Phiêu du cùng dù lượn
.
06:23, 05/07/2023

Phiêu du cùng dù lượn

 

Yêu thích cảm giác phiêu du, tự do bay lượn trên bầu trời, nhiều người đã tìm đến với loại hình thể thao mạo hiểm dù lượn. Mỗi lần cất cánh là một lần họ được chinh phục độ cao để ngắm nhìn phố phường, đồng quê Nha Trang tươi đẹp.

 

Ngày cuối tuần, chúng tôi đến khu vực bay của Công ty TNHH Thể thao mạo hiểm Hòn Én - gọi tắt là Công ty Hòn Én (thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) để trải nghiệm cảm giác bay trên bầu trời bằng dù lượn. Người bay kèm với chúng tôi là ông Boris Laamonen (quốc tịch Nga) - có kinh nghiệm hơn 300 giờ bay và đã làm việc cho Công ty Hòn Én từ 1 năm nay. Dù có sự bất đồng ngôn ngữ song qua những cử chỉ của ông, chúng tôi cũng biết được một số điều nên làm và không nên làm lúc cất cánh, hạ cánh và trong thời gian bay. Chẳng hạn, trước lúc cất cánh cần nghe hiệu lệnh của người hướng dẫn bay và liên tiếp chạy lấy đà cho đến khi cánh dù nâng mình lên khỏi mặt đất. Lúc đó, người khách bay không được nhìn xuống mặt đất mà hãy nhìn ra xa phía chân trời hoặc nhìn lên trên bầu trời để tránh cảm giác bị say độ cao. Sau một lúc bay ổn định, có thể thoải mái nhìn ngắm những vị trí mình thích. Còn lúc hạ cánh, nhất định phải giữ bình tĩnh, khi chân chạm mặt đất thì tiếp tục sải bước đều để tránh tình trạng bị vấp ngã hoặc dù trùm lên người.

 

Huấn luyện viên đang giúp du khách đeo đồ bảo hộ bay.

 

Với vốn kiến thức cơ bản như vậy, chúng tôi thử thách bản thân mà trong lòng không tránh khỏi lo âu. Như hiểu được tâm lý đó, ông Boris Laamonen liên tục động viên chúng tôi bằng mấy từ tiếng Việt được ông phát âm lơ lớ “yên tâm”, “cứ thoải mái”. Thấy trên trời có chú chim đại bàng chao liệng, ông nói cho chúng tôi biết đó là dấu hiệu tốt để chuyến bay thành công. Phải mất khá lâu nhìn lên từng đám mây để đón ánh nắng, căn hướng gió một cách chắc chắn, ông Boris Laamonen liền lệnh cho chúng tôi xuất phát khỏi điểm bay. Sau một vài bước chân, chúng tôi nhanh chóng được cánh dù lượn nhấc bổng bay khỏi đỉnh Hòn Én trong tiếng hú hét đầy phấn khích.

 

 

 

Lơ lửng trên bầu trời, bay cao hơn những đỉnh núi đã giúp chúng tôi có thời gian nhìn ngắm cảnh vật xung quanh thật đẹp mắt. Nỗi lo sợ đã không còn để nhường chỗ cho cảm giác thư thái, thoải mái mà như ngôn ngữ của giới trẻ thời nay là “rất chill”. Giữa trời nắng đẹp, gió mát phả đều vào mặt, chúng tôi có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh không gian bên dưới với những khu nhà xưởng, hồ chứa nước Đắc Lộc, những rẫy xoài, dòng suối, cánh đồng xanh mát. Phóng tầm mắt về phía đông là trung tâm TP. Nha Trang với những tòa nhà cao tầng nhấp nhô; phía tây là những dãy núi trập trùng; phía nam là cánh đồng Vĩnh Phương xanh non; phía bắc có thể thấy được quang cảnh đầm Nha Phu. Do điều kiện hoạt động dịch vụ bay đôi dành cho khách chỉ giới hạn phạm vi trong khu vực thôn Đắc Lộc nên chúng tôi không có điều kiện để bay ra biển ngắm toàn cảnh TP. Nha Trang. Tuy có chút tiếc nuối, nhưng qua trải nghiệm gần 15 phút phiêu du cùng dù lượn, cũng đủ cho chúng tôi hiểu vì sao ngày càng có nhiều người yêu thích bộ môn này.

 

Hoạt động bay dù lượn xuất hiện ở Khánh Hòa từ gần chục năm nay, nhưng được nhiều người biết đến từ năm 2019, với điểm bay được tổ chức ở huyện Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, điểm bay này đã ngừng hoạt động. Đầu năm 2022, điểm bay mới ở núi Hòn Én được đi vào hoạt động. Đến đây, chúng tôi gặp nhiều người có chung niềm yêu thích bay dù lượn.

 

 
 

Còn anh Nguyễn Đăng Vĩ (thôn Hòn Nghê 1, xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang) có gần một năm đến với bộ môn dù lượn. Vốn là người ưa thích khám phá và thử sức mình ở những loại hình thể thao cảm giác mạnh nên khi biết có điểm bay dù lượn ở Hòn Én, anh đã đăng ký tham gia khóa huấn luyện những kỹ thuật cơ bản điều khiển dù lượn. Sau khi có thể tự bay đơn, anh Vĩ mua cho riêng mình một bộ dù lượn, cùng trang thiết bị liên lạc trị giá gần 100 triệu đồng. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi lúc có thời gian anh lại lên điểm bay Hòn Én để bay mấy vòng cho thỏa mãn niềm yêu thích. 

 

 

 

 

 

 

 

Cùng chung niềm đam mê dù lượn, nhưng những huấn luyện viên của Công ty Hòn Én lại ở cấp độ cao hơn. Mỗi người để có thể thực hiện dịch vụ bay đôi đều phải qua các khóa đào tạo từ thấp đến cao và có số giờ bay đơn từ 200 giờ trở lên. Như trường hợp của ông Boris Laamonen, đã từng bay dù lượn ở nhiều nước, cũng như nhiều địa điểm bay tại Việt Nam. 

 

 

 

 

 

 

Bài viết - Hình ảnh: GIANG ĐÌNH

Thiết kế eMagazine: MINH KHANG

Xem thêm bình luận