thuật với 5 con vít được bắt cố định để giữ cho gân bụng không bị đứt. Sau ca phẫu thuật, phong độ, thể lực của Kiều giảm đi đôi chút so với trước nhưng khi được HLV trao cơ hội vào sân, anh luôn thi đấu máu lửa, hết mình vì màu cờ sắc áo của câu lạc bộ.


Bên cạnh những thành tích nổi bật, Ngô Văn Kiều còn được nhiều người biết đến là một thủ lĩnh tinh thần của đội bóng S.KH. Dõi theo chặng đường của đội bóng chuyền phố biển, ai cũng có thể nhận thấy trong những thời điểm đội bóng gặp khó khăn, các VĐV trong đội xuống tinh thần, Ngô Văn Kiều trong vai trò đội trưởng luôn biết cách động viên, truyền lửa nhiệt huyết giúp đội bóng vực dậy. Đơn cử trong trận chung kết tranh cúp vô địch quốc gia năm 2017 tại Đắk Lắk với đối thủ đầy duyên nợ Thể Công, vai trò đầu tàu của đội trưởng Ngô Văn Kiều đã được thể hiện rõ nét. Sau séc đấu đầu tiên giành phần thắng, đội bóng S.KH gặp rất nhiều khó khăn khi để đối thủ dẫn điểm ở 2 séc đấu tiếp theo. Nhưng rồi, chính Ngô Văn Kiều với những pha nhảy phát bóng, bật cao đập bóng chạm tay chắn đầy uy lực đã giúp các VĐV khác như: Từ Thanh Thuận, Văn Phong, Thanh Phong, Văn Tiên, Triển Chiêu… lấy lại tinh thần, qua đó giành chiến thắng ở 2 séc cuối để lần thứ 2 bước lên bục vinh quang. “Tôi có được thành công như ngày hôm nay cũng nhờ sự quan tâm, tin tưởng của Ban lãnh đạo, Ban huấn luyện, anh em đồng đội và kể cả người hâm mộ. Hiện nay, tôi vẫn muốn được tiếp tục ra sân thi đấu để cống hiến cho đội bóng”, anh tâm sự.


An Nhiên