10:08, 04/08/2017

Nghĩ từ đường sách!

Nghe tiếng đường sách TP. Hồ Chí Minh đã lâu, nhưng gần đây tôi mới có dịp đến nơi này. Nằm kế bên Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố, đường sách (nguyên là đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) dài khoảng 200m với vòm me xanh mướt là một không gian văn hóa độc đáo.

Nghe tiếng đường sách TP. Hồ Chí Minh đã lâu, nhưng gần đây tôi mới có dịp đến nơi này. Nằm kế bên Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố, đường sách (nguyên là đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) dài khoảng 200m với vòm me xanh mướt là một không gian văn hóa độc đáo. Ngoài các cửa hàng sách, nơi đây còn có các gian hàng bán đồ lưu niệm, các tiệm cà phê sách, điểm ký họa chân dung, các chương trình giao lưu trò chuyện về sách.

 

Đường sách không chỉ là điểm hẹn của người yêu sách, mà còn trở thành địa điểm để người dân thành phố gặp gỡ với bạn bè, nơi chụp hình của các bạn trẻ, khách du lịch và các nghệ sĩ. Sau hơn một  năm hoạt động, đường sách đã trở thành điểm vui chơi, thư giãn yêu thích của nhiều người dân và du khách, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Theo thống kê của công ty đường sách, hiện nay, mỗi ngày đường sách đón 4.000 - 5.000 lượt khách, ngày cuối tuần có từ 6.000 đến 10.000 lượt khách đến tham quan, mua sách.


Sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng cũng đã mở đường sách. Ngồi nhâm nhi ly cà phê đường sách, tôi cứ luôn trăn trở với suy nghĩ liệu Nha Trang có thể xây dựng một đường sách hay không, nếu có thì địa điểm nào hợp lý? Vâng! Nha Trang cũng cần có một đường sách! Bởi, đường sách không đơn giản chỉ là việc trưng bày, bán sách, mà còn là điểm đến cần có của một thành phố du lịch. Việc hình thành một con đường sách, một không gian văn hóa mở chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của người dân và du khách, góp phần tạo lập thói quen đọc sách, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

 

Khi có đường sách, các hoạt động của ngày Sách Việt Nam 21-4 sẽ được tổ chức ở không gian mở thay vì đóng khung trong thư viện hay trường học như những năm qua. UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có đặt mục tiêu đến năm 2020 bình quân mỗi người dân trung bình đọc 4 cuốn sách/năm. Việc xây dựng đường sách chắc chắn sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu này. Hơn nữa, sự ra đời và phát triển của đường sách sẽ là minh chứng cho sự năng động, khát khao tri thức của một thành phố trẻ, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế!


Đường sách sẽ nằm ở đâu? Khu vực đẹp nhất vẫn là những đoạn đường quanh Trung tâm Hội nghị tỉnh (46 Trần Phú, Nha Trang). Tuy nhiên, khu vực này đã dành cho chợ đêm cũng như các loại hình dịch vụ khác nên rất khó có thể dung chứa thêm đường sách. Nhiều người cho rằng nếu làm đường sách thì địa điểm khả dĩ nhất có lẽ là đường Pasteur hoặc công viên Yến Phi. Khi có đường sách vào những dịp Tết Nguyên đán, đường sách sẽ kết nối với hội hoa xuân của TP. Nha Trang trở thành điểm hẹn văn hóa để người dân và du khách đến vui chơi, khám phá tri thức.


Đường sách cho Nha Trang! Chắc hẳn nhiều người sẽ cho là viển vông, nếu có làm thì từ ý tưởng đến hiện thực chắc chắn sẽ rất gian nan. Tuy nhiên, có đi thì mới thành đường, như nhà văn Lỗ Tấn nói “trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi mới thành đường thôi”!


THÀNH NGUYỄN