11:08, 01/08/2018

Phát triển nghề trồng nấm rơm

Theo ông Đỗ Văn Lộc (thôn Nam 1, Diên Sơn, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) - người có tay nghề làm nấm hơn 15 năm, hiện nay, với giá bán gần 50.000 đồng/kg, nghề trồng nấm rơm đang mang lại thu nhập khá ổn định cho người trồng. 

Theo ông Đỗ Văn Lộc (thôn Nam 1, Diên Sơn, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) - người có tay nghề làm nấm hơn 15 năm, hiện nay, với giá bán gần 50.000 đồng/kg, nghề trồng nấm rơm đang mang lại thu nhập khá ổn định cho người trồng. Bình quân trên diện tích 1.000m2 sản xuất được 900 hộp (dụng cụ chứa rơm để cấy meo), chia làm 3 đợt. Cứ 300 hộp cho sản lượng 250 - 300kg nấm. Luân phiên 3 đợt như vậy, mất khoảng 1,5 - 2 tháng, người trồng nấm lãi ròng 18 - 20 triệu đồng.


Bà Lê Thị Hoàng Ngọc Lễ (thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp) cũng là người có thâm niên trong nghề làm nấm cho biết, ưu điểm của nghề trồng nấm là vốn không lớn, dễ học, dễ làm nên rất phù hợp với nông dân. Vì thế, hiện nay, nghề sản xuất nấm rơm là mô hình tốt và thế mạnh của nông dân Diên Khánh. Nghề này đang thu hút nhiều hộ sản xuất vì có thị trường khá ổn định, trong đó chợ Thành là đầu mối tiêu thụ chính.

 

Một công đoạn làm nấm rơm.

Một công đoạn làm nấm rơm.


Ông Ngô Thế Huy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Sơn cho biết, trên địa bàn xã có hơn 20 hộ chuyên trồng nấm rơm, tập trung tại thôn Nam 1 và Tây 2. Xã Diên Sơn có nhiều diện tích đất lúa 1 vụ, 2 vụ, đất ven núi, nguồn nước sạch phù hợp cho nghề làm nấm. Xã Suối Hiệp cũng có hơn chục hộ theo nghề này. Nhận thấy nghề làm nấm rơm có nhiều ưu thế nên Hội Nông dân xã đã lựa chọn mô hình này để hỗ trợ nông dân phát triển. Ông Phạm Truyền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Hiệp cho biết, vừa qua, hội đã phối hợp tổ chức hơn 10 lớp dạy nghề làm nấm rơm cho nông dân. Quỹ Hỗ trợ nông dân tuy chưa hỗ trợ các dự án làm nấm nhưng sắp tới sẽ xem xét, đề nghị cấp trên hỗ trợ vốn. Hội Nông dân xã sẽ hỗ trợ nông dân thuê đất, mượn đất 5% của xã quản lý tại các vùng cao, ven chân núi để phát triển nấm, sau vụ nấm sẽ trả lại cho xã. Hội Nông dân xã Diên Sơn cũng có kế hoạch khuyến khích nông dân sản xuất nấm, tìm và hỗ trợ nông dân đất đai, nguồn nước và nguồn rơm rạ ổn định.


Được biết, so với cách đây 5 năm, số hộ làm nấm rơm trên địa bàn huyện Diên Khánh đã tăng gấp 2 lần, tập trung tại các xã có nguồn rơm ổn định như: Diên Sơn, Diên Bình, Suối Hiệp... Trên địa bàn huyện hiện nay có 1 tổ hợp tác sản xuất nấm rơm tại xã Diên Bình đang hoạt động. Theo ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diên Khánh, sắp tới, nếu các hội cơ sở có nhu cầu, Hội Nông dân huyện sẽ quan tâm cho vay vốn, huy động từ các nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để giúp nông dân có vốn làm nấm. Bình quân 1 dự án tập thể hỗ trợ 300 triệu đồng để nông dân có điều kiện vươn lên giảm nghèo, làm giàu chính đáng.    


V.LẠC