10:07, 18/07/2018

Quan tâm đến du lịch phát triển "nóng", khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão

Ngày 18-7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý du lịch, giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang và việc hỗ trợ người dân sau cơn bão số 12…

 

Ngày 18-7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý du lịch, giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang và việc hỗ trợ người dân sau cơn bão số 12…


Băn khoăn khi du lịch tăng trưởng “nóng”


Tại cuộc họp, các đại biểu bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước sự phát triển quá “nóng” của du lịch. Đại biểu Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, du lịch phát triển nhanh đã dẫn đến sự quá tải hạ tầng về giao thông đô thị. Bên cạnh đó,  việc quản lý du lịch còn chưa chặt chẽ, ứng xử của khách du lịch chưa văn minh… Cùng quan điểm, đại biểu Đoàn Minh Long đề nghị, Sở Du lịch cần có giải pháp để quản lý du lịch hiệu quả hơn, đa dạng hóa nguồn khách quốc tế, có giải pháp để du lịch phát triển bền vững.


Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Việt Trung -  Giám đốc Sở Du lịch cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón hơn 3 triệu lượt khách, trong đó hơn 1,7 triệu lượt khách quốc tế. Ngành Du lịch đã thực hiện các giải pháp để đa dạng hóa nguồn khách quốc tế, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc và Nga. Theo đó, các thị trường truyền thống đã khôi phục trở lại, một số thị trường tăng trưởng mạnh: khách Hàn Quốc tăng 48%, Malaysia tăng 400%, khách châu Âu tăng 10%… Theo ông Trung, việc khách du lịch tăng nhanh đã tác động đến sự phát triển cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh. Bên cạnh trung tâm du lịch Nha Trang, các nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư du lịch ở Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh cũng như một số khu vực phía bắc của tỉnh.


Ông Phan Thông - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: “Sở Du lịch cần tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp quản lý để du lịch phát triển bền vững. Cùng với việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, cần phải đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí để tạo thêm nguồn thu, giữ chân du khách”. Ông Phan Thông cùng một số đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh cần nghiên cứu để có giải pháp quản lý khách du lịch Trung Quốc trốn ở lại làm việc chui, nhờ người Việt Nam đứng tên mua nhà, đất; các cửa hàng mua bán khép kín dành cho khách Trung Quốc.


Lo ngại việc ùn tắc giao thông


Sự phát triển quá “nóng” của du lịch cũng góp phần tạo nên tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang. Lý giải cho tình trạng này, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 50.000 xe ô tô các loại, 820.000 xe máy. Bên cạnh đó, hàng ngày Nha Trang - Khánh Hòa đón lượng khách du lịch rất lớn nên chịu sức ép về giao thông. Khách du lịch đều đổ xô ra phía biển nên việc ùn tắc là không thể tránh khỏi. Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã cho phép thực hiện các dự án như: nối dài đường Nguyễn Thiện Thuật và đường Trần Nhật Duật…; chuẩn bị triển khai các dự án đấu nối đường 23-10 với đường Võ Nguyên Giáp… Khi các dự án này hoàn thành, tình hình giao thông trên địa bàn sẽ được cải thiện.

 

Tình trạng ách tắc giao thông diễn ra khá thường xuyên ở Nha Trang.

Tình trạng ách tắc giao thông diễn ra khá thường xuyên ở Nha Trang.


Tại cuộc họp, một số đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông là do đường Trần Phú và khu vực lân cận có quá nhiều khách sạn cao tầng được xây dựng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng không đồng tình với quan điểm này. “Theo quy hoạch chung của TP. Nha Trang được phê duyệt, diện tích xây dựng nhà cao tầng hiện nay mới chỉ đạt 30%. Theo tôi, vấn đề ách tắc giao thông ở Nha Trang hiện nay là do quy hoạch giao thông và việc phân luồng giao thông chưa được tốt. Tới đây, khi các dự án mở rộng đường  Nguyễn Thiện Thuật, Trần Nhật Duật được đấu nối với đường Trần Phú, vấn đề này sẽ được giải quyết”, ông Dẽ nói.  


Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc du lịch tăng trưởng “nóng” đã kéo theo nhiều áp lực các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ chưa đảm bảo, tình trạng ách tắc giao thông. Theo đó, ông đề nghị UBND tỉnh cần tổ chức cho các ngành ngồi lại với nhau, bàn thảo về quy chế phối hợp quản lý để để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.


Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất

 

Kết luận phần thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Tấn Tuân lưu ý, UBND tỉnh và các địa phương khẩn trương trong việc hỗ trợ, khôi phục sản xuất sau cơn bão số 12; chấn chỉnh tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; rà soát giải quyết các dự án chậm tiến độ; công tác cải cách hành chính; quản lý lao động người nước ngoài… Đặc biệt, đồng chí đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu chính sách kêu gọi đầu tư để tăng tỷ trọng của ngành Công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, ước tính cơn bão số 12 (tháng 11-2017) đã gây thiệt hại cho tỉnh khoảng 15.500 tỷ đồng, nhưng kinh phí khắc phục chỉ đảm bảo được 5%. Mặt khác, thiệt hại nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp đủ điều kiện hỗ trợ chỉ chiếm 16%. UBND tỉnh đã tạm ứng hơn 264 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, để chi cho các địa phương hỗ trợ người dân bị thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản) có đầy đủ hồ sơ đề xuất theo quy định của Nghị định 02. Đến nay, 7 địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ xong cho các đối tượng đủ điều kiện, riêng thị xã Ninh Hòa đang niêm yết danh sách, dự kiến đến ngày 30-7 sẽ hỗ trợ xong.


Tại kỳ họp, các đại biểu đã kiến nghị tỉnh cần quan tâm hơn, mở rộng đối tượng được hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn tái đầu tư sản xuất.  Liên quan vấn đề này, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho các hộ không đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, tuy nhiên Bộ Tài chính không đồng ý. Mới đây, theo đề xuất của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã đồng ý với chủ trương hỗ trợ mỗi hộ gia đình nuôi trồng thủy sản lồng, bè 7 triệu đồng/hộ. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có  2.366 hộ nuôi trồng thủy sản lồng, bè được nhận hỗ trợ.  


Theo UBND tỉnh, đến nay, các ngân hàng đã cho vay mới đối với 1.433 khách hàng, với tổng số tiền 1.271 tỷ đồng để khôi phục sản xuất; cơ cấu thời hạn trả nợ cho 429 khách hàng, với tổng số tiền hơn 436 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 48 khách hàng, với số tiền hơn 1 tỷ đồng; có gần 500 khách hàng được khoanh nợ.


XUÂN THÀNH -  HẢI LĂNG