Liên hoan các làng văn hóa tỉnh lần thứ 6 năm 2023 vừa kết thúc tại huyện Cam Lâm, nhưng dư âm của những ngày hội ngộ, đua tài vẫn còn đọng lại trong tình cảm của mỗi người dân tham dự. Liên hoan thêm một lần nữa khẳng định nét đẹp chân quê, hồn hậu được lan tỏa đến mọi người để nhân lên những giá trị tích cực trong cuộc sống.
Tham gia liên hoan năm nay có 8 làng văn hóa tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho 8 huyện, thị xã, thành phố đi giao lưu, đua tài ở cấp tỉnh. Thường ngày, thành viên của các làng là những người nông dân, ngư dân, nghệ nhân làm nghề thủ công, người buôn bán nhỏ… Tham gia liên hoan, họ trở thành những “sứ giả” để giới thiệu những nét đẹp của làng quê mình đến bạn bè, người dân trong tỉnh. “Làng chúng tôi có nghề làm bún truyền thống, được làm từ những hạt gạo thơm ngon cấy trồng trên đồng đất quê hương. Thường ngày, tôi đi bán hàng ở chợ, nay được đại diện cho địa phương đi dự liên hoan các làng văn hóa nên đội chúng tôi đã cố gắng giới thiệu đến mọi người những gì đặc trưng, đặc sắc nhất của làng quê mình”, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - thành viên làng văn hóa Thạnh Mỹ (xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) cho biết.
Hơn 250 thành viên của 8 làng văn hóa đã cùng nhau trao gửi những tiếng hát, lời chào thân thương, mộc mạc. Ở đó, người dân ở làng văn hóa Thạnh Mỹ thông qua những làn điệu dân ca ngọt ngào được soạn lời mới đã giới thiệu đến mọi người những mô hình hay, phát huy hiệu quả trong cuộc sống cộng đồng. Những thành viên của tổ dân phố Trà Long (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) đã khéo léo lồng ghép, giới thiệu về nghề làm biển của người dân nơi đây, quyết tâm thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua. Các thành viên làng văn hóa An Ninh (xã Diên An, huyện Diên Khánh) lại đưa khán giả đi tham quan những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Miếu Trịnh Phong, đình An Ninh, cây dầu đôi… Mỗi làng một vẻ, tất cả đều mong muốn đưa tới cho khán giả những nét đặc trưng, nổi bật nhất của làng quê mình đang sinh sống, từ đó khơi gợi, lan tỏa những quyết tâm về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới.
Trong chương trình liên hoan, một nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều người chính là phần thi giới thiệu, quảng bá về những nghề truyền thống của địa phương. Người dân làng văn hóa An Ninh giới thiệu nghề làm bánh ít, bánh phu thê... thường được sử dụng nhiều vào mỗi dịp cưới hỏi. Những già làng đến từ làng văn hóa Suối Cá (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) đem đến nghề đan gùi truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Thông qua tiểu phẩm ngắn, các thành viên làng văn hóa Thạnh Mỹ đã giới thiệu nghề làm bún và món bún lá cá dằm nổi tiếng nơi đây.
Trong khi đó, đại diện huyện chủ nhà Cam Lâm, thành viên làng văn hóa Vĩnh Nam (xã Cam An Nam) có dịp giới thiệu với mọi người nghề làm bánh tráng xoài. Tổ dân phố Trà Long lại giới thiệu nghề đan lưới của những ngư dân quanh năm bám biển. “Tôi làm nghề này từ lúc còn nhỏ, đến nay cũng đã hơn 55 năm biết đan, vá lưới. Được đến đây giới thiệu về nghề của ông cha truyền lại tôi thấy rất vui. Tôi không nghĩ, có một ngày công việc mình vẫn thường làm lại được trình diễn trên sân khấu cho mọi người xem”, bà Trần Thị Hương (tổ dân phố Trà Long) cho biết. Già làng Hà Cao (làng văn hóa Suối Cá) chia sẻ: “Những chiếc gùi luôn gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân Raglai, Êđê, T’rin, nhưng ngày càng có ít người biết đan gùi. Tôi đã cố gắng truyền dạy nghề này cho giới trẻ, nhưng không mấy người theo học. Được đi giới thiệu cách thức để làm ra một chiếc gùi, tôi rất thích. Mong rằng, nghề đan gùi sẽ được lưu truyền về sau”.
Thông qua câu chuyện về những nghề truyền thống ở các địa phương, chúng ta thấy được những thực trạng khác nhau. Có nghề vẫn được người dân duy trì và tạo nên nguồn thu nhập tốt cho mỗi gia đình, nhưng cũng có những nghề đối diện với nhiều khó khăn và nguy cơ mai một. Mỗi nghề truyền thống không đơn giản chỉ là một nghề nghiệp, mà còn chứa đựng giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa trong đó. Chính vì thế, liên hoan các làng văn hóa tỉnh đưa nội dung trình diễn các nghề truyền thống thành nội dung thi là dịp để các địa phương quảng bá, giới thiệu sâu rộng hơn đến mọi người. Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy các nghề truyền thống.
Bài viết - Hình ảnh: GIANG ĐÌNH
Thiết kế E-Magazine: MINH KHANG