07:30, 13/02/2024

Lưu dấu nghề gốm xưa

NA - TRÚC

Tại Làng nghề Trường Sơn, khu Làng nghề truyền thống ở Khu du lịch Champa Island hay Tháp Bà Ponagar… ở TP. Nha Trang, không gian nghệ thuật gốm truyền thống luôn cuốn hút du khách không chỉ bởi các sản phẩm đặc trưng địa phương, mà còn bởi nét đẹp nên thơ, bình yên đến nao lòng. 

Giữ nghề truyền thống

Chúng tôi đã có dịp gặp nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng (63 tuổi) tại Làng nghề Trường Sơn. Sinh ra và lớn lên ở phố biển Nha Trang, bên dòng sông Cái, nơi có Tháp Bà Ponagar cổ kính còn lưu dấu bao trầm tích văn hóa Chăm nên ông vẫn luôn giữ riêng cho mình tình yêu đặc biệt với gốm… Trò chuyện với chúng tôi, đôi tay ông vẫn luôn thoăn thoắt vẽ các họa tiết hoa văn trang trí trên gốm một cách điêu luyện. Ông bày tỏ: “Từ nhỏ tôi đã lớn lên gần làng gốm Lư Cấm rồi dần dần gắn bó với nghề tạo hình cho đất từ lúc nào không hay… Chứng kiến nhiều sự thăng trầm của làng gốm Lư Cấm, tôi vẫn tin rằng sự kiên trì với gốm truyền thống là cách gìn giữ linh khí cho làng nghề gốm quê hương”. 

Với ông Hùng, kiên trì với gốm truyền thống là cách gìn giữ linh khí cho làng nghề gốm quê hương.
Với ông Hùng, kiên trì với gốm truyền thống là cách gìn giữ linh khí cho làng nghề gốm quê hương.

Theo ông Hùng, gốm Lư Cấm có kỹ thuật nung rất đặc sắc, mà theo giới điêu khắc, với gốm thì ngọn lửa nung có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng thành công với nhiều tác phẩm có giá trị về mỹ thuật chính là nhờ “ngọn lửa Lư Cấm”, như: Nghệ thuật gốm Chăm; bộ tác phẩm về gia đình, tình mẫu tử hay chủ đề về tình yêu vĩnh cửu…

Du lịch trải nghiệm tìm hiểu về nghề, làng nghề truyền thống sẽ mang du khách chuyến hành trình khám phá thiên văn hóa đặc sắc vùng đất, con người “xứ trầm, biển yến”… trong dịp Tết đến, Xuân về.
Ông Hùng giới thiệu tác phẩm điêu khắc với du khách.

Sinh ra và lớn lên ở làng gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận), thế nhưng bà Đàng Quốc Nao (42 tuổi) lại chọn làm việc tại Khu du lịch Champa Island ở Nha Trang. Với kinh nghiệm làm gốm từ nhỏ, từ những rẻo đất sét đem theo từ quê nhà, bà Nao thao tác cho chúng tôi xem từ công đoạn nhào đất, nặn đất cho đến tạo hình một cách nhuần nhuyễn. “Hầu hết phụ nữ ở làng Bàu Trúc đều biết làm gốm. Từ nhỏ, chúng tôi đều được các bà, các mẹ hướng dẫn và sau đó tự mày mò, sáng tạo ra các mẫu hoa văn mới” - bà Nao cho biết. 

Với chị Nao, dù làm việc xa qua hương nhưng chị luôn cảm thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại Làng nghề gốm Bàu Trúc.
Bà Nao thực hiện công đoạn làm ra sản phẩm gốm Bàu Trúc.

Tận mắt chứng kiến công đoạn chế tác gốm Bàu Trúc ở giữa lòng phố biển, chúng tôi cảm phục trước sự sáng tạo tài hoa trong nghề của người phụ nữ Chăm. Lau nhẹ giọt mồ hôi trên trán, bà Nao bộc bạch: “Tuy phải xa quê để đến vùng đất mới sinh sống, làm việc nhưng với tôi được làm gốm là để thực hiện ước mơ, sáng tạo ý tưởng của mình; đồng thời gìn giữ nghề truyền thống của quê hương cho dù ở đâu…”.

Nhân viên Khu Làng nghề truyền thống ở Khu du lịch Champa Island hướng dẫn học sinh tự tay làm gốm.
Nhân viên Khu Làng nghề truyền thống ở Khu du lịch Champa Island hướng dẫn học sinh làm gốm.

Níu bước du khách

Với sự đổi thay của dòng chảy thời gian, nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng vẫn luôn giữ trái tim yêu nghề mãnh liệt… Đưa gốm trưng bày, trình diễn tại Làng nghề Trường Sơn không chỉ đơn thuần để khách đến xem các nghệ nhân làng nghề làm ra sản phẩm, hay đến mua sắm, tham quan mà ông còn mong muốn đưa những giá trị nhân văn, những giá trị phi vật thể tồn tại lâu đời đến gần hơn với nhiều du khách trong và ngoài nước. “Làng nghề Trường Sơn đã tạo nên một không gian văn hóa có ý nghĩa rất lớn đối với các nghệ nhân làng nghề truyền thống. Đây là nơi nghệ nhân đem hết tài năng, trí tuệ làm nên những sản phẩm độc đáo giới thiệu với du khách; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật của làng nghề truyền thống cổ xưa ở xứ Trầm Hương. Trong năm 2024, tôi sẽ xây dựng hoàn thành “Ngôi đền tình yêu”, nơi đó sẽ là một góc nghệ thuật đầy tình cảm để đón mọi người trong đó có du khách phương xa đến thưởng lãm gốm Lư Cấm Nha Trang” - ông Hùng tâm sự.

Nhiều du khách thích thú trải nghiệm làm gốm tại không gian Làng nghề truyền thống ở Khu du lịch Champa Island.
Nhiều du khách thích thú trải nghiệm làm gốm tại không gian Làng nghề truyền thống ở Khu du lịch Champa Island.

Còn bà Nao mong rằng, khi du khách đến với khu Làng nghề truyền thống ở Khu du lịch Champa Island sẽ cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc trong từng tác phẩm gốm Bàu Trúc để thêm trân trọng những giá trị tinh hoa nghề truyền thống được người Chăm giữ gìn bao đời qua. 

Hy vọng, du khách đến với Nha Trang vào những ngày đầu xuân, bên cạnh khám phá thiên đường biển, đảo, du lịch trải nghiệm tìm hiểu về nghề, làng nghề truyền thống sẽ là chuyến hành trình khám phá thiên nhiên, văn hóa đặc sắc vùng đất, con người “xứ trầm, biển yến”… 

NA - TRÚC