03:08, 01/08/2018

Facebook xóa sổ các trang gây nhiễu loạn bầu cử Mỹ 2018

Đã có hẳn một chiến dịch phối hợp để gây ảnh hưởng chính trị nhằm đánh lừa người dùng Facebook và gây chia rẽ nước Mỹ trước thềm bầu cử.

Đã có hẳn một chiến dịch phối hợp để gây ảnh hưởng chính trị nhằm đánh lừa người dùng Facebook và gây chia rẽ nước Mỹ trước thềm bầu cử.
 
Tập đoàn Facebook ngày 31/7 thông báo đã xác định một chiến dịch tạo ảnh hưởng chính trị nhằm đánh lừa người dùng mạng xã hội này và gieo rắc sự phân biệt giữa các cử tri Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 tới.
 
Tập đoàn này cho biết đã loại bỏ 32 trang và tài khoản khỏi mạng xã hội Facebook và Instagram trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của nước ngoài nhằm gây nhiễu loạn bầu cử Mỹ.
 
Những manh mối dẫn tới Nga
 
Facebook không nêu rõ nguồn tạo ra các trang và tài khoản trên từ đâu song các thành viên Quốc hội Mỹ từng nghe Facebook điều trần về vấn đề này cho biết, phương pháp của các chiến dịch tạo ảnh hưởng này cho thấy có sự tham gia của Nga.
 
“Tôi có thể nói rằng tôi nghĩ có khả năng rất cao Nga có dính líu đến chuyện này” – Thượng nghị sỹ Mark Warner, quan chức cao nhất của đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ chia sẻ với báo giới.
 

 

Bà Sheryl Sandberg, Giám đốc vận hành (COO) của Facebook. (Ảnh: Getty Images)
Bà Sheryl Sandberg, Giám đốc vận hành (COO) của Facebook. (Ảnh: Getty Images)
 
Hơn 290.000 tài khoản Facebook đã theo dõi ít nhất 1 trong số các trang vừa bị xóa sổ và khoảng 11.000 USD đã được “rót” cho khoảng 150 quảng cáo có nội dung tạo ảnh hưởng dư luận trên mạng xã hội này. Các trang trên cũng đã tạo khoảng 30 sự kiện từ tháng 5/2017 đến nay.
 
Quan chức Facebook cho biết, 1 trong các tài khoản từ Cơ quan nghiên cứu Internet của Nga là đồng quản trị viên của 1 trong những trang này trong 7 phút song công ty này không tin rằng có đủ bằng chứng để đổ tội cho chính phủ Nga đứng sau chiến dịch thao túng công luận trên.
 
Theo Facebook, có khoảng 126 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những nội dung chính trị mà phía Nga tài trợ để đăng trên trang mạng xã hội này trong vòng 2 năm qua và khoảng 16 triệu người đã đọc các thông tin của Nga trên Instagram.
 
Trong khi đó, Reuters dẫn lời 2 quan chức tình báo giấu tên của Mỹ cho rằng chưa có đủ bằng chứng chắc chắn để kết luận Nga đứng đằng sau chiến dịch “gây nhiễu” trên Facebook này. Song họ lưu ý rằng “sự tương đồng, mục đích và phương pháp tiến hành” có liên quan đến cái mà Washington gọi là chiến dịch của Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
 
Theo Facebook và các cơ quan tình báo Mỹ, năm 2016, Nga đã tìm cách tạo ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ bằng việc đăng các bài viết và mua quảng cáo trên Facebook. Hồi tháng 2, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 13 công dân Nga và Cơ quan nghiên cứu Internet có trụ sở tại St. Petersberg vì can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016. Tuy nhiên, Nga bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan.
 
Nhà Trắng cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ hành động của Facebook.
 
“Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của các đối tác tư nhân trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa trên không gian mạng, bao gồm cả hành động gây ảnh hưởng” – Garrett Marquis, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.
 
Tổng thống Donald Trump vốn bị chỉ trích vì coi nhẹ các mối đe dọa từ việc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki tháng 7/2018, ông Trump được cho là đã bày tỏ tin tưởng rằng Nga không can thiệp vào bầu cử Mỹ thay vì tin các báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ. Sau đó, ông Trump đã đính chính rằng ông đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ.
 
Cuộc đua vũ trang trên mạng xã hội?
 
Phòng nghiên cứu pháp y số (Digital Forensics Research Lab - DFRL) của Hội đồng Atlantic (Atlantic Council) đã được xem những trang Facebook vi phạm trước khi chúng bị xóa sổ.
 
Theo cơ quan ngày, ngôn ngữ và cách tiếp cận của các trang này có sự tương đồng với những tài khoản “giả” trước đây từ Cơ quan nghiên cứu Internet của Nga.
 
DFRL chỉ ra “những sai sót dịch thuật không nhất quán cũng như sự tập trung thái quá vào những vấn đề gây chia rẽ”. Trong số đó, trang Resisters được cho là thực sự đáng quan ngại khi thúc đẩy đối đầu ở những cuộc biểu tình, trong đó có phong trào “đoàn kết phe cánh hữu lần thứ 2” (Unite the Right 2) vốn có khả năng dẫn tới bạo lực.
 
Trao đổi với Reuters, một người đàn ông tự nhân là quản trị viên của trang Resisters, một nhà hoạt động ở Washington tên là Brendan Orsinger cho biết, anh ta đã được mời giúp đỡ vận hành trang này bửi một người chỉ quen qua tin nhắn Facebook.
 
“Tôi chắc chắn cũng đã có lo lắng bởi vì mọi người thường không mời tôi trừ khi họ biết tôi” – Orsinger cho biết. “Nhưng đồng thời đây cũng là một tài khoản mà chúng tôi có thể dùng”. Orsinger không dám chắc tài khoản mời anh tham gia là một người Nga.
 
Bà Sheryl Sandberg, Giám đốc vận hành (COO) của Facebook chia sẻ với báo giới rằng, các nỗ lực nhằm thao túng công luận có thể sẽ ngày càng tinh vi hơn để tránh sự giám sát của Facebook và gọi đó là một “cuộc chạy đua vũ trang” trên mạng xã hội.
 
Facebook là bên bị cáo buộc về hoạt động gây ảnh hưởng trên mạng xã hội này và các mối quan ngại về quyền riêng tư của người dùng gắn với các thỏa thuận lâu dài với các đối tác phát triển mà theo đó cho phép các đối tác này truy cập dữ liệu riêng tư của người dùng.
 
Trong những tháng gần đây, Facebook đã có những bước đi nhằm nỗ lực đảm bảo với chính phủ Mỹ và châu Âu rằng không cần có thêm các biện pháp quản lý từ chính quyền để ngăn chặn tình trạng thao túng công luận trên mạng xã hội này. Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook Mark Zuckerberg cho biết, tập đoàn có khoảng 20.000 người đang phối hợp với cảnh sát và bảo vệ trang mạng này./.
 
Theo VOV