10:10, 24/10/2021

Góp phần thu hẹp khoảng cách vùng, miền

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thu hẹp hơn nữa khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thu hẹp hơn nữa khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

 

Người dân mua sắm tại chợ thị trấn Khánh Vĩnh tháng 1-2021.
Người dân mua sắm tại chợ thị trấn Khánh Vĩnh tháng 1-2021.
 
Người dân được tiếp cận hàng chất lượng cao
 
Mục tiêu cụ thể của chương trình: Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo hàng năm đạt mức tăng trưởng 9 - 9,5%; khuyến khích, phát triển thương nhân, DN có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8 - 9%. Đồng thời, xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất, đồng bộ…
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964 ngày 30-6-2015. Qua 5 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, chương trình đã đem lại kết quả tích cực. Các địa phương đã quan tâm đến công tác cải tạo, mở rộng, nâng cấp đầu tư xây dựng mạng lưới chợ. 5 năm qua, có 2 chợ được đầu tư xây dựng mới; nâng cấp, cải tạo 6 chợ với tổng kinh phí khoảng 19 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa 3,6 tỷ đồng. 
 
Ngoài ra, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) tổ chức 19 hội chợ thương mại tại các địa phương như: Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh… thu hút đông đảo lượng khách tham quan, mua sắm, góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm hàng hóa của DN, mở rộng thị trường, hệ thống phân phối. Đồng thời, sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức 12 phiên chợ hàng Việt về nông thôn (thuộc Chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của tỉnh) tại các địa phương: Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Khánh Sơn, Diên Khánh; 3 phiên chợ hàng Việt về huyện miền núi Khánh Vĩnh và xã đảo Cam Bình, TP. Cam Ranh (thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia). Mỗi phiên chợ thu hút từ 20 đến 30 gian hàng của các DN trong và ngoài tỉnh, giới thiệu đến người dân nhiều mặt hàng tiêu dùng. Việc tổ chức các phiên chợ nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao. 
 
Ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Vĩnh cho biết, những năm qua, ngoài hội chợ thương mại do các sở, ngành của tỉnh tổ chức, trung tâm còn tạm ứng ngân sách nhà nước (từ 1,5 đến 2 tỷ đồng) mua hàng hóa sản xuất trong nước để bình ổn giá thị trường trong những ngày lễ, Tết; dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tổ chức thu mua nông sản cho người dân trên địa bàn và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Trung tâm đã triển khai thực hiện tốt việc bán hàng tại 8 cửa hàng ở các xã trên địa bàn huyện (chủ yếu bán hàng Việt Nam) với hàng hóa ngày càng phong phú, sức mua năm sau luôn cao hơn năm trước.
 
Tiếp tục triển khai chương trình
 
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc thu hút, kêu gọi nguồn vốn đầu tư phát triển chợ từ DN gặp nhiều khó khăn, hạn chế do dân số tại các xã miền núi, hải đảo thưa thớt, phân tán, giao thông không thuận tiện, nhu cầu mua bán ít; việc đầu tư không hiệu quả nên khó thu hút nhà đầu tư; việc thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân vẫn còn hạn chế…
 
Nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng khó khăn, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, phạm vi thực hiện chương trình tại 5 địa phương gồm: Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, huyện đảo Trường Sa.
 
UBND tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch, hàng năm lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của ngành Công Thương để huy động tối đa nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện những nội dung như: Cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công để thực hiện phù hợp với quy định; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để huy động tối đa nguồn lực của địa phương cho các hoạt động. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt chính sách để phát triển sản xuất tại các vùng nông, lâm, thủy sản có thế mạnh nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm cho những địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường hoạt động kết nối các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các DN phân phối trên thị trường; rà soát quy hoạch sử dụng đất, cân đối và phân bổ quỹ đất phù hợp với nhu cầu phát triển hạ tầng thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo…
 
KHÁNH HÀ