05:11, 21/11/2017

Hết tháng 10, cả nước xuất siêu 2,56 tỷ USD

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2017, Việt Nam xuất siêu 2,18 tỷ USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 10 tháng thặng dư 2,56 tỷ USD.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2017, Việt Nam xuất siêu 2,18 tỷ USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 10 tháng thặng dư 2,56 tỷ USD.

 

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 38,4 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 20,29 tỷ USD, tăng 4,9% và nhập khẩu đạt 18,11 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7%. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng thặng dư 2,18 tỷ USD.

Tính chung 10 tháng/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 346,54 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 174,55 tỷ USD, tăng 21,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 171,99 tỷ USD, tăng 21,6%. Như vậy, nước ta đã xuất siêu gần 2,56 tỷ USD sau 10 tháng.

Về thị trường, Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 73,3 tỷ USD, tăng 27,18% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm tỷ trọng 21,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc đạt 50,46 tỷ USD, tăng mạnh 41,9%, chiếm tỷ trọng 14,6%; thị trường Hoa Kỳ đạt 40,12 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm tỷ trọng 12,2%; EU(28) đạt 41,62 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm tỷ trọng 12,2%...

Trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu 10 tháng qua, có tới 5 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giầy dép các loại, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng.

 

 Cả nước đã xuất siêu 2,56 tỷ USD trong 10 tháng

Cả nước đã xuất siêu 2,56 tỷ USD trong 10 tháng



Con số tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng qua là một trong những điểm sáng của nền kinh tế, góp phần tích cực vào mục tiêu GDP sẽ tăng trưởng 6,5% của cả năm nay. Phân tích rõ hơn về tình hình xuất nhập khẩu những tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 có được là nhờ sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu nhập khẩu ở Bắc Mỹ tăng trở lại sau khi bị đình trệ trong năm 2016. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn này đã tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng thị trường chủ lực và tìm kiếm các thị trường mới.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang ngày được nâng cao. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. Theo WEF, Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động.

Đồng thời, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác FTA đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới 10 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam, dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm nay của nước ta có thể đạt 210 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2016 và vượt xa kế hoạch đề ra cho cả năm nay là 187- 189 tỷ USD.

Theo baocongthuong