Mỗi độ tháng 5 về, đồng bào cả nước lại bâng khuâng tưởng nhớ đến ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890), lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Trong những ngày thiêng liêng ấy, chúng tôi ngược về thôn A Xay (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh), nơi người dân có tinh thần cách mạng vun đắp qua nhiều thế hệ, một lòng tin yêu Đảng, Bác Hồ. Năm 1971, thôn A Xay thỏa niềm mong ước khi vinh dự được Huyện ủy phong tặng danh hiệu “thôn Bác Hồ”…
Lật giở cuốn Lịch sử cách mạng xã Khánh Nam, ông Cao Dáng - nguyên Bí thư Đảng ủy xã xúc động kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện người A Xay anh hùng, kiên cường đánh giặc. Đó là những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975), quân địch liên tiếp tấn công lên vùng núi rừng huyện Khánh Vĩnh nhằm mục đích tìm và tiêu diệt cán bộ cách mạng, tàn phá vùng sản xuất của ta. Mặc dù chịu sự đàn áp của địch nhưng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở xã Khánh Nam kiên quyết đấu tranh, tận tình nuôi giấu cán bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Trong nhà ông Cao Dáng treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất. |
Năm 1970, biết thôn A Xay nuôi giấu cán bộ cách mạng, địch điên cuồng tấn công vây ráp, bắt người dân chuyển về các căn cứ vùng đồng bằng để chúng dễ bề kiểm soát. Người dân A Xay phải đưa cán bộ cách mạng vào rừng, lẩn trốn vào các hang núi. Nhiều người A Xay bị bắt, tra tấn dã man nhưng nhất quyết không khai nơi ở của đồng bào, cán bộ cách mạng. Ngày 20-2-1970, giặc càn lên vùng núi xã Khánh Nam với nhiều máy bay, hỏa lực mạnh. Trên ngọn núi ở thôn A Xay, Xã đội trưởng Ma Xanh cùng đội du kích xã đã đứng trước ảnh Bác Hồ với lời thề kiên quyết đánh Mỹ đến cùng. Với sự mưu trí, gan dạ, đội du kích đã bắn rơi 7 máy bay địch, tiêu diệt 49 tên địch. Tổ thượng liên do đồng chí Cao Tài chỉ huy đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đồng chí Cao Tài đã hy sinh trong cuộc chống càn này.
Chị Cao Thị Phượng tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người dân. |
Trong khí thế hào hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng ngàn lượt người dân xã Khánh Nam đã đi dân công tải đạn, vận chuyển lương thực, thực phẩm; ủng hộ cách mạng hàng ngàn giạ lúa, bắp, mì, thực phẩm, vót hàng vạn cây chông. Trong thời kỳ này, xã Khánh Nam có 39 đồng chí tham gia bộ đội, 141 đồng chí tham gia cách mạng, 9 liệt sĩ, 13 thương binh, 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, ngay trong năm 1971, nhân dân và cán bộ xã Khánh Nam đã được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Giải phóng hạng Ba; thôn A Xay được Huyện ủy phong tặng danh hiệu thôn Bác Hồ.
Ông Cao Dáng tích cực lao động, sản xuất. |
Thôn A Xay được vinh dự mang tên Bác như thắp lên ngọn lửa, ý chí để ĐBDTTS nơi đây tiếp tục chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Hòa bình lập lại, nhân dân A Xay hăng say lao động sản xuất, đoàn kết toàn dân, tiếp tục vạch trần âm mưu tội ác của bọn Fulro; kiên quyết đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng. Và giờ đây, trong mỗi nếp nhà ở thôn A Xay đều treo ảnh Bác Hồ với niềm tự hào và trân trọng, trọn vẹn niềm tin yêu sắt son với Đảng, với Bác.
Đường vào khu sản xuất A Xay. |
Hôm chúng tôi về thôn Bác Hồ, Trường Tiểu học Khánh Nam đang được xây dựng mới khang trang hơn; Đài tưởng niệm các liệt sĩ ở thôn A Xay được sửa sang to đẹp; lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trong nắng. Những con đường nhựa lớn liên thôn, liên xã; đường nhỏ nối vào khu sản xuất của người dân hệt như những dải lụa uốn lượn giữa núi rừng. Từ bên ngoài điểm trường A Xay (Trường Tiểu học Khánh Nam), tiếng học sinh tập đọc đã vang lên trong trẻo: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.
Từ ngày hòa bình lập lại, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân nơi đây không ngừng được nâng lên. Ở khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, những năm qua, thôn A Xay được Nhà nước đầu tư điện, đường, trường, trạm khang trang. Học sinh A Xay đi học được miễn học phí; người dân A Xay đi khám, chữa bệnh không mất tiền; nhiều chế độ, chính sách khác của Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, tăng gia sản xuất, đã giúp cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc hơn.
Đài tưởng niệm liệt sĩ ở thôn A Xay được xây dựng to đẹp hơn. |
Mới ngày nào còn bé xíu theo người lớn ở A Xay lên nương rẫy trồng bắp, mà nay chị Cao Thị Phượng đã là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn A Xay. Chị Phượng là người nhiệt huyết và đầy trách nhiệm trong công việc. Chị coi mỗi nếp nhà ở đây như nhà mình, mỗi người dân trong thôn A Xay như người thân trong gia đình. Nhờ những người như chị Phượng, thời gian qua, việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân A Xay được thuận lợi. Chị Phượng là đại diện cho thế hệ trẻ của A Xay, tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, như mạch nguồn của núi rừng chảy mãi…
Học sinh ở điểm trường A Xay. |
Thôn A Xay có 176 hộ dân, trong đó hơn 90% là ĐBDTTS. Chị Phượng vui mừng chia sẻ, hiện nay, Chi bộ thôn A Xay đã có 17 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên là người DTTS. Được học hành, đào tạo nghề bài bản, nhiều thanh niên A Xay đã có việc làm ổn định ở các thành phố lớn. Là những người con của thôn Bác Hồ, người dân A Xay dù đi đâu vẫn tự hào, một lòng tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người dân thôn A Xay hôm nay đang ra sức học tập, đồng lòng kiến thiết xây dựng cuộc sống mới.
Thôn A Xay nhìn từ trên cao. |
Bà Lê Thị Thùy Châu - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nam chia sẻ, thời gian tới, những chính sách của Đảng và Nhà nước từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới sẽ giúp đời sống người dân ở thôn A Xay nói riêng và xã Khánh Nam nói chung ngày được nâng lên. Với truyền thống cách mạng vun đắp qua nhiều thế hệ, người dân địa phương một lòng tin yêu Đảng, Bác Hồ là nền tảng vững chắc cho toàn Đảng bộ xã phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa để dâng lên Người!
Bài viết - Hình ảnh: THÁI THỊNH
Thiết kế E-magazine: MINH KHANG