10:11, 24/11/2021

Chăm lo sức khỏe người lao động

Những năm qua, các ngành chức năng, doanh nghiệp (DN) đã quan tâm chăm lo sức khỏe cho người lao động (NLĐ). Triển khai kế hoạch về thực hiện chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, công tác này sẽ được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Những năm qua, các ngành chức năng, doanh nghiệp (DN) đã quan tâm chăm lo sức khỏe cho người lao động (NLĐ). Triển khai kế hoạch về thực hiện chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, công tác này sẽ được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.


Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách


Nhiều năm qua, Công ty TNHH Long Sinh luôn quan tâm chăm lo, bảo đảm sức khỏe cho gần 200 lao động. Ông Võ Quang - Phó Giám đốc sản xuất, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Long Sinh chia sẻ, hàng năm, công ty đều tổ chức khám sức khỏe 2 lần/năm cho tất cả NLĐ. Công ty đã thành lập phòng y tế để chăm sóc, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe từng công nhân. Chế độ ăn ca được điều chỉnh tăng lên hàng năm và được thay đổi món hàng ngày để đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt, công ty đầu tư nâng cấp máy móc, nhà xưởng nhằm tạo sự thông thoáng, hạn chế các tác nhân gây hại cho công nhân. Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, công ty trang bị thêm khẩu trang, nước sát khuẩn và bố trí cho công nhân ở lại nhà máy làm việc; NLĐ đã được tiêm vắc xin.


Công ty TNHH Komega-X có gần 1.000 lao động. Do số lượng lao động đông nên công tác chăm lo, bảo đảm sức khỏe cho công nhân càng được quan tâm chu đáo. Hàng năm, công nhân có 2 lần khám sức khỏe định kỳ và có thêm nội dung sức khỏe sinh sản dành cho nữ. Nhà xưởng được đơn vị đầu tư xây dựng thông thoáng, bố trí đủ máy tạo mát cho công nhân khi làm việc. Suất ăn ca được điều chỉnh hàng năm; thực phẩm được mua rõ nguồn gốc, đảm bảo dinh dưỡng và được kiểm định, lưu mẫu trước khi công nhân sử dụng. Chị Lê Thị Hồng, công nhân công ty cho biết: “DN trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, công ty bố trí cho công nhân ở lại nhà máy làm việc; sắp xếp vị trí công việc hợp lý và quan tâm nâng cao suất ăn cho công nhân. Đến nay, hầu hết công nhân đã được tiêm 2 mũi vắc xin nên an tâm làm việc”…

 

Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân Công ty TNHH Komega-X
Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân Công ty TNHH Komega-X


Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng 10.000 DN. Qua kiểm tra hàng năm, các DN đã quan tâm chăm lo, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Mỗi năm, có gần 2.000 DN sản xuất phối hợp với các đơn vị y tế để khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Các DN dành hơn 60 tỷ đồng/năm để mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, tập huấn kỹ năng, biện pháp lao động an toàn cho NLĐ. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, có gần 100 DN thực hiện “3 tại chỗ” với 11.400 công nhân. Trong điều kiện khó khăn, các DN vẫn duy trì việc làm, thu nhập và lo nơi ăn ở đảm bảo sức khỏe cho công nhân. Bên cạnh đó, hàng năm, các ngành chức năng đều bám sát kiểm tra, kiểm soát, đo môi trường làm việc để kịp thời hướng dẫn DN khắc phục, điều chỉnh nhằm đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.


Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp


Ngày 29-10, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của chương trình nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ; khuyến khích lối sống dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc; phòng, chống bệnh tật, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước.


Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đầu tư, nâng cao trang thiết bị chuyên ngành thiết yếu cho các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ; tăng cường công tác kiểm soát môi trường lao động và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ theo quy định. Cùng với đó, tăng cường phòng, chống hiệu quả các bệnh nghề nghiệp và giảm NLĐ tiếp xúc với yếu tố có hại tại nơi làm việc; rà soát, xây dựng hướng dẫn về sức khỏe lao động nữ, hệ thống y tế trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sử dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.


Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai thí điểm mô hình dịch vụ y tế lao động cơ bản và hướng dẫn, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe NLĐ cơ bản cho DN nhỏ, vừa, làng nghề và cho NLĐ không có hợp đồng lao động; cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ. Đồng thời, các đơn vị, địa phương quan tâm xây dựng và nhân rộng mô hình phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc, mô hình phòng, chống một số bệnh nghề nghiệp phổ biến; xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động tại các DN, làng nghề…

 

Theo kế hoạch thực hiện chương trình, phấn đấu đến năm 2030: Quản lý được 80% đơn vị sử dụng lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp; kiểm tra công tác quan trắc môi trường lao động đạt 50% đơn vị; quản lý sức khỏe NLĐ tại các đơn vị sử dụng lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp đạt 100%; giảm 25% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động; 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng… Tổng kinh phí thực hiện hơn 3,7 tỷ đồng.


VĂN GIANG