10:04, 12/04/2012

Gặp khó về kinh phí

Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVI và Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa về Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015...

Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVI và Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa về Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015, huyện Vạn Ninh đang nỗ lực đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn gắn với đầu tư phát triển Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn về kinh phí.

. Tổng nguồn vốn lên đến 3.684 tỷ đồng

Chương trình phát triển đô thị huyện Vạn Ninh giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu đầu tư cho vùng trung tâm đô thị Vạn Giã làm hạt nhân gắn với vùng kinh tế trọng điểm của KKT Vân Phong; xây dựng khu trung tâm xã và các vùng phụ cận thị trấn Vạn Giã, tạo cơ sở để kết nối phát triển không gian đô thị, phấn đấu đưa Vạn Ninh trở thành thị xã vào năm 2015. Để thực hiện mục tiêu trên, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án lên đến 3.684 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh 1.465,5 tỷ đồng, chiếm 40%; vốn ngân sách huyện 164 tỷ đồng, chiếm 4,5%; vốn khác 2.054,5 tỷ đồng, chiếm 55,5%). Đô thị Vạn Ninh sẽ lấy đô thị Vạn Giã làm trung tâm, từ đó phát triển theo trục Bắc - Nam gồm: Cụm đô thị Vạn Thắng - Khu đô thị sinh thái Tuần Hoàn - Cổ Mã (Tu Bông); Cụm đô thị Đầm Môn - Đại Lãnh (thuộc KKT Vân Phong).


Khi hoàn thành, đường ven biển phía Nam thị trấn Vạn Giã sẽ tạo nên diện mạo mới cho đô thị này.
Khi hoàn thành, đường ven biển phía Nam thị trấn Vạn Giã sẽ tạo nên diện mạo mới cho đô thị này.

 

Đô thị Vạn Giã được xác định là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật của huyện, bộ phận của KKT Vân Phong. Năm 2010, thị trấn Vạn Giã đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV. Giai đoạn 2011 - 2015, địa phương phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí còn thấp đối với đô thị loại IV của Vạn Giã; xây dựng đô thị theo hướng hiện đại, có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh để phát triển, tận dụng lợi thế trong KKT Vân Phong. Đô thị Vạn Giã có động lực phát triển chủ yếu là trung tâm hành chính, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và khu công nghệ cao Vạn Thắng, đảm nhận chức năng hỗ trợ cho sự phát triển của KKT Vân Phong khi các khu đô thị Tu Bông - Hòn Gốm chưa hình thành và phát triển. Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển đô thị Vạn Giã, từ năm 2011 đến 2013, địa phương tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình như: đường Lê Hồng Phong (đoạn 4), đường 14 tháng 8, cầu Hiền Lương 2, Bệnh viện Đa khoa huyện, nâng cấp và mở rộng Nhà máy Nước Vạn Ninh cùng các tuyến đường chính từ Quốc lộ 1A đến Bệnh viện Đa khoa huyện gắn với hệ thống thoát nước khu vực, mở rộng nghĩa trang Dốc Ké; kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại từ nguồn xã hội hóa (như: nâng cấp chợ, xây dựng trung tâm thương mại huyện, bến xe Vạn Giã)… Từ năm 2014 đến 2015, huyện chú trọng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như: nghĩa trang phía Nam huyện (tại xã Vạn Lương) và nghĩa trang phía Bắc Vân Phong (tại xã Vạn Khánh); khu xử lý rác thải xã Vạn Khánh, Vạn Hưng; đầu tư xây dựng các tuyến đường chính nội thị gắn với hệ thống cấp, thoát nước đô thị; dành quỹ đất tại các khu dân cư để ưu tiên bố trí tái định cư những dự án trên địa bàn đô thị Vạn Giã.

Đối với đô thị Đại Lãnh, huyện xác định đây là khu đô thị trong chùm đô thị Bắc Vân Phong; là trung tâm chuyên ngành du lịch, trung tâm cấp tiểu vùng, chịu tác động mạnh mẽ của sự hình thành và phát triển KKT Vân Phong. Năm 2010, UBND tỉnh đã công nhận xã Đại Lãnh là đô thị loại V. Do đó, địa phương tập trung hoàn chỉnh các tiêu chuẩn còn thiếu đối với đô thị loại V. Ngoài ra, để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển đô thị Đại Lãnh giai đoạn 2011 - 2015, huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như: xây dựng trục chính Bắc - Nam đô thị Đại Lãnh phù hợp với dự án hầm đường bộ qua đèo Cả nhằm hoàn thiện tiêu chí hạ tầng đô thị loại V; xây dựng trục chính Đông - Tây đô thị Đại Lãnh gắn với xây dựng hệ thống cấp, thoát nước mưa đô thị; đồng thời dành quỹ đất tại các khu dân cư để ưu tiên bố trí tái định cư những dự án trên địa bàn và chỉnh trang đô thị Đại Lãnh…

 . Cần được hỗ trợ kinh phí

thực hiện công tác quy hoạch
Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Năm 2011, do ngân sách huyện đã tập trung phân bổ đến các công trình chuyển tiếp và những công trình bức xúc nên không đủ kinh phí cho công tác lập quy hoạch. Vì vậy, các danh mục thuộc Đồ án Quy hoạch xây dựng đô thị do UBND huyện làm chủ đầu tư với kinh phí 7 tỷ đồng chưa thực hiện được. Tại Báo cáo số 80/BC-UBND ngày 28-3-2012 của UBND huyện Vạn Ninh gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác quy hoạch; các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án và tiếp tục đầu tư những công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện…

Thiết nghĩ, với một địa phương được đánh giá là vùng động lực để thúc đẩy phát triển phía Bắc KKT Vân Phong, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tranh thủ nguồn vốn của Trung ương cũng như có kế hoạch ưu tiên bố trí vốn hợp lý từ nay đến năm 2015 cho Vạn Ninh. Có như vậy, huyện mới hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị, góp phần thực hiện thành công Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở KKT Vân Phong.

HOÀNG TRIỀU

Ông Trần Kim Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Để thực hiện thành công Chương trình phát triển đô thị huyện giai đoạn 2011 - 2015, địa phương tiến hành thực hiện 8 nhóm giải pháp đã đề ra trong Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015. UBND huyện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện và tranh thủ kịp thời nguồn vốn những dự án, chương trình của Trung ương như: Chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đề án kiên cố hóa trường lớp học… để từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đô thị.