Chuyện đánh cá giữa Biển Đông
.
08:30, 28/06/2023

Chuyện đánh cá giữa Biển Đông

 

Ở giữa Biển Đông rộng lớn, với độ sâu hàng nghìn mét, những ngư dân hoạt động lưới vây giàu kinh nghiệm cộng với thiết bị hiện đại biết cách xác định chính xác vị trí đàn cá đang di chuyển để tung chiêu dẫn dụ, gom đàn cá lại một chỗ, rồi bất ngờ buông lưới bắt trọn.

 

   

“Tàu rời cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) phải chạy cật lực 3 ngày, 3 đêm mới đến ngư trường đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Tàu tổ chức đánh bắt 7 ngày, đạt doanh thu 300 triệu đồng. Sáng nay, tôi cho quân chuyển giàn lưới mới vừa làm xong xuống tàu, thay lưới cũ, rồi bơm 10 tấn dầu, coi như đủ sức chạy theo tàu “cò bay” đang nằm rải rác ngoài biển. Mình phải sắm tàu lớn, lưới dài, đánh bắt đạt sản lượng cao, tàu “cò bay” mới thích hợp tác làm ăn” - ông Phạm Văn Hậu, chủ tàu lưới vây khơi (xã Phước Đồng, Nha Trang) cho biết.

Ông Hậu có 2 chiếc tàu, một chiếc làm nghề câu cá ngừ đại dương và một chiếc làm nghề lưới vây khơi. “Mấy thuyền trưởng tàu “cò bay” đang gọi điện vào cho tôi thông báo, cá đang gom đàn. Tôi phải cho tàu quay ra biển sớm hơn dự kiến, nếu tàu mình ra biển chậm, họ sẽ gọi các tàu khác đến đánh mất; vừa mất sản lượng cá, vừa mất lòng tin lẫn nhau. Họ đã tin tưởng mình mới gọi nên phải bằng mọi cách đáp ứng được yêu cầu, đây là “đạo” làm ăn uy tín với nhau ở giữa biển khơi” - ông Hậu nói.

 

“Tàu “cò bay” gặp “chà” gọi tàu lưới vây đến đôi khi cũng may rủi. Vì dân tàu “cò bay” không có kỹ năng để phát hiện và dự tính được sản lượng cá ở dưới “chà” bao nhiêu tấn. Có lúc tàu lưới vây ở cách tàu “cò bay” 70 - 100 hải lý, chạy mất cả ngày đêm mới đến nơi, nhưng dưới “chà” không có cá. Cả hai bên đều chấp nhận, không trách móc ai được. Lần khác, tàu lưới vây đánh được vài chục tấn cá, hoặc hơn 100 tấn, thuyền trưởng tàu “cò bay” cử người nhảy qua tàu lưới vây cùng xác nhận sản lượng đánh bắt được, để làm căn cứ cho việc trả hoa hồng sòng phẳng qua tài khoản ngân hàng” - thuyền trưởng Nguyễn Dũng (lái tàu cho ông Hậu) giải thích.

 

Thuyền trưởng Nguyễn Dũng kiểm tra thiết bị trên tàu đánh cá.

 

 

 

Tàu lưới vây cũng không phụ thuộc vào thông tin từ tàu “cò bay” cung cấp, mà bản thân tàu lưới vây phải nỗ lực chạy tìm kiếm “trận địa” đánh bắt mới ở giữa Biển Đông. Đặc biệt là ở vùng biển quần đảo Trường Sa, bãi Tư Chính, Phúc Nguyên... Những khu vực này có nhiều rạn san hô khổng lồ, nhiều hẻm vực sâu thẳm nên có trữ lượng cá lớn. 

Ông Dũng tường thuật: “Đối với những hẻm vực sâu, nằm ở giữa các bãi rạn san hô rộng lớn, trước đây, tôi thường hay ghi chép vào sổ tay về toạ độ, còn bây giờ bấm lưu vào màn hình máy ra đa. Đêm thứ nhất, nổ máy phát điện cho sáng hệ thống đèn cao áp để thu hút các loài phù du, cá nhỏ. Đêm thứ hai, cá lớn tìm đến ăn mồi. Lúc đầu đàn cá đến với số lượng ít, rất nhát, thường hay chạy loạn xạ, mọi hoạt động trên tàu cần hết sức nhẹ nhàng. Sau khoảng 2 đêm, đàn cá kéo đến nhiều hơn và bắt đầu quen với tàu, tôi sử dụng kỹ thuật ánh sáng đèn để gom đàn cá lại trong phạm vi nhỏ khoảng mấy trăm mét vuông. Nếu tàu và cá đang ở trong vùng nước cạn dưới 100m, phải dẫn cả đàn cá đi ra chỗ “điểm huyệt” để đánh trọn đàn”.

 

Tàu lưới vây khơi chuyển giàn lưới xuống tàu.

 

 

Ông Dũng nói tiếp: “Gom đàn cá lại một chỗ rất dễ, nhưng dẫn cả đàn cá đi theo chiếc tàu đến chỗ khác cách 2 - 3 hải lý là điều rất khó. Chỉ cần có hành động gì đó “phật ý”, đàn cá bỏ chạy tán loạn là thành công cốc. Phải cho tàu chạy tốc độ vừa phải để cá đủ độ “phê đèn”, nó mới đi theo. Đàn cá đến được hẻm vực cũng không vội đánh lưới ngay, cần theo dõi kỹ đàn cá, các lao động vào vị trí sẵn sàng buông lưới. Khi mọi thông số an toàn, tôi hạ lệnh thả lưới, đồng thời tăng ga cho tàu chạy hết cỡ, trong thời gian ngắn phải bao trọn đàn cá”.

Đối với cách đánh “điểm huyệt”, qua máy dò cá và kinh nghiệm của thuyền trưởng sẽ dự tính được đàn cá khoảng 2 tấn trở lên mới đánh. Đôi khi gặp đàn cá “khôn ngoan” vẫn có thể chạy thoát sau khi vòng lưới đã bao tròn. “Đặc tính cá sọc dưa hay đi theo đàn; lúc bị động mạnh, con dẫn đầu bơi xuống độ sâu 160m thoát ra ngoài (độ sâu của lưới vây chỉ 140 - 150m), cả đàn chạy theo. Để hạn chế sự cố này, trên tàu tôi sắm 3 bộ cảo (máy thu lưới); lựa chọn những người khỏe, nhanh đứng ở vị trí rút dây chì cho lẹ. Chỉ khi nào kéo dây chì lên hết trên tàu mới chắc ăn bắt trọn đàn cá” - thuyền trưởng Dũng nêu kinh nghiệm.

 

Ngư trường đánh bắt nghề lưới vây ở xa đất liền. Chi phí cho một chiếc tàu rời cảng ra khơi khoảng 200 triệu đồng, muốn có lãi phải khai thác được từ 10 tấn cá trở lên. Thời buổi này mà kiếm được chừng đó cá là cả một kỳ công lớn. Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 70 - 80% tổng chi cho một chuyến biển. Để cắt giảm khoản tiền mua dầu chạy tàu, một số chủ tàu có điều kiện sắm thêm chiếc tàu hậu cần đi theo chở cá vào bờ bán, cung cấp nhiên liệu, đá lạnh... Tàu lưới đủ năng lực ở lại đánh bắt 2 tháng liên tục mới quay trở vào đất liền.

Thuyền trưởng Phạm Y (phường Vĩnh Phước, Nha Trang) tâm sự: “Trong trường hợp tàu hậu cần chở cá vào bờ bán cho kịp chợ, chưa ra được. Tàu lưới gặp đàn cá đánh tiếp phải gọi tàu hậu cần của tỉnh khác đến mua cá theo giá thị trường ở trên biển. Tàu thu mua ghi số lượng cá trên miếng giấy nhỏ, họ vào bờ mới chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho tàu lưới. Nếu đánh được có mấy tấn cá mà phải chạy chiếc tàu lưới vào bờ sẽ làm tăng thêm chi phí tiền dầu, không còn lãi. Trường hợp tàu lưới vây thiếu dầu, tàu hậu cần sẽ bán luôn; riêng nước đá, nước ngọt họ cho không lấy tiền. Nhờ cách làm linh hoạt và giữ được “đạo” làm ăn với nhau ở trên biển, tàu chúng tôi mới ở lại vùng biển Trường Sa, Tư Chính, Phúc Nguyên... đánh bắt lâu ngày được”.
 

Bài viết và ảnh: HẢI LUẬN

Trình bày: MINH KHANG

 

Xem thêm bình luận