11:01, 24/01/2018

Khánh Vĩnh: Keo rớt giá

Những ngày này, người trồng keo ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang tiếp tục thu hoạch keo nhưng tốc độ có phần chậm lại so với thời điểm sau cơn bão số 12.

 

Những ngày này, người trồng keo ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang tiếp tục thu hoạch keo nhưng tốc độ có phần chậm lại so với thời điểm sau cơn bão số 12.


Bà Drao H’Dut (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp) cho biết: “Năm nay, ai trồng keo cũng bị lỗ nặng vì keo không đạt sản lượng, cây nhỏ, gãy đổ, nhà máy chê, giá bán lại thấp. Đến thời điểm này, gia đình tôi thu hoạch được 5ha, còn 3ha sắp thu hoạch nhưng chỉ thu được 170 triệu đồng (keo 3,5 tuổi), trừ chi phí lỗ gần 100 triệu đồng. Do nhà máy tại Khánh Vĩnh mua giá thấp nên tôi chở keo vào tận Cam Ranh bán với giá 980.000 đồng/tấn nhưng chi phí vận chuyển cao, tính ra không có lãi bao nhiêu”.

 

Không chỉ người trồng keo thua lỗ, thương lái mua bán keo cũng cùng cảnh ngộ. Ông Trần Hoàng Hải thu mua keo tại Khánh Hiệp cho biết: “Tôi mua 5ha keo trước bão, bình quân 33 triệu đồng/ha, nhưng chỉ bán được 18 - 19 triệu đồng/ha, ngoài ra phải tốn chi phí vận chuyển, thu hoạch tính ra 1ha lỗ 20 triệu đồng”.


Theo người trồng keo, thua lỗ không chỉ do bão làm đổ ngã phải thu hoạch gấp mà còn phát sinh nhiều hệ lụy. Cùng lúc ai nấy đều đồng loạt thu hoạch khiến áp lực thu mua đè nặng lên các nhà máy. Bên cạnh đó, công lao động, vận chuyển khan hiếm càng làm tăng chi phí. Hiện nay, công lao động từ 150.000 đồng tăng lên 200.000 - 220.000 đồng/công. Bình quân để thu hoạch, vận chuyển 1ha keo, người trồng keo phải mất thêm chi phí 12 - 15 triệu đồng, tăng 30 - 35% so với trước bão. Chưa kể, nhà máy từ chối mua keo non, nhỏ, đọt dài, vỏ chưa lột sạch.

 

Bốc xếp, chuẩn bị vận chuyển keo tới nhà máy.
Bốc xếp, chuẩn bị vận chuyển keo tới nhà máy.

 

Những năm gần đây, cây keo đã trở thành cây lâm nghiệp chủ lực của huyện Khánh Vĩnh. Với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, địa hình, lao động, đầu tư phù hợp trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, dễ chăm sóc, dễ bảo quản nên cây keo có cơ hội phát triển. Sau 3 - 5 năm, người trồng keo có doanh thu bình quân 60 - 70 triệu đồng/ha. Hiện nay, diện tích keo trên toàn huyện khoảng 8.000ha.

Theo các nhân viên Công ty TNHH Chế biến Dăm gỗ Đại Hưng (trụ sở tại Khánh Bình) - đơn vị thu mua gỗ keo duy nhất tại Khánh Vĩnh, sau cơn bão số 12, sản lượng thu mua hàng ngày của công ty khoảng 100 tấn. Hiện nay, tiến độ thu mua có chậm do người trồng có tâm lý giữ lại chờ giá. Giá thu mua hiện ở mức 830.000 - 860.000 đồng/tấn, thấp hơn trước bão 100.000 - 200.000 đồng/tấn tùy loại.


Ông Đặng Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết, hiện nay xảy ra tình trạng người dân phải thu hoạch sớm để lấy lại tiền đầu tư nhưng thương lái lại lơ là trong việc thu mua. Cũng có trường hợp người trồng keo không muốn bán, chờ cải thiện giá. Vì thế, trên địa bàn xã diện tích keo thu hoạch không nhiều so với tổng diện tích 700 - 800ha rừng keo. Xã kiến nghị tỉnh quan tâm can thiệp để các đơn vị thu mua keo đẩy nhanh tiến độ thu mua, xử lý keo hư hỏng, khắc phục hậu quả của bão, đồng thời xem xét hỗ trợ giá thu mua nhằm đảm bảo cho người trồng keo có lãi, có cơ hội thu hồi vốn đầu tư.  


Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho rằng, rất khó để tác động bởi giá thu mua phụ thuộc vào cung cầu thị trường. Các nhà máy cũng đã linh động nâng, hạ giá theo thời điểm để thu hút nguồn nguyên liệu. Vì thế, giải pháp thiết thực hiện nay là đẩy nhanh việc hỗ trợ thiệt hại do bão; đồng thời kiến nghị ngân hàng cho khoanh nợ, giãn nợ để người dân gầy dựng lại rừng keo.


V.Lạc