Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, những người lính trên Quần đảo Trường Sa vẫn ngày đêm kiên trung bám trụ vượt qua mọi khó khăn gian khổ để bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển của cha ông. Nơi ấy cũng là cái nôi nuôi dưỡng, ươm mầm những “hạt giống đỏ” cho Đảng, góp phần nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, mơ ước được khoác lên mình bộ quân phục màu trắng Hải quân, Trung úy Trần Bá Long đã được thỏa lòng mong ước. Nhưng có lẽ điều tuyệt vời nhất với anh chính là ngày được đứng dưới cờ Tổ quốc, cờ Đảng đọc lời tuyên thệ của một đảng viên.
Trung úy Trần Bá Long được Chi bộ Đảo bộ (thuộc Đảng bộ đảo Sinh Tồn) nhận quyết định kết nạp Đảng. |
Chứng kiến giây phút Trung úy Trần Bá Long được Chi bộ Đảo bộ (thuộc Đảng bộ đảo Sinh Tồn) tổ chức lễ kết nạp Đảng vào đúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới (ngày 1-1-2023) ai cũng xúc động. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi sau lễ kết nạp, đảng viên trẻ Trần Bá Long cười tươi: “Được ra Trường Sa để rèn luyện, bảo vệ chủ quyền biển, đảo với mỗi người lính đã là một điều gì đó quá đỗi thiêng liêng. Thế nhưng còn gì tự hào, xúc động hơn khi chính nơi này đã nuôi dưỡng, rèn luyện để tôi trưởng thành và đến ngày hôm nay được đứng trên bục vinh dự đọc lời tuyên thệ, đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong giây phút này, tôi quá xúc động và không biết nói gì hơn là xin được cảm ơn các thủ trưởng, đồng đội đã luôn kề vai sát cánh để nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trong thời gian tới, bản thân sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để trưởng thành hơn, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào”.
Cũng giống như Trung úy Trần Bá Long, Thượng úy Phạm Đức Long - Nhân viên trạm nguồn điện, đảo An Bang vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi công tác tại đảo. Với đặc thù khí hậu khắc nghiệt, trạm vô tuyến điện và hệ thống điện chiếu sáng quanh đảo phục vụ đời sống bộ đội, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thường xuyên bị hư hỏng, phải bảo trì bảo dưỡng. Luôn có tinh thần ham học hỏi, sáng tạo, Thượng úy Phạm Đức Long đã nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không để gián đoạn liên lạc của đơn vị. Trong các đợt huấn luyện, diễn tập, phục vụ đoàn công tác của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Thượng úy Phạm Đức Long đều được cấp trên khen thưởng. Với nhiều thành tích nổi bật, anh đã được chi bộ kết nạp Đảng. “Lễ kết nạp Đảng được đơn vị tổ chức trang trọng, ấm cúng. Hôm đó, tôi thức dậy sớm hơn thường lệ, chuẩn bị chỉnh tề và đã nhẩm trong đầu những điều muốn chia sẻ của bản thân trong ngày trọng đại này. Thế nhưng khi vào lễ, tôi quá xúc động nên có phần bối rối. Ngay sau buổi lễ, tôi xin phép thủ trưởng để gọi điện thoại về cho gia đình, mọi người ai nấy đều phấn khởi, tự hào, tôi cũng thêm vững tin để công tác tốt hơn nữa, xứng đáng với niềm tin yêu của thủ trưởng và đồng đội”, Thượng úy Phạm Đức Long chia sẻ.
Anh Lê Duy Phương, công chức văn hoá xã hội kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Trường Sa vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. |
Không chỉ những người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc trải qua quá trình rèn luyện trưởng thành được đứng trong hàng ngũ của Đảng mà ngay cả những công dân tốt, có ý chí phấn đấu, rèn luyện tốt cũng đều được tạo điều kiện kết nạp vào Đảng. Điển hình như anh Lê Duy Phương, công chức văn hoá xã hội kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Trường Sa là một người như thế. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương anh hùng cách mạng Ninh Hòa, anh Phương đã quá quen với bờ cát, con sóng, sớm được hun đúc tình yêu biển đảo. Năm 2018, anh tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao được nhiều nơi đón nhận vào làm việc, thế nhưng anh đã viết đơn tình nguyện được ra đảo Trường Sa công tác. Kể về câu chuyện xung phong ra Trường Sa, anh Phương tâm sự: “Ngay khi có thông tin Sở Nội vụ tuyển dụng công chức cấp xã ra công tác ở Trường Sa tôi đã giấu gia đình viết đơn tình nguyện. Khi mới biết, lúc đầu cả nhà cũng rất bất ngờ và băn khoăn, lo lắng sợ rằng nơi đảo xa điều kiện còn nhiều khó khăn không biết môi trường, khí hậu khắc nghiệt tôi có chịu được gian khổ hay không. Thế nhưng, tôi đã thuyết phục gia đình; cả nhà sau đó đều ủng hộ rất nhiệt tình. Khi bước chân lên đảo, tôi rất bỡ ngỡ nhưng rồi mọi khó khăn, mệt nhọc đều tan biến vì mọi người trên đảo đều cho tôi cảm giác là một gia đình. Trong suốt thời gian làm việc tại đảo, bản thân tôi luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình, với mong muốn góp sức mình xây dựng cho đảo quê hương ngày càng giàu đẹp”. Với ý chí phấn đấu, rèn luyện nơi đầu sóng ngọn gió, trở thành một hạt nhân trong các phong trào của đảo, sau 4 năm, ngày 21-2-2022, quần chúng Lê Duy Phương đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chia sẻ niềm vui trong ngày được hết nạp Đảng, anh Phương tự hào nói: “Trong gia đình tôi là người đầu tiên được đứng trong hàng ngũ của Đảng, bản thân không chỉ tự hào mà cảm thấy thực sự thiêng liêng, trân quý. Không phải ai cũng may mắn được ra đảo để đem sức trẻ cống hiến cho Tổ quốc. Cả đời này, tôi nguyện đi theo Đảng, hy sinh cho Đảng, không ngừng rèn luyện, vững vàng góp phần giữ yên biển trời quê hương”.
Để có lớp lớp cán bộ vừa hồng vừa chuyên, chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển đảo nơi tuyến đầu Tổ quốc thì những đảng viên, cán bộ nòng cốt luôn gương mẫu đi đầu, là tấm gương để quần chúng noi theo. Và cũng chính những cán bộ này là người dìu dắt trong công tác cũng như cuộc sống để mỗi quần chúng ngày thêm trưởng thành, có điều kiện phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Chi bộ Cụm chiến đấu 2 (đảo Trường Sa) họp chi bộ thông qua nghị quyết phát triển đảng viên đơn vị. |
Trong đợt công tác tại quần đảo Trường Sa vào đầu năm 2023, tôi may mắn gặp được Đại úy Lý Quý Cường - Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa. 17 năm về trước, binh nhất Lý Quý Cường cũng là một hạt giống đỏ được dìu dắt và kết nạp đảng tại đảo Nam Yết. Câu chuyện về binh nhất Lý Quý Cường, một tấm gương đảng viên sáng đã truyền cảm hứng, động lực phấn đấu cho nhiều cán bộ, chiến sĩ khắp các đảo trên quần đảo Trường Sa. Cũng chính anh là người dìu dắt và giới thiệu nhiều quần chúng ưu tú cho Đảng ngay trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Cán bộ, đảng viên đảo An Bang thường xuyên được cập nhật thông tin mới trên bảng tin của đơn vị. |
“Dẫu 17 năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc đặc biệt ấy, một khoảnh khắc thiêng liêng khi đứng dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ đọc lời tuyên thệ của người lính trước khi chính thức là đảng viên. Trong suốt những năm tháng quân ngũ, tôi đã đi một số đảo trên quần đảo Trường Sa, được rèn luyện và chia sẻ những kinh nghiệm mình có được cho các đảng viên, chiến sĩ trẻ để kế tục sự nghiệp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đi trước, ươm mầm giống cho Đảng”, Đại úy Lý Quý Cường xúc động cho biết.
Được Đại úy Lý Quý Cường dìu dắt, chiến sĩ Trần Quang Cường (quê ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã được học cảm tình Đảng và đang trong quá trình phấn đấu rèn luyện để xem xét kết nạp Đảng. Là người đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, thời gian đầu nhập ngũ, binh nhất Trần Văn Cường khá nhút nhát, kiệm lời, sống có phần khép kín. Thế nhưng chỉ sau một thời gian được cán bộ dìu dắt, đồng đội quan tâm, động viên, anh đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một hạt nhân nổi trội với tài ca hát, tham gia nhiều chương trình văn hóa văn nghệ đạt được các giải thưởng tại hội thi của đơn vị. Tâm sự với chúng tôi, chiến sĩ Trần Văn Cường cho biết: “Bản thân tôi trực tiếp được Chính trị viên Lý Quý Cường dìu dắt, giúp đỡ không chỉ trong công việc mà ngay cả cuộc sống đời thường. Những kinh nghiệm của anh được chia sẻ rộng rãi, lồng ghép vào các bài giảng chính trị, các hội nghị, các buổi sinh hoạt, rất dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, tạo động lực để tôi và đồng đội phấn đấu”.
Tình quân dân trên bền chặt trên đảo Trường Sa. |
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Dương Chí Nguyện - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 cho biết, mặc dù đóng quân xa đất liền, với đặc thù huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng các đảo trên quần đảo Trường Sa đều đã xây dựng được các chi, đảng bộ. Những năm qua, Đảng ủy lữ đoàn luôn xác định xây dựng Đảng là công tác đặc biệt quan trọng. Trong đó, công tác phát triển đảng viên là một trong những nội dung cốt lõi, bởi muốn tổ chức Đảng mạnh thì từng chi bộ phải mạnh, muốn chi bộ mạnh thì từng đảng viên phải tốt, nên việc bồi dưỡng, phát triển đảng viên là một trong những nội dung mà cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm và đã đạt được những kết quả nhất định.
Một góc thị trấn Trường Sa. |
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế, công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng ở quần đảo Trường Sa có nhiều khó khăn hơn trên đất liền. Theo Đại úy Phan Văn Anh - Chính trị viên đảo An Bang, dù được quan tâm hàng đầu, nhưng việc phát triển đảng tại đảo gặp khá nhiều khó khăn. Điển hình như đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo xuất thân từ nhiều vùng miền, trình độ văn hóa, nhận thức có sự khác nhau. Mặt khác, do công tác trên biển, đảo xa đất liền nên việc kết nạp Đảng và công tác xác minh lý lịch khó khăn, vất vả hơn rất nhiều.
Còn theo Thiếu tá Nguyễn Đồng Tiến - Chính trị viên đảo Trường Sa Đông, bên cạnh nguồn phát triển đảng chính là các tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng đã được đào tạo hạ sĩ quan thì đội ngũ chiến sĩ trên các đảo là nguồn phát triển rất lớn. Thế nhưng, nguồn phát triển đối với các đồng chí này vẫn chưa được khai thác tối đa. Bởi thời gian tại ngũ của các chiến sĩ cũng tương đối ngắn trong khi muốn phát triển một đảng viên cần có thời gian và trải qua nhiều thử thách, quy trình, quy định của Đảng.
Dù cuộc sống nơi đảo xa còn nhiều khó khăn nhưng các đảng viên, chiến sĩ trẻ luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ cùng biển, vùng trời của Tổ quốc, xứng đáng là đảng viên tiền phong gương mẫu, người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Nơi mảnh đất tiền tiêu, phên giậu của Tổ quốc, những quần chúng ưu tú được kết nạp đảng đã trở thành “hạt giống đỏ”, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Đó là chất thép được xây dựng từ những chủ trương đúng, trúng của cấp ủy mỗi đảo, là tiền đề, sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của cha ông ta để lại.
Thiêng liêng lễ chào cờ trên đảo Trường Sa. |
Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa vào đầu năm, tôi được thăm viếng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa. Nơi đây như một bảo tàng giáo dục truyền thống cách mạng, địa chỉ văn hóa của quân và dân đang sinh sống, công tác trên đảo Trường Sa. Hình ảnh và những lời dạy của Bác lưu giữ tại công trình đặc biệt này từ lâu đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nỗ lực quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa. |
Giữa không gian trang nghiêm, ấm cúng, Thượng tá Nguyễn Công Chính - Chính trị viên đảo Trường Sa nói rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng...” Nhớ lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn tâm niệm chi bộ có mạnh thì tổ chức Đảng mới mạnh. Chúng tôi luôn ra sức học tập và làm theo tấm gương của Bác, gắn với xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh toàn diện và nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Nhờ những nỗ lực đó, trong nhiều năm qua, Đảng bộ đảo Trường Sa luôn đạt xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; 3 năm liên tục (2020, 2021, 2022) đảo được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; nhiều tập thể, cá nhân được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng. Đời sống của quân và dân trên đảo ngày càng được nâng lên”.
Cán bộ, chiến sĩ tuần tra kiểm soát trên đảo. |
Thời gian qua, cấp ủy, chi bộ ở các đảo trên quần đảo Trường Sa luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị. Trong đó, các đảo tập trung đột phá vào thực hiện “2 chất lượng, 2 nêu cao” (Chất lượng ra nghị quyết lãnh đạo và chất lượng tổ chức thực hiện nghị quyết; nêu cao tự phê bình và phê bình và nêu cao trách nhiệm làm giương của cán bộ đảng viên, nhất là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp) và xây dựng chi bộ Trường Sa vững mạnh theo tiêu chí “4 tốt” (Cán bộ, đảng viên có nhận thức, trách nhiệm tốt và thực sự tiền phong, gương mẫu; nền nếp, chế độ, chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt; dân chủ, đoàn kết, kỷ luật tốt; tự phê bình và phê bình tốt), sát với chức năng, nhiệm vụ.
Thượng tá Dương Chí Nguyện - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 cho biết, hiện ở Trường Sa là tổ chức cơ sở Đảng ba cấp, 100% chi bộ khối đảo có cấp ủy. Số lượng đảng viên đông, đảng viên thường xuyên biến động do yêu cầu nhiệm vụ về tổ chức biên chế. 100% đảng viên ra đảo công tác đều được rà soát, chọn lọc kỹ càng, bảo đảm chất lượng chính trị cao nhất, đáp ứng tốt nhất cho kiện toàn các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo về chủ quyền biển đảo.
Với mỗi người lính sách, báo luôn là người bạn tinh thần vô giá. |
Xuyên suốt thời gian tác nghiệp trên các đảo tại quần đảo Trường Sa chúng tôi nhận thấy, dù có đặc thù chung là huấn luyện, chiến đấu, sinh hoạt trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên ở mỗi đảo lại có một cách làm riêng để phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều mô hình, cách làm hay đã tháo được những điểm nghẽn để ươm trồng những hạt giống đỏ thành những mầm xanh trên vùng đất thép.
Đại úy Phan Văn Anh - Chính trị viên Đảo An Bang cho biết, với đặc thù là đơn vị đảo, nhiều đối tượng thành phần khác nhau, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong phát triển đảng viên, đơn vị tập trung vào những đồng chí đã được đào tạo hạ sĩ quan. Đây là những quần chúng ưu tú, trong quá trình công tác tại đơn vị được tiếp tục rèn luyện, trải qua thử thách để xem xét giới thiệu cho Đảng. Để làm được điều đó, ngay từ đầu năm, Đảng ủy đảo đã chỉ đạo các chi bộ tập trung phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng có chất lượng. Quan điểm của đơn vị là không chạy đua theo số lượng mà ưu tiên chất lượng đặt lên hàng đầu.
Văn hóa đọc luôn được duy trì trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. |
Ngoài ra, các cấp ủy, chỉ huy các đảo trên quần đảo chủ động lựa chọn nguồn phát triển đảng ngay sau khi tiếp nhận quân nhân đến thực hiện nhiệm vụ. Khi đã chọn được quần chúng ưu tú thì cấp ủy phân công đảng viên, các tổ chức quần chúng theo dõi, động viên, giúp đỡ, bồi dưỡng phát triển đảng viên, trong đó, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng thái độ, động cơ, trách nhiệm đúng đắn; giao nhiệm vụ thử thách để quần chúng rèn luyện, trưởng thành... Với cách làm hiệu quả, nhiều chiến sĩ trẻ trưởng thành trong môi trường rèn luyện khó khăn, khắc nghiệt ở đảo, được kết nạp Đảng ngay ở Trường Sa. Nhờ đó, hàng năm mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa sẽ kết nạp được từ 1 đến 5 đảng viên trẻ.
Theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn - Chính trị viên Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa Đông, để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, chúng tôi xây dựng mô hình đảng viên dìu dắt quần chúng, cụ thể hóa trong các nghị quyết hàng năm, hàng tháng của đơn vị. Theo đó, đảng viên là phân đội trưởng trực tiếp dìu dắt quần chúng nòng nốt, quần chúng nòng cốt lại dìu dắt các khẩu đội trong biên chế trên tất cả các nội dung: chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống, ý thức chấp hành kỷ luật… từ đó xây dựng và phát huy mối đoàn kết trong đơn vị. Qua quá trình thực hiện giúp cho đảng viên và quần chúng gần gũi gắn bó với nhau hơn; quần chúng được đảng viên dìu dắt ngày càng phát huy hơn tình thần trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Phút thảnh thơi của những chiến sĩ Trường Sa. |
Thượng úy Nguyễn Hữu Đạt - Chính trị viên đảo Đá Đông C cho biết, với đặc thù lực lượng phân bổ nhiều nơi nằm ở 3 điểm đảo, ngoài xây dựng nghị quyết phát triển đảng viên, đơn vị duy trì mô hình “Tổ 3 người” và “đôi bạn cùng tiến” để cùng trao đổi công việc, kinh nghiệm trong rèn luyện, công tác cũng như nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình và diễn biến tâm lý bộ đội, nhất là những tân binh mới lần đầu ra đảo. Từ những mô hình này đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, ưu tú và được đề xuất xem xét kết nạp Đảng.
Ngoài ra, theo quy định đảng viên theo dõi, hỗ trợ quần chúng đủ năm, nhưng nhiều trường hợp đảng viên làm nhiệm vụ về bờ sớm. Để tạo được tính liên tục, Lữ đoàn 146 linh hoạt triển khai, đối với đảng viên khi kết thúc nhiệm vụ trong bờ, giới thiệu cho đảng viên khác theo dõi quần chúng, đến đơn vị mới, bảo đảm thời gian không bị ngắt quãng và đánh giá con người được toàn diện. Những quần chúng ưu tú được lựa chọn phát triển Đảng đều là những cán bộ, chiến sĩ thật sự xuất sắc trong quá trình công tác trên quần đảo Trường Sa. Thực tế cho thấy, sau khi được kết nạp vào Đảng, các đảng viên mới luôn thực hiện tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác huấn luyện, rèn luyện kỷ luật quân đội, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Phút thảnh thơi của những chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Vũ Hoàng) |
Ở Trường Sa có đặc thù, tính chất hoạt động phân tán, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhiệm vụ trên vai mỗi người lính nơi đảo xa luôn được đặt lên hàng đầu với yêu cầu cao nhất trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Do đó, đặt ra yêu cầu cao về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tinh thần đoàn kết và vai trò, tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên trên các đảo.
“Nơi đầu sóng ngọn gió, trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi cán bộ, đảng viên, chỉ huy đơn vị luôn phải đầu tàu gương mẫu, thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử và giải quyết mối quan hệ; thực sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực sự sâu sát quần chúng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng… có như vậy mới xây dựng được mối quan hệ đoàn kết, xây dựng được đơn vị vững mạnh toàn diện, tiêu biểu”, Thượng uý Phạm Ngọc Thành - Phó Bí thư chi bộ, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông C chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng.
Tăng gia sản xuất trên đảo Trường Sa Đông. |
Đại tá Phạm Văn Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Di huấn của Người đã trở thành kim chỉ nam, một trong những nguyên tắc hàng đầu vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Vì thế, càng trong gian khổ càng phải đoàn kết cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn; từ gian khó cán bộ, chiến sĩ, đảng viên mới thể hiện được bản lĩnh, sự rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành của mình. Và Trường Sa chính là nơi thử thách làm nên phẩm chất của người chiến sĩ Hải quân, được bộc lộ thông qua các hoạt động, từ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ công tác bảo đảm chiến đấu… Đây cũng là một trong những yếu tố làm thước đo cho sức mạnh của tổ chức cơ sở Đảng tại các cấp ủy, chi bộ đảo. Ngoài ra, chất lượng xây dựng Đảng cũng được thể hiện qua kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, trong đó then chốt là công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, bảo vệ các mục tiêu...
Trồng cây xanh trên quần đảo Trường Sa. |
Tìm hiểu thực tế ở các đảo chúng tôi nhận thấy, hoạt động lãnh đạo của Đảng ở Trường Sa mang tính chất đặc thù, luôn đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, mà trực tiếp là Đảng ủy Lữ đoàn 146. Do đó, việc đưa nghị quyết của Đảng vào các hoạt động của đảo lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, ngoài các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các cấp ủy, chi bộ các đảo đã tập trung trọng tâm vào những nghị quyết của Đảng ủy Bộ tư lệnh Vùng 4, của Đảng ủy Lữ đoàn 146 để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Bởi, các nghị quyết này đã được cụ thể hóa các nghị quyết của cấp trên và hoạt động của đơn vị. Đối với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, việc triển khai càng cụ thể thì càng tốt, cụ thể thì mới thấy được sự khác biệt.
Bằng các biện pháp đồng bộ, thiết thực cụ thể, hiệu quả, gắn với hoạt động thực tiễn trên các đảo, việc triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp ủy các đối với các đảo đã đạt những kết quả vô cùng quan trọng, trực tiếp xây dựng Đảng bộ Lữ đoàn trong sạch vững mạnh. Hàng năm lãnh đạo đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, góp phần xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Dẫu còn nhiều khó khăn, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng với mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tiêu của Tổ quốc vẫn nguyện trung thành, một lòng theo Đảng, son sắt, giữ trọn lời thề giữ vững từng tấc đất, từng sải biển của cha ông.
Thượng tá Phạm Thế Nhương kiểm tra công tác trực sẵn sàng chiến đấu đêm trên đảo Trường Sa. |
Những ngày thực tế ở các đảo trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về những đảng viên, cán bộ đã dành trọn tuổi xuân cho biển đảo quê hương. Với các anh “đảo là nhà, biển là quê hương, đồng đội là anh em”.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Hải Hậu (tỉnh Nam Định), từ tấm bé, anh Phạm Thế Nhương đã quen với những con sóng khơi xa, ước mong được trở thành người lính. Học hết phổ thông, anh thi và đậu vào Trường Sĩ quan Lục quân I (niên khóa 1994-1998). Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã phấn đấu, rèn luyện được kết nạp vào Đảng. Sau khi ra trường, anh Nhương được phân công công tác ở Vùng 4 Hải quân. Năm 2000, Trung úy Phạm Thế Nhương đã xung phong ra Trường Sa để rèn luyện, cống hiến. Đến nay hơn 30 tuổi quân, 25 năm tuổi đảng, Thượng tá Phạm Thế Nhương đã giành trọn thanh xuân của mình cho biển đảo quê hương, anh trải qua nhiều vị trí công tác ở các đảo, như: Cô Lin, Song Tử, Sơn Ca… Năm 2021, anh được cấp trên điều động trở lại đảo Trường Sa công tác và đến cuối năm 2022 được bổ nhiệm, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa.
Đoàn viên trẻ canh gác đêm tại vọng gác thanh niên đảo Trường Sa Đông. |
Nước da ngăm đen, rắn rỏi, anh khá kiệm lời, nhưng trên khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện. Biết tôi là đồng hương, anh rất vui và dành những tình cảm hết sức chân thành. Chia sẻ về những năm tháng gắn bó với Trường Sa, anh tâm sự: “Không chỉ thanh xuân mà cả cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn bó với biển đảo. Đó có lẽ cũng là một duyên lành, mà cái duyên ấy mang lại cho tôi niềm vinh dự, tự hào vô bờ bến. Có thể nói nhiều người không tin, nhưng những con sóng vỗ rì rào hàng đêm, những tiếng lao xao của rặng phi lao, bàng vuông, tra… đã quen đến nỗi thiếu chúng tôi thấy khó ngủ. Ở nơi tuyến đầu, quân và dân trên đảo rất tình cảm, giống như một gia đình vậy, nhưng khi cần tất cả đều chung một lòng, xây thế trận vững chắc để bảo vệ phên giậu Tổ quốc”. Suốt quãng thời gian phấn đấu, rèn luyện, đảng viên, cán bộ Thượng tá Phạm Thế Nhương luôn nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, cùng với ban lãnh đạo, chỉ huy đảo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2022, tập thể đảo Trường Sa Lớn được nhận Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng.
Những người lính trên đảo Trường Sa. |
Câu chuyện của Thượng úy Hoàng Văn Thông, cán bộ đảo An Bang luôn xung phong nhận những nhiệm vụ khó khổ nhất của đơn vị đã làm chúng tôi không chỉ cảm động mà còn khâm phục. 12 năm trước, binh nhất Hoàng Văn Thông được nhận nhiệm vụ công tác tại đảo An Bang. Khi ấy anh chỉ là một chiến sĩ, thế nhưng sau quá trình rèn luyện, được đi học anh đã được giữ lại phục vụ trong quân đội và cũng chính nơi đây đã rèn luyện anh trưởng thành, được kết nạp vào Đảng trên đảo. Trải qua hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu, anh đã đi qua rất nhiều đảo, trở thành một tấm gương sáng cho hạ sĩ quan, chiến sĩ. “Tôi vinh dự tự hào được sinh ra trên quê hương Nam Đàn có truyền thống cách mạng, nơi sinh ra của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. May mắn được rèn luyện và phục vụ trong quân ngũ, lại được kết nạp đảng ở Trường Sa, không còn gì có thể tự vinh dự hơn. Tôi luôn tự hào đã dành cả thanh xuân, sức trẻ nhiệt huyết cống hiến cho Tổ quốc, giữ trọn lời thề giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng úy Hoàng Văn Thông chia sẻ.
Những câu chuyện của Thượng tá Phạm Thế Nhương hay Thượng úy Hoàng Văn Thông chỉ là một vài điểm xuyết cho ý chí quyết tâm, luôn tận trung, son sắc, cống hiến hết mình khi Tổ quốc gọi, khi Tổ quốc cần của lớp lớp thế hệ người lính Hải quân kiên trung.
Lớp học ven chân sóng ở thị trấn Trường Sa. |
Những đảng viên, cán bộ, chiến sĩ mà chúng tôi gặp trên các đảo ở quần đảo Trường Sa được ví như những viên ngọc thô, sau thời gian rèn luyện, mài giũa thì ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn nơi đầu sóng. Nếu như thế hệ trước có nhiều kinh nghiệm trên trận mạc, thì lớp cán bộ kế cận có sức trẻ, nhiệt huyết, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
Trung úy Trương Tấn Phiêu - Trợ lý xe tăng đảo An Bang là một tấm gương đảng viên trẻ điển hình. Mới nhận nhiệm vụ tại đảo An Bang khoảng 2 năm nhưng trên cương vị trợ lý, anh đã luôn tham mưu đúng, trúng cho chỉ huy trong công tác tổ chức huấn luyện chuyên ngành. Đặc biệt năm 2022, đoàn công tác của Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra kiểm tra huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bắn đạt thật tại đơn vị, Trung úy Trương Tấn Phiêu đã bắn trúng mục tiêu, đạt loại giỏi và được tặng bằng khen. Trong quá trình học tập, đảng viên trẻ Trương Tấn Phiêu luôn nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu tổ chức duy trì huấn luyện, điều hành. “Là lớp thế hệ hậu bối, sinh ra trong điều kiện đất nước đã hòa bình. Thế nhưng tôi luôn nhận thức sâu sắc những thành quả cách mạng cha ông đã phải đổ cả máu và nước mắt mới có được. Chính vì thế, tôi luôn tâm niệm phải cố gắng hết sức mình để bảo vệ thành quả ấy. Được ra Trường Sa rèn luyện, phấn đấu cũng là mơ ước của bản thân, tôi sẽ không phụ sự kỳ vọng của gia đình, cấp trên và đồng đội, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thích ứng với những thay đổi trong thời đại 4.0, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Trung úy Trương Tấn Phiêu chia sẻ.
Một buổi sinh hoạt ngày văn hóa chính trị tinh thần tại đảo Trường Sa Đông. |
Cũng là một đoàn viên trẻ, nhập ngũ năm 2021, Trung sĩ Nguyễn Hoài Nam - Khẩu đội trưởng pháo phòng không, đảo Đá Đông A là người con của quê hương Khánh Hòa. Với anh, Trường Sa có thể không lạ lẫm, xa xôi gì trong tâm trí bởi trước khi đi anh đã được các thế hệ đi trước kể lại về cuộc sống nơi đây. Nhưng Trung sĩ Nguyễn Hoài Nam luôn ý thức được, cần phải làm gì để xứng đáng với mong đợi của gia đình và đồng đội. Vì thế, trong suốt quá trình công tác, anh luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng thưởng thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, xứng danh Bộ đội cụ Hồ. Trong đó nổi bật là khẩu đội do anh chỉ huy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2022 được đánh giá loại giỏi và được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Những ngày ở Trường Sa, chúng tôi đều nhận thấy, các đơn vị luôn có ý thức xây dựng lớp thế hệ kế cận có phẩm chất chính trị vững vàng, chấp nhận hy sinh, gian khổ hoàn thành tốt các nhiệm vu được giao; có tinh thần cầu tiến, giữ đoàn kết nội bộ, đặc biệt là trung thành với lý tưởng của Đảng. Và các đơn vị đầu thấm nhuần tư tưởng lớp thế hệ sau phải vừa hồng, vừa chuyên, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.
Đảo An Bang như một cây nấm, khó ra và khó vào nhất trong các đảo trên quần đảo Trường Sa. |
Tròn 10 năm quay trở lại Trường Sa, cảm xúc trong tôi vẫn vẹn nguyên nhưng không khỏi ngỡ ngàng bởi nơi đây đã thay da đổi thịt từng ngày. Cuộc sống của quân và dân trên các đảo được cải thiện rất nhiều, không ngừng nâng lên.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Văn Quyển - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 khẳng định, để Trường Sa được như hôm nay là cả chặng đường dài nỗ lực, phấn đấu không ngừng của quân và dân huyện đảo; đặc biệt là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào khắp cả nước. Dù còn nhiều khó khăn song đến nay, Trường Sa đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, như: Nhà khách Thủ đô, hệ thống điện mặt trời, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt công suất lớn... Nhiều công trình văn hóa, tâm linh của huyện Trường Sa được xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động như: Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Nhà truyền thống Trường Sa, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 10 ngôi chùa…
Màu xanh trên đảo Trường Sa. |
Cùng với đó, hiện nay huyện Trường Sa cũng đã xây dựng được 3 trường Tiểu học tại thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn đảm bảo việc giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Nhờ cơ sở vật chất đồng bộ cùng giáo viên có trình độ, chất lượng giáo dục toàn diện toàn huyện được duy trì; tỷ lệ học sinh đạt khá và giỏi hàng năm đạt 100%; 100% học sinh vào đất liền học tiếp lên các cấp cao hơn đều theo kịp chương trình và đạt lực học khá, giỏi. Huyện đảo hiện đã có 8 bệnh xá và 1 Trung tâm y tế. Các cơ sở đều được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, kịp thời cứu chữa cho quân, dân của huyện và ngư dân trong trường hợp gặp nạn trên biển
Theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trường Sa sẽ vươn tầm, chuyển mình mạnh mẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đây chính là thời cơ, vận hội mới của Trường Sa nhưng cũng là thách thức không hề nhỏ với quân và dân huyện đảo. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực không biết mệt mỏi của quân dân huyện đảo, Trường Sa sẽ thực sự là thành đồng vững chắc trên biển Đông.
Bài viết - Hình ảnh: MẠNH HÙNG
Thiết kế E-magazine: MINH KHANG