Emagazine: Về Ninh Tây nghe thanh âm đại ngàn
.
23:28, 03/12/2024

Emagazine: Về Ninh Tây nghe thanh âm đại ngàn

 

Trong nhiều lần đến với xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi vẫn luôn ấn tượng về những nét đẹp văn hóa được đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nơi đây gìn giữ, trình diễn. Giữa không gian núi rừng, tiếng cồng chiêng, tiếng mã la vẫn được hòa tấu rộn ràng như tô đẹp thêm nét văn hóa được trao truyền qua nhiều thế hệ trong những buôn làng Ê đê, Raglai…

 
Trình diễn cồng chiêng trong lễ cúng nhà dài truyền thống của đồng bào Ê đê.

 

Thôn Buôn Lác (xã Ninh Tây) là nơi cư trú của đông đồng bào Ê đê. Dù cuộc sống còn khó khăn song đồng bào nơi đây vẫn giữ được những sinh hoạt văn hóa truyền thống. Dưới những mái nhà dài thấp thoáng trong thôn, thỉnh thoảng vẫn ngân lên giai điệu cồng chiêng, tiếng kèn đinh năm. Đồng bào nơi đây vẫn thường tổ chức những lễ hội truyền thống như: Lễ cúng bến nước, lễ trưởng thành, lễ bỏ mả… để gắn chặt hơn sợi dây đoàn kết cộng đồng. Đến với thôn Buôn Lác trong dịp gần đây, chúng tôi may mắn được nghe những phụ nữ lớn tuổi hát một số làn điệu dân ca ayray, kưưt đầy tình tứ, lãng mạn. Lời hát hòa cùng tiếng kèn đinh năm, kết hợp với những vũ điệu uyển chuyển của các thiếu nữ như suối ngàn thanh thoát vọng về. “Người Ê đê hát ayray khi buôn làng ăn mừng lúa mới, khi trai gái hò hẹn yêu đương. Lời hát ayray nói hộ tình cảm của người hát với buôn làng, cũng như với người mình thương. Nhưng ngày nay, nam nữ thanh niên ít hát ayray rồi nên người già chúng tôi cố giữ gìn để cho con cháu thỉnh thoảng còn được nghe” - bà H’Jich (người dân thôn Buôn Lác) cho biết.

Hình ảnh tái hiện một cảnh trong lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê được sân khấu hóa.

Nằm gần trung tâm xã Ninh Tây nhưng thôn Sông Búng vẫn là thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mặc dù vậy, đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai ở đây vẫn được giữ gìn, thực hành. Vào những ngày lễ ăn mừng lúa mới, người dân thôn Sông Búng lại cùng nhau hòa tấu những giai điệu mã la trầm hùng, sôi nổi. Theo quan niệm của người Raglai, lễ mừng lúa mới là dịp để thể hiện tấm lòng biết ơn của con người đối với hồn lúa đã nảy nở, sinh sôi để ban lương thực nuôi sống con người. Chính vì thế, mỗi dịp tổ chức lễ mừng lúa mới cũng là lúc mọi người cùng nhau múa hát, đánh mã la và cầu nguyện những điều tốt đẹp để mong thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nhờ đó, tình cảm xóm làng ngày càng trở nên bền chặt. Với nỗ lực giữ gìn của người dân thôn Sông Búng, đã có nhiều bạn trẻ tiếp nối nét đẹp văn hóa của ông bà truyền lại. “Qua những lần tham dự lễ mừng lúa mới, tôi đã hiểu hơn về cách bày tỏ lòng biết ơn của người dân ở pa lây (buôn làng) đối với những người đã giúp đỡ gia đình mình trong việc trồng trọt, thu hoạch mùa màng. Tôi rất thích không khí náo nhiệt của lễ mừng lúa mới, bởi đó là lúc mọi người trong làng gần gũi nhau nhất”, chị Cao Thị Nhở (người dân thôn Sông Búng) chia sẻ.

Không khí bên trong ngôi nhà dài mới của ông Y Hy.

Mới đây, nhận được lời mời của ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây, chúng tôi đã có dịp đến dự lễ cúng nhà dài của gia đình ông. Giữa cơn mưa rừng lâm thâm, từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng cồng chiêng khi chậm rãi, lúc dồn dập vọng lại. Khi chúng tôi bước chân lên sàn nhà, cũng là lúc thanh âm cồng chiêng được cất lên với tiết tấu nhanh hơn. “Đây là bài chiêng chào đón khách quý đến chơi nhà của người Ê đê. Nhịp điệu của tiếng chiêng nhanh, sôi nổi thể hiện niềm vui, lòng hiếu khách của chủ nhà”, ông Y Hy cho biết.

Đồng bào Ê đê thôn Buôn Lác biểu diễn cồng chiêng.

Bên trong ngôi nhà dài, trên chiếc kpan (ghế dài) được đặt dọc theo vách nhà phía bên trái, đội cồng chiêng gồm cả nam và nữ đang say mê tấu lên những giai điệu rộn ràng. Dàn cồng chiêng được sử dụng gồm có 9 chiếc, cùng với 1 chiếc trống h’gor. Theo lời giải thích của nghệ nhân Y Guanh, mỗi một chiếc chiêng trong bộ chiêng của người Ê đê thể hiện cho một người quan trọng trong gia đình gồm: Trống h’gor thể hiện cho người bà; chiêng lớn là chiêng ông (ching char), tiếp đến là chiêng mẹ (ching ana), chiêng cha (ching mđuh), chiêng ông cậu (ching moong) và những chiếc chiêng còn lại thể hiện cho các con. Trong bộ 9 chiếc chiêng có 3 chiếc có núm còn được gọi là cồng. Khi đánh cồng chiêng, người chơi vừa dùng chiếc dùi gỗ gõ vào mặt trong của chiêng, vừa dùng lòng bàn tay trái để giữ nhịp chiêng. Suốt quá trình chơi, mọi người có thể hoán đổi vị trí cho nhau để cho phù hợp với từng bài chiêng cụ thể, hoặc thay phiên nhau để ngồi uống rượu cần.

Hòa tấu cồng chiêng trong ngôi nhà dài mới.
 

Trong câu chuyện với ông Y Hy bên ché rượu cần, chúng tôi biết thêm về những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Ê đê, Raglai ở Ninh Tây. Hiện nay, toàn xã Ninh Tây có 7 thôn, trong đó người Ê đê sinh sống chủ yếu ở 4 thôn: Buôn Lác, Buôn Sim, Buôn Tương, Buôn Đung; người Raglai sống ở 2 thôn Sông Búng và Suối Mít. Hằng năm, đồng bào Ê đê vẫn duy trì lễ cúng bến nước vào ngày đầu năm mới, lễ cúng thần đất, lễ cầu mưa… Trong nhiều gia đình vẫn tổ chức lễ cúng nhà dài, lễ cúng thần lúa, lễ cúng cơm mới, các hoạt động trong nghi lễ vòng đời (lễ đặt tên - thổi tai, lễ trưởng thành cho nam giới, lễ cưới hỏi, lễ cúng sức khỏe, lễ tang, lễ bỏ mả). Còn đồng bào Raglai vẫn thực hiện lễ cúng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ tạ ơn cha mẹ… Các nghi lễ dù ở quy mô cộng đồng buôn làng, hay chỉ trong phạm vi gia đình thì điều không thể thiếu đó là tiếng cồng chiêng, mã la và những ché rượu cần. Một điều đáng mừng, chính là việc ngày càng có nhiều gia đình Ê đê, Raglai nhờ làm ăn kinh tế khấm khá nên đã có điều kiện tổ chức các nghi lễ theo đúng nghi thức truyền thống và có múa hát, đánh cồng chiêng, mã la với sự tham gia của đông đảo họ hàng, dân làng.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS thị xã Ninh Hòa biểu diễn một tiết mục hát múa truyền thống của dân tộc Ê đê.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS thị xã Ninh Hòa biểu diễn một tiết mục hát múa truyền thống của dân tộc Ê đê.

Với mục tiêu góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của ĐBDTTS, thời gian qua, thị xã Ninh Hòa đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cho hoạt động khôi phục văn hóa truyền thống ở xã Ninh Tây. Trong năm 2023, thị xã đã mở các lớp truyền dạy đánh mã la, cồng chiêng, ching kok (chiêng gỗ) cho người dân ở xã Ninh Tây. Nhà sinh hoạt cộng đồng của một số thôn được nâng cấp, đầu tư trang thiết bị âm thanh để phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân. Năm 2024, thị xã đã giao cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng ĐBDTTS; tổ chức truyền dạy cách sử dụng và trình diễn một số loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ê đê, Raglai. Qua đó, đã thành lập được câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn: Buôn Đung, Buôn Lác, Sông Búng, Suối Mít. Thành viên của các câu lạc bộ không chỉ là hạt nhân cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương mà điều quan trọng hơn, thông qua mô hình này, những nét đẹp văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào Ê đê, Raglai được bảo tồn và từng bước phát huy trong đời sống người dân.

Đồng bào Raglai ở thôn Sông Búng biểu diễn hòa tấu mã la.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các ĐBDTTS gắn với phát triển du lịch, trên địa bàn thị xã chủ yếu tập trung triển khai tại xã Ninh Tây. Từ đây, nhận thức của ĐBDTTS trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình đã được nâng lên đáng kể. Người dân đã tích cực tham gia vào các hoạt động truyền dạy, tập luyện, biểu diễn các loại hình văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một. Trong đó, đã huy động được sự tham gia của các nghệ nhân của địa phương là ĐBDTTS để trao truyền cho thế hệ trẻ. Các lễ hội truyền thống của đồng bào được phục dựng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cũng như tạo thêm nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc phục vụ phát triển du lịch.

Tiết mục múa do các thiếu nữ Ê đê thôn Buôn Đung biểu diễn.

Xã Ninh Tây, ngoài cảnh quan núi rừng tự nhiên xanh tươi, nông sản đặc trưng, suối khoáng nóng thiên nhiên độc đáo…, kho tàng văn hóa của đồng bào Ê đê, Raglai nơi đây cũng là nguồn tài nguyên đầy tiềm năng đối với hoạt động du lịch. Trong xu hướng du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đang có sự phát triển như hiện nay, xã Ninh Tây hội đủ các điều kiện cần thiết để phát huy tiềm năng này. “Điều mong muốn của tôi cũng như nhiều người dân ở Ninh Tây là hoạt động du lịch ở địa phương có sự phát triển mạnh mẽ, bền vững để có thể phát huy được tiềm năng, lợi thế về văn hóa Ê đê, Raglai. Bản thân tôi cũng mong muốn nhà mình sẽ là một điểm đến của du khách trong thời gian tới. Để qua đó, tôi có thể giới thiệu về ngôi nhà dài truyền thống, kỹ thuật ủ rượu cần, các loại nhạc cụ truyền thống, những món ăn chính, những lễ hội dân gian của người Ê đê. Và nhất là tôi muốn cho mọi người được trực tiếp nghe tiếng cồng chiêng ngay chính giữa không gian buôn làng Ê đê”, ông Y Hy tâm sự.

Màn tái hiện lễ ăn mừng lúa mới của đồng bào Raglai thôn Sông Búng.

Bài viết - Hình ảnh: GIANG ĐÌNH

VIDEO: LÊ NA

Thiết kế Emagazine: MINH KHANG

Xem thêm bình luận