Đã 36 năm kể từ ngày 64 anh hùng liệt sĩ hòa mình vào biển trời Tổ quốc trong trận hải chiến ở Gạc Ma năm 1988, nhưng khúc tráng ca về vòng tròn bất tử vẫn mãi ngân vang. Những câu chuyện kể, kỷ vật “biết nói” mà các anh lưu lại mãi ghi dấu cho thế hệ hôm nay và mai sau, để tiếp nối mạch nguồn bất khuất, giữ cho Tổ quốc trường tồn.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) mùa này lộng gió. Tháng 3 về, dòng người tới thăm viếng khu tưởng niệm dường như đông hơn. Đến đây, ai cũng đều ghé thăm khu bảo tàng ngầm nằm phía dưới tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”. Ngoài trưng bày những tư liệu quý về công cuộc khai phá, chinh phục, xác lập chủ quyền biển, đảo Việt Nam của cha ông ngàn đời đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…, ở đây còn có di ảnh của 64 liệt sĩ và nhiều kỷ vật của những người đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Xen lẫn trong dòng người tới thăm viếng hôm ấy, bà Đỗ Thị Hà (vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, trú phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) đang chăm chú ngắm nhìn những bức ảnh cưới, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. “Đây là những bức ảnh chụp ngày cưới của vợ chồng tôi đầu năm 1986. Năm 2018, tôi đã trao lại cho khu tưởng niệm lưu giữ, trưng bày. Cứ tới ngày giỗ, tôi lại tới đây thắp hương cho anh và các đồng đội, rồi ghé thăm bảo tàng”, bà Hà bồi hồi.
Bà Đỗ Thị Hà bên những bức ảnh chụp ngày cưới được bà trao lại cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trưng bày. |
Đưa tay sờ nhẹ bức ảnh, tất cả hoài niệm về những năm tháng hạnh phúc bên chồng của bà Hà lại ùa về. Trong tâm khảm của bà, liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh là một người chồng mẫu mực, rất thương yêu vợ con, chan hòa với đồng đội. Bà Hà kể: “Chúng tôi quen nhau hơn 1 năm thì làm lễ cưới, đại diện gia đình 2 bên là đồng đội của anh ấy. Đầu năm 1988, anh lên kế hoạch nghỉ phép để đưa mẹ con tôi về quê nội (tỉnh Ninh Bình) ra mắt họ hàng. Sau đó, do nhận được lệnh lên đường ra đảo, anh chỉ kịp dặn dò tôi chờ vài tháng, khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ đưa cả gia đình về quê. Nghiệt ngã thay, chỉ 3 ngày sau, tôi nhận hung tin tàu 604 của anh đã bị địch bắn chìm. Anh ra đi khi con gái mới 13 tháng tuổi và còn nhiều dự định 2 vợ chồng vẫn chưa làm được”. Cũng từ đó đến nay, bà Hà một lòng sắt son, ở vậy nuôi con mà không đi thêm bước nữa...
Người dân và du khách tham quan, đọc thư của các anh hùng, liệt sĩ viết năm 1988 gửi cho gia đình trước khi ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ. |
Du khách thăm quan, xem các kỷ vật của các anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma được trưng bày tại bảo tàng trong Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. |
Không riêng gì tôi, nhiều người tới thăm viếng, tận mắt đọc những dòng thư của các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma gửi cho gia đình, người thân trước ngày ra đảo làm nhiệm vụ năm 1988 đều dâng trào cảm xúc. Bức thư cuối của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (tỉnh Thái Bình) gửi cho gia đình ngày 6-3-1988 trước lúc ra đảo Gạc Ma như một lời từ biệt không hẹn ngày về. Như có linh cảm trước, trong thư liệt sĩ viết: “… từ nay con không viết thư về nữa, vì công việc bận, bưu điện lại quá xa…”, rồi dặn dò “Gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về. Bao giờ về là về thôi, chứ bây giờ cũng chẳng được về thăm gia đình nữa”. Có ai ngờ dòng thư ấy thành sự thật, ngày 14-3-1988, các tàu chiến của Trung Quốc đã nổ súng vào bộ đội ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, khiến anh Nguyễn Văn Phương cùng 63 đồng đội hy sinh. Đặc biệt, tại khu tưởng niệm còn lưu giữ, trưng bày giấy báo triệu tập vào học Trường Sĩ quan Lục quân 1 của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, nhưng anh không đi học mà tham gia lực lượng hải quân. Theo lời kể của thân nhân, tuy gia đình khuyên bảo đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1, nhưng anh nhất quyết thực hiện ước mơ trở thành chiến sĩ hải quân như bố…
Tôi vẫn còn nhớ như in tại lễ khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma năm 2017, bà Trần Thị Huệ, mẹ liệt sĩ Lê Thế (TP. Đà Nẵng) đã vào tận nơi để tận tay trao lại một số di vật của con mình cho Ban quản lý khu tưởng niệm trong niềm thương nhớ. Bà Huệ bồi hồi: “Những bộ quân phục, ba lô, lá thư con viết gửi về cho gia đình là báu vật của mẹ. Nay mẹ trao lại cho khu tưởng niệm để mọi người hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, sự thiêng liêng, quý giá từng tấc đất của Tổ quốc mà các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ”. Trong tâm khảm bà Huệ, liệt sĩ Lê Thế là một người con giỏi giang, hiếu thảo. Vào quân ngũ, anh thường xuyên viết thư về thăm hỏi sức khỏe mọi người trong gia đình và không quên dặn dò các em chăm sóc mẹ. Nhưng có lẽ, bức thư anh viết vào tháng 2-1988 là bức thư cuối cùng. Trong thư, liệt sĩ Lê Thế có viết: “… con báo cho má (mẹ) biết, con ở đảo Cam Ranh này chừng khoảng tuần lễ là đổi đi đảo xa, má và mấy em khỏi trông. Con chỉ mong má hãy giữ gìn sức khỏe, đó là điều con mong muốn nhất”.
Năm 2017, bà Trần Thị Huệ, mẹ liệt sĩ Lê Thế trao bức thư của con mình viết cho đại diện Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. |
Bộ quân phục, chiếc ba lô và khắn quàng cổ của liệt sĩ Gạc Ma. |
Trong không gian của bảo tàng còn có hàng trăm di vật khác là chiếc ba lô, đôi dép rọ nhựa, bộ quân phục hải quân, hay cuốn sổ học bạ… của các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma được thân nhân trao lại cho khu tưởng niệm. Tất cả những di vật, kỷ vật ấy là câu chuyện sinh động nhất kể về cuộc chiến, kể về đức hy sinh của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Anh Mai Đức Tân (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi đến thăm viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Lần này, tôi đưa cả gia đình tới với mong muốn cho các con hiểu hơn về sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông để đất nước được bình yên. Tôi rất xúc động khi tận mắt đọc những dòng thư của các liệt sĩ. Các anh rất quả cảm, không chịu khuất phục trước kẻ thù, thà hy sinh chứ không để mất đảo; sự hy sinh cao cả ấy mãi là bông hoa bất tử. Tôi chỉ mong một ngày nào đó được ra thăm quần đảo Trường Sa để hiểu hơn về đất nước mình; khu tưởng niệm được đầu tư trang trọng hơn nữa, để mọi thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi về công ơn của các anh hùng liệt sĩ”.
Nhiều kỷ vật của anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma được gia đình trao gửi cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma lưu giữ, trưng bày. |
Lật từng trang cuốn sổ vàng lưu niệm, chúng tôi thấy có hàng nghìn dòng lưu bút đầy cảm xúc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người dân, du khách trong và ngoài nước khi tới thăm viếng các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Đặc biệt, tháng 3-2022, khi tới thăm viếng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi vào sổ vàng: “... Tôi và đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma. Đây là những tấm gương anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương chói sáng ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam”...
Nhiều cơ quan, tổ chức chọn Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma làm địa chỉ đỏ để tổ chức lễ kết nạp đảng viên. |
Từ lâu, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Vì lẽ đó, nhiều cơ quan, tổ chức đã chọn nơi đây để tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên... Vinh dự là một trong những người được tổ chức lễ kết nạp vào Đảng tại khu tưởng niệm, quần chúng ưu tú Lưu Anh Nguyên - chuyên viên Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ: “Đứng dưới tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, đọc lời tuyên thệ, tôi rất đỗi tự hào. Tôi nguyện ra sức học tập, rèn luyện và cống hiến sức trẻ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để xứng đáng với những công lao, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ cho đất nước độc lập, tự do”.
Bài viết - Hình ảnh: VĂN GIANG
Thiết kế E-magazine: MINH KHANG