10:11, 23/11/2005

Tàu Cần Giờ và cuộc trở về từ Tanzania

Tàu Cần Giờ thuộc Công ty SEA Sài Gòn Shipping, sau chuyến chở hàng sang Tanzania vào tháng 7-2004 thì bất ngờ bị bắt giữ. Hơn 1 năm vật lộn với nền pháp chế của đất nước xứ Tây Phi...

Tàu Cần Giờ tại cầu cảng Hyundai Vinashin.

Tàu Cần Giờ thuộc Công ty SEA Sài Gòn Shipping, sau chuyến chở hàng sang Tanzania vào tháng 7-2004 thì bất ngờ bị bắt giữ. Hơn 1 năm vật lộn với nền pháp chế của đất nước xứ Tây Phi, ngày 21-7-2005, tàu rời cảng Dar Es Salaam để trở về. Khi tàu cập cảng Hyundai Vinashin, chúng tôi đã có cuộc chuyện trò với các thủy thủ để tìm hiểu cuộc trở về hết sức cam go của tàu.

Tàu có trọng tải 2.900 tấn, được Công ty Staran - Sean Malaysia thuê từ tháng 12-2003. Tháng 7-2004, tàu chở hàng thiết bị máy móc xây dựng từ Malaysia sang Tanzania, cập cảng Dar Es Salaam vào trung tuần tháng 7. Sau khi giao hàng cho nước bạn, tàu chuẩn bị rời cảng thì ngày 27-7-2004, thuyền trưởng Lê Thanh Chương và 10 thuyền viên của tàu nhận được lệnh của Tòa án Kinh tế Tanzania yêu cầu ở lại để hầu kiện Công ty Mohammed Enter Prrise. Hỏi lý do vì sao tàu Cần Giờ bị giữ thì được biết: Năm 1999, Công ty Mohammed Enter Prrise mua của Công ty TNHH Thanh Hòa (Việt Nam) 6.000 tấn gạo, song Thanh Hòa đã giao nhầm cho một con tàu ma, bị họ chở gạo đi đâu không rõ, gây thiệt hại cho Mohammed. Để có cơ sở đòi Công ty Thanh Hòa số gạo trên, khi phát hiện tàu Việt Nam cập cảng Tanzania, Công ty Mohammed đã gửi đơn đến Tòa án Kinh tế nước họ yêu cầu giữ lại để kiện ra Tòa. Bất chấp sự thật đúng sai, Tòa án Kinh tế Tanzania ra lệnh giữ tàu Cần Giờ. Xét thấy tàu mình đã bị giữ nhầm, song tôn trọng luật pháp nước bạn và để vụ việc được nhanh chóng giải quyết, 2 Công ty SEA Sài Gòn Shipping và Staran - Sean chấp nhận nộp 10.000 USD án phí. Song khi vụ án sắp được đưa ra xét xử thì có lệnh của Tòa án Tối cao Tanzania: “Tòa Kinh tế không đủ thẩm quyền”. Tuy nhiên, 10.000 USD án phí của SEA Sài Gòn Shipping và Staran - Sean đã không được hoàn trả. Vụ kiện kéo dài, SEA Sài Gòn Shipping và Staran - Sean phải thuê luật sư và hàng tuần thuyền trưởng Lê Thanh Chương, máy trưởng Bùi Vĩnh Phúc Toàn, đại diện Đại lý Hàng hải Việt Nam (VOSA) và Đại sứ quán Việt Nam phải đến Tòa án Tối cao Tanzania để họ thẩm vấn. Tòa án Tối cao Tanzania tỏ ra lần khân trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng, nên tháng 4-2005, 7 trong 11 cán bộ và thủy thủ của tàu được lệnh tạm thời về nước, 4 người phải ở lại coi tàu là máy trưởng Bùi Vĩnh Phúc Toàn, quê Bến Tre, cùng các thủy thủ: Phạm Gia Thành, quê Thanh Hóa; Nguyễn Quang Hưng, quê Hải Phòng và Nguyễn Trọng Dũng, quê Hà Tĩnh. Lên bờ thì sợ mất trộm, nằm dưới tàu hết ngày dài đến đêm thâu thì anh em chán ngán. Họ sống trong sự khắc khoải và thiếu thốn từ con cá, lá rau, đến tin tức vợ con gia đình ở quê nhà. May thay, những ngày ở Dar Es Salaam họ đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ Đại sứ quán và một số chuyên gia Việt Nam công tác tại Tanzania.

Trước sự bắt giữ vô lý và cố ý kéo dài không chịu phán xử của Tòa án Tối cao Tanzania, ngày 31-5-2005, ông Đỗ Mạnh Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Tanzania đã có công văn gửi ngài Chánh án với sự phản đối gay gắt: “Vụ tranh chấp giữa 2 công ty Thanh Hòa và Mohammed Enter Prrise đã được Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phán quyết ngày 14-1-2003 theo đúng hợp đồng mua bán của 2 bên. Giữa Công ty Mohammed và VOSA chưa có văn bản nào mang tính pháp lý ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, song Mohammed cố tình đổ trách nhiệm cho VOSA Việt Nam, qua đó quy trách nhiệm cho Chính phủ Việt Nam là không có căn cứ. Tòa án Tối cao Tanzania theo yêu cầu của Công ty Mohammed coi Chính phủ Việt Nam là bị đơn trong vụ tranh chấp thương mại giữa 2 công ty tư nhân là không phù hợp với pháp luật quốc tế và truyền thống giữa 2 nước. Tàu Cần Giờ của SEA Sài Gòn Shipping không liên quan đến vụ tranh chấp thương mại, Tòa án Tối cao Tanzania coi tàu Cần Giờ là tài sản của Chính phủ Việt Nam như vật thế chấp để bắt giữ là không có căn cứ pháp lý và việc bắt giữ đó là trái pháp luật. Tàu bị bắt giữ hơn 1 năm nay gây tổn thất lớn về vật chất cho liên doanh và sức khỏe, tinh thần cho thủy thủ. Do đó yêu cầu ông Chánh án sớm có giải pháp để tàu sớm được về nước”.

4 thủy thủ tàu Cần Giờ, sau hơn 1 năm bị tạm giữ.

Hơn 1 tháng sau, Công văn của Đại sứ quán Việt Nam mới có sự phản hồi. Ngày 14-7-2005, luật sư của Công ty xuống tàu mang theo thông báo của ông Chánh án: “Cho tàu Cần Giờ được nhổ neo”. Tin vui này được báo về Việt Nam. Mấy ngày sau, SEA Sài Gòn Shipping thuê ngay một kíp gồm thuyền trưởng, thuyền phó, sĩ quan máy, thợ máy, đầu bếp sang Tanzania. Ngày 21-7, tàu nhổ neo rời bến về Ấn Độ. Dưới sự chỉ đạo của Công ty Staran - Sean, tàu tranh thủ khai thác một số chuyến vận tải trong vùng, chở hàng từ Ấn Độ sang Xrilanca và ngược lại. Tháng 11-2005, tàu về Singapore chở hàng cho Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin. Ngày 18-11-2005 tàu cập cảng. Sau chuyến hàng này, tàu sẽ được sửa chữa ở Nhà máy Đóng tàu Ba Son, TP. Hồ Chí Minh.

Tàu Cần Giờ bị Tòa án Tối cao Tanzania bắt giữ hơn 1 năm đã gây nhiều thiệt hại về vật chất cho phía sử dụng tàu. Đặc biệt, do không được hoạt động nên tàu bị xuống cấp nghiêm trọng phải vào xưởng sửa chữa lớn. Tàu Cần Giờ bị bắt giữ ở một đất nước xa xôi, có phong tục tập quán và cả luật pháp còn nhiều bất cập với Việt Nam là điều bất khả kháng với thủy thủ của tàu. Tuy nhiên, cần xem xét lại việc Công ty TNHH Thanh Hòa và các ngành hữu quan trong việc xuất 6.000 tấn gạo cho một con tàu ma vào năm 1999?

NGUYỄN XUÂN